Tháo gỡ những bất cập lớn của nền kinh tế
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 08:05, 11/06/2015
(BKTO) - Ngày 08/6, Quốc hội (QH) đã dành trọn mộtngày để thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạchphát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch pháttriển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2015.
Các ĐBQH thảo luận tại Hội trường. Ảnh: T.S
Lo lắng về nợ công
Tiếp nối những lo lắng từ kỳ họp thứ 8, tại Báo cáo bổ sung về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và đánh giá tình hình 4 tháng đầu năm 2015, tình trạng nợ công đang tăng ở mức cao vẫn là mối quan tâm của nhiều đại biểu (ĐB). Với nhiều con số như: nợ công đang tăng ở mức độ cao 15-20%/năm trong một thập niên gần đây, tỷ lệ nợ công/GDP đang mấp mé mức trần 65%. Điều đáng lo ngại hơn là tỷ lệ giữa nghĩa vụ trả nợ và thu ngân sách đã vượt ngưỡng 25% và dự kiến đến năm 2015 sẽ chạm mức gần 30%. Nhận định về tình hình này, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng: Đây chính là mối nguy hiểm trực tiếp và đáng lo ngại nhất của nền kinh tế. ĐB nhất trí với các giải pháp được Chính phủ đề ra nhằm giải quyết vấn đề nợ công, song “để giải quyết vấn đề nợ công không phải bằng cách buộc Chính phủ giảm đi vay mà phải bằng cách quản lý đầu tư công chặt chẽ, đúng pháp luật và có tầm nhìn” - ĐB Nghĩa nhấn mạnh.
Phân tích những nguyên nhân khiến tình trạng nợ công tiếp tục gia tăng, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nêu quan điểm, các chỉ số về nợ công cần được tính toán lại theo đúng bản chất kinh tế của nó thay vì tính toán theo các quy định của pháp luật về quản lý nợ công hiện hành. “Nếu tính cho đủ, cho đúng mức nợ công theo bản chất kinh tế sẽ tăng thêm tới bao nhiêu, theo đó các con số về nợ công sẽ thế nào, nguồn thu ngân sách trong tương lai liệu có đảm bảo luôn trang trải được các nghĩa vụ trả nợ đến hạn hay không?” - ĐB Đồng đặt câu hỏi.
Nhiều chuyên gia cho rằng, những giải pháp nhằm giải quyết tình trạng nợ công vừa qua được cho là chưa triệt để; vấn đề đáng lo là khả năng trả nợ mỗi năm 13-14%, trong khi ngân sách hiện nay đang rất yếu, tăng trưởng thấp, bội chi cao. Như vậy, khả năng trả nợ sẽ rất khó khăn cả trước mắt, lâu dài. Do đó, ĐBQH kiến nghị, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nợ công chặt chẽ, đảm bảo nợ công trong giới hạn theo nghị quyết của QH, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.
Về vấn đề này, trong báo cáo của Bộ Tài chính gửi đến QH về tình hình thựchiện các Nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ Tài chính cũng thẳng thắn nhìn nhận: Cơ cấu nợ chưa thực sự bền vững, việc sử dụng các khoản vay ngắn hạn cho đầu tư dài hạn làm phát sinh rủi ro tái cấp vốn và tạo ra áp lực trả nợ lớn. Công tác quản lý nợ công còn phân tán, thiếu đồng bộ giữa các Bộ, ngành và địa phương gây khó khăn cho công tác giám sát chi tiêu an toàn nợ công…
Đẩy nhanh Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp
Thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh những điểm sáng giúp phát triển, ổn định tình hình kinh tế thời gian qua, một số lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng của ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản quý I/2015 chỉ tăng 2,14% - mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Khẳng định vai trò to lớn của ngành Nông nghiệp trong sự phát triển kinh tế của đất nước, nhiều ĐB cho rằng, sản xuất nông nghiệp hiện đang gặp nhiều trở ngại, nông dân không tiêu thụ được sản phẩm nông nghiệp với những thách thức như: năng lực quản lý, sức cạnh tranh của DN trong nước còn thấp, trình độ sản xuất của nông dân lạc hậu, manh mún... ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) trăn trở: Nếu những vướng mắc, hạn chế không sớm được giải quyết thì sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam không những không đáp ứng được rào cản kỹ thuật ngặt nghèo của các thị trường khó tính mà còn khó giữ vững được thị trường trong nước.
Tuy nhiên, theo nhiều ĐB, nền nông nghiệp trong nước phải đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu. Trong khi chủ trương đúng đắn trên đang được triển khai rất chậm thì các chương trình, dự án phát triển khác được triển khai rất nhanh. ĐB Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) nhấn mạnh: Trong thời gian tới, nhiều Hiệp định thương mại tự do với các nước trong khu vực và trên thế giới được ký kết và có hiệu lực, từ đó mở ra triển vọng lớn về kinh tế. Tuy nhiên, có thể một số sản phẩm nông nghiệp sẽ không có sức cạnh tranh với các nước trong khu vực, dẫn đến tình trạng đời sống của người nông ngày càng gặp khó khăn. Vì vậy, Chính phủ cần đẩy nhanh Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó tập trung giải quyết các vướng mắc như: quy hoạch sản xuất, xác định rõ thế mạnh sản phẩm của từng vùng, địa phương để chuyển dịch cơ cấu một cách có hiệu quả và bền vững; ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp…
Để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu nông nghiệp, ĐB Trần Dương Tuấn (Bến Tre) đề nghị Chính phủ xem xét cho thành lập Tổ công tác liên Bộ để phối hợp trực tiếp giải quyết các vấn đề khó khăn và đặc biệt đề xuất cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều ĐB cho rằng, Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực nông nghiệp, trong đó bao hàm cả việc giám sát quá trình tái cơ cấu nông nghiệp để có hiệu quả hơn.
NGUYỄN LỘC