VN-Index tiếp đà tăng phiên thứ năm liên tiếp
Đối nội - Ngày đăng : 17:50, 07/04/2020
(BKTO) - Lực cầu nhỉnh hơn đã giúp VN-Index đóng cửa phiên chiều ngày 7/4 tại 746,69 điểm và nối dài mạch tăng lên phiên thứ năm liên tiếp.
Ảnh minh họa - Nguồn: Sưu tầm |
"Rung lắc"
Bước vào phiên giao dịch sáng nay 7/4, nối tiếp đà tăng của phiên hôm qua, thị trường tăng nhanh gần 10 điểm chỉ sau ít phút mở cửa. Mặc dù vậy, việc tăng nóng đã theo áp lực bán quay trở lại, khiến chỉ số VN-Index nhanh chóng đảo điều xuống sắc đỏ, lùi về 730 điểm trước khi trở lại tham chiếu và chững lại sau hơn 1 giờ giao dịch.
Bảng điện tử phân hóa mạnh với số mã tăng/giảm khá cân bằng, và điều tương tự cũng diễn ra ở rổ VN30, mặc dù vậy, có những bluechip đang cho thấy sự vượt trội khi tăng mạnh, có thời điểm chạm giá trần như MWG và VRE.
Nhóm cổ phiếu thị trường nổi bật vẫn có một số sắc tím được duy trì như ASM, IDI, JVC, TCH, CCL, PVD. Trong khi họ cổ phiếu FLC đa số giảm, thậm chí AMD, HAI còn có thời điểm xuống mức giá sàn, cùng nhiều cổ phiếu đang có thanh khoản tốt giằng co quanh tham chiếu. Sau nửa đầu phiên giằng co, áp lực bán giảm dần, nhưng dòng tiền mạnh chưa vội vàng tham gia, cùng sự đảo chiều. Thị trường tiếp tục diễn biến giằng co nhẹ quanh tham chiếu trong phần còn lại của phiên với sự phân hóa mạnh trên bảng điện tử, nhưng với việc một số cổ phiếu lớn, đặc biệt là VIC đảo chiều tăng điểm đã đưa VN-Index tăng hơn 6 điểm khi kết phiên sáng.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 168 mã tăng và 164 mã giảm, VN-Index tăng 6,74 điểm (+0,91%), lên 743,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 200,6 triệu đơn vị, giá trị gần 3.162 tỷ đồng, tương đương về khối lượng và tăng 16% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 8,12 triệu đơn vị, giá trị 336,5 tỷ đồng.
Rổ VN30 khá cân bằng, với 15 mã tăng và 14 mã giảm và như đã đề cập, việc VIC đảo chiều có tác động tâm lý và ảnh hưởng nhất định đến thị trường, khi kết phiên +2,8% lên 100.000 đồng. Không chỉ VIC, 2 mã còn lại liên quan cũng tăng mạnh hỗ trợ là VHM +4,7% lên 64.600 đồng; VRE thậm chỉ còn có thời điểm chạm giá trần, trước khi kết phiên +6,7% lên 22.250 đồng.
Ngoài bộ 3 cổ phiếu Vingroup, thì một số bluechip cũng hoạt động tốt như MWG +4,2% lên 72.800 đồng; CTD +3,7% lên 53.500 đồng; SAB +2,5% lên 135.300 đồng; STB +2,5% lên 9.150 đồng, còn VNM, VPB, MSN, BVH nhích hơn 1%.
Trái lại, trong số các mã giảm, đáng kể có VJC -2,1% xuống 97.800 đồng; PLX -2,9% xuống 38.950 đồng; POW -2,2% xuống 7.960 đồng; ROS -4,5% xuống 3.800 đồng. SBT biến động mạnh, khi mở cửa tăng nhẹ, nhưng lao nhanh xuống mức giá sàn, trước khi hãm bớt đà giảm, kết phiên -1,8% xuống 13.400 đồng.
Các mã khác như GAS, CTG, NVL, FPT, EIB, HDB mất trên dưới 1%.
Rủi ro giảm điểm của thị trường vẫn ở mức cao
Nhận định cho phiên giao dịch hôm nay, chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC cho rằng VN-Index sẽ tiến đến thử thách vùng kháng cự 745-750 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Tại đây, thị trường nhiều khả năng sẽ chịu áp lực chốt lời và điều chỉnh trở lại để kiểm định vùng hỗ trợ 700-720 điểm.
BVSC nêu quan điểm tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đang phát đi những tín hiệu tích cực, cùng với đó là diễn biến khởi sắc của thị trường chứng khoán toàn cầu. Đây là các yếu tố sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đà hồi phục của thị trường. Tuy nhiên, điểm tiêu cực vẫn đến từ hoạt động bán ròng mạnh và kéo dài của khối ngoại.
Ngoài ra, rủi ro đối với diễn biến thị trường trong thời gian tới còn đến từ các thông tin về kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp và các số liệu vĩ mô sẽ dần được công bố trong tháng 4. Ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng.
Trên thị trường chứng khoán thế giới, các thị trường chứng khoán Âu-Mỹ tăng mạnh trong phiên 6/4, nhờ số trường hợp nhiễm mới và số ca tử vong giảm ở một số nước là điểm nóng của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên thế giới.
Trên Phố Wall, chỉ số Dow Jones chốt phiên tăng 1.627,46 điểm, hay 7,73%, lên 22.679,99 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 175,03 điểm, hay 7,03%, lên 2.663,68 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite tăng 540,16 điểm, hay 7,33%, lên 7.913,24 điểm.
Trong khi đó, chỉ số FTSE 100 tại London tăng 3,1%, lên 5.582,39 điểm, chỉ số DAX 30 tại Frankfurt tăng 5,8%, lên 10.075,17 điểm, chỉ số CAC 40 tại Paris tăng 4,6%, lên 4.346,14 điểm, còn chỉ số EURO STOXX 50 tăng 5%, lên 2.795,97 điểm.
Theo nhà phân tích Peter Cardillo tại Spartan Capital Securities, các thị trường lên điểm nhờ hy vọng thế giới có thể đang đạt đến đỉnh dịch Covid-19. Nhà phân tích Naeem Aslam tại AvaTrade cho rằng các nhà đầu tư đang được khích lệ khi số ca tử vong đã giảm tại một số nước châu Âu như Italy, Tây Ban Nha và Pháp. Bên cạnh đó, các nhà phân tích tại Charles Schwab nhận định sự lạc quan của các nhà đầu tư Mỹ còn đến từ các dấu hiệu sớm cho thấy tâm dịch của nước này là New York có thể sắp chạm đỉnh.
Tuy nhiên ở một góc độ khác, CTCP Chứng khoán Rồng Việt nhận định rủi ro giảm điểm của thị trường vẫn ở mức cao. Theo đó, VN-Index được kì vọng sẽ dao động trong vùng 630 - 750 điểm trong tháng 4.
Phân tích sâu hơn, công ty chứng khoán này chỉ ra các yếu tố có thể tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán trong tháng 4.
Thứ nhất, thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục đồng điệu với thị trường thế giới khi mà khối ngoại đang chiếm hơn 20% giá trị vốn hóa sàn HOSE, giao dịch của khối ngoại cũng luôn có ảnh hưởng nhất định tới tâm lý nhà đầu tư trong nước. Mặc khác, như đánh giá trước đó của công ty chứng khoán này, thị trường chứng khoán Mỹ, với sức ảnh hưởng lớn tới các thị trường trên thế giới, có xác suất cao sẽ giảm trở lại mặc dù đã hồi phục mạnh trong thời gian qua. Thống kê từ Bloomberg và Barclays Research cho thấy, thị trường Mỹ thường xuyên có nhịp hồi phục, hay bẫy tăng giá, trước khi tiếp tục rơi và chạm đáy trong thị trường gấu.
Thứ hai, mặc dù khả năng dịch bệnh có thể được khống chế trong quí II, Chứng khoán Rồng Việt đánh giá mức độ lây lan và khả năng kiểm soát dịch của Việt Nam và thế giới vẫn là một ẩn số khó lường. Cho đến nay, Việt Nam và một số nước đã ban hành lệnh giãn cách xã hội hay phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn sự lây lan của dịch. Tuy nhiên, trong trường hợp Việt Nam và các nước lớn như Mỹ và các nước châu Âu kéo dài thời hạn lệnh này, ”cú sốc cầu” có thể ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của DN nhiều hơn dự báo. Theo đó, rủi ro thị trường tiếp tục biến động mạnh ở vùng điểm thấp vẫn chưa được hoàn toàn loại bỏ.
Mặc dù vậy, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, rủi ro thị trường đã phần nào giảm xuống. Mức độ bán ròng của khối ngoại cũng đang có xu hướng chậm lại, thậm chí có phiên chuyển sang trạng thái mua ròng trên sàn HOSE. Theo đánh giá của công ty này, khối ngoại có thể sẽ chưa chuyển sang mua ròng ngay trong tháng 4 khi các chỉ số rủi ro còn đang ở mức cao, tuy nhiên mức độ bán ròng của khối này nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm bớt.
NAM SƠN (tổng hợp)