Ngành hàng không thế giới “vật lộn” để tồn tại trước đại dịch Covid-19

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 20:42, 08/04/2020

(BKTO) - Theo các số liệu mới nhất, công suất vận chuyển hàng khách quốc tế của ngành hàng không thế giới đã giảm gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái, một nửa số máy bay đang dừng hoạt động. Đại dịch Covid-19 đã gây ra những khó khăn chưa từng có cho ngành hàng không thế giới.


                
   

Công suất vận chuyển hàng khách quốc tế của ngành hàng không thế giới đã giảm gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái - Ảnh minh họa

   

“Nhiều máy bay sẽ không bao giờ bay trở lại”

Mới đây, các hãng hàng không như United Airlines Holdings Inc và Air New Zealand Ltd cảnh báo họ có thể trở thành các hãng có quy mô nhỏ hơn sau khủng hoảng và có những lo ngại rằng các hãng khác sẽ không thể tồn tại.

Phó Chủ tịch công ty cung cấp dữ liệu ForwardKeys, Olivier Ponti, nhận xét có thể khi khủng hoảng qua đi, tình hình thị trường sẽ không khởi sắc như đầu năm. Ông Ponti cũng cho rằng một số hãng hàng không có thể phá sản và việc giảm giá đến mức phi lợi nhuận là cần thiết để thu hút hành khách trở lại.

ForwardKeys cho biết, số ghế trên các tuyến bay quốc tế giảm xuống còn 10 triệu trong tuần từ ngày 30/3 đến ngày 5/4, so với mức 44,2 triệu ghế của cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, theo hãng dữ liệu OAG, những năm tăng trưởng vừa qua của ngành hàng không đã kết thúc và phải đến năm 2022 hay 2023, lượng hành khách mới đạt mức được ước tính cho năm 2020.

Theo Cirium, một công ty cung cấp dữ liệu hàng không khác, một nửa số máy bay trên toàn cầu hiện đang dừng bay. Nhà phân tích Helane Becker của Cowen cho rằng, nhiều máy bay trong số đó dừng bay tạm thời, nhưng cũng có nhiều máy bay sẽ không bao giờ bay trở lại. Ông cho rằng ngành hàng không sẽ rất khó khăn trong nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết, các hãng hàng không châu Âu dự kiến sẽ mất khoảng 63 tỷ bảng doanh thu trong năm nay do các lệnh cấm bay và ngành hàng không thế giới sẽ mất 252 tỷ bảng, bằng 50% của doanh thu ngành hàng không năm ngoái. Theo IATA, nếu các lệnh cấm bay áp dụng trong 3 tháng tại nhiều nơi trên thế giới, nhiều hãng hàng không sẽ không đủ tài chính để cầm cự quá 2 tháng.

IATA ngày 2/4 cũng lên tiếng kêu gọi các chính phủ ở khu vực Trung Đông và châu Phi cần hành động nhanh hơn để bảo vệ ngành hàng không, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến các hãng hàng không tại khu vực này thiệt hại tới 23 tỷ USD.

Tại châu Á, trong thư gửi Bộ Giao thông, Bộ Tài chính và các cơ quan tài chính của Hàn Quốc, Hiệp hội Vận tải hàng không dân dụng Hàn Quốc (KCA) cho biết, ngành công nghiệp hàng không nước này đang sụp đổ, với khoảng 840.000 việc làm trong lĩnh vực hàng không, du lịch và các doanh nghiệp liên quan khác đối mặt với nguy cơ bị mất. Các hãng hàng không đang phải gánh một khoản chi phí cố định trị giá 900 tỷ won (tương đương 730 triệu USD) mỗi ngày và họ phải đối mặt với khoản nợ trị giá 5.300 tỷ won đáo hạn vào tháng 12/2020.

Trong “thảm cảnh” này, nhiều hãng hàng không lớn đã đưa ra hàng loạt các giải pháp; trong đó giải pháp đầu tiên là cắt giảm công suất và đội ngũ nhân sự cũng như cho lao động nghỉ việc tạm thời trong vài tháng tới.

Air New Zealand cho biết sẽ sa thải khoảng 3.500 nhân viên, tương đương gần 30% lực lượng lao động trong những tháng tới, vì dịch COVID-19 khiến hãng hàng không này phải hủy gần như tất cả chuyến bay. Giám đốc điều hành Air New Zealand, Greg Foran cho hay dịch COVID-19 đã khiến doanh thu của hãng hàng không này giảm từ 5,8 tỷ USD xuống còn chưa tới 500 triệu USD.

Trong khi đó, Hãng hàng không Air Canada cũng thông báo sẽ cắt giảm 85-90% công suất trong quý 2/2020 và cho nghỉ việc tạm thời khoảng 15.200 lao động và 1.300 nhân sự quản lý.

Còn Hãng hàng không Lufthansa (Đức) cho biết, 27.000 nhân viên của họ sẽ giảm giờ làm.

Hãng hàng không American Airlines Holdings Inc cũng dự định nộp đơn xin khoản viện trợ chính phủ lên tới 12 tỷ USD với cam kết không sa thải người lao động không tự nguyện nghỉ việc hoặc cắt giảm lương trong 6 tháng tới.

Hãng hàng không quốc gia Anh (BA) sẽ cho 36.000 nhân viên, gồm các nhân viên tổ lái, nhân viên mặt đất, kỹ sư, nhân viên hành chính và nhân viên văn phòng tạm nghỉ việc do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. BA trước đó đã ký thỏa thuận riêng với 4.500 phi công của hãng, theo đó những người này sẽ nghỉ không lương 2 tuần trong tháng Tư này và tháng Năm tới.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sẽ phải mất nhiều năm nữa ngành hàng không thế giới mới có lại được những gì đã mất từ đại dịch lần này.
                
   

Cảnh vắng vẻ tại sân bay Nội Bài ngày 19/3 - Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

   

Khó khăn chưa từng có

Chung cảnh ngộ với các hãng hàng không trên thế giới, ngành hành không Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có trong lịch sử phát triển.

Đến thời điểm này, tất cả đường bay từ Việt Nam đi quốc tế đã bị tạm dừng, còn các đường bay nội địa chỉ duy trì rất hạn chế.

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 rõ nét nhất khi những ngày này hình ảnh tại các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất với hàng trăm tàu bay nằm “đắp chiếu” trên sân đỗ. Điều này khác xa so với thời gian cách đây 3 tháng trước, khi mà các sân bay này luôn quá tải, thậm chí vào những khung giờ vàng, hàng chục tàu bay phải nối đuôi nhau chờ cất cánh.

Điều đáng nói, ngay cả khi tàu bay không được khai thác thì hãng hàng không vẫn phải chi trả vài trăm tỷ đồng mỗi tháng để duy trì bộ máy, trả lương, trả tiền thuê máy bay, bảo trì bảo dưỡng, phí đậu đỗ…

Thử hình dung 4 hãng bay của Việt Nam là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Bamboo Air có hơn 200 tàu bay đang “đắp chiếu” thì chi phí mà các hãng phải trả mỗi tháng lớn như thế nào.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc phạm vi quản lý, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt 19.212 tỉ đồng, giảm 6.712 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019; lỗ 2.383 tỉ đồng.

Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý IV, tổng doanh thu của Vietnam Airlines ước đạt 38.140 tỉ đồng, giảm 72.411 tỉ đồng so với kế hoạch, ước lỗ 19.651 tỉ đồng. Dư nợ vay ngắn hạn của doanh nghiệp này tính đến ngày 20/3 đã lên tới 3.568 tỉ đồng, trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng, dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỉ đồng trong năm 2020.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với tiềm lực mạnh và nhiều năm tích lũy tài chính cũng như có thị trường lớn như Vietnam Airlines còn đang hết sức điêu đứng thì các hãng hàng không khác tình cảnh còn “bi đát” hơn nhiều. Đặc biệt là các hãng mới thành lập, muốn tái cơ cấu thị trường, thậm chí chuyển sang vận tải hàng hóa cũng khó vì chưa có thị phần nhiều.

Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, các “kịch bản” ứng phó với COVID-19 được Cục xây dựng trước đó đến giờ đều bị “phá sản”. Đến nay, không thể đưa ra đánh giá đầy đủ về tình hình bởi chưa thể biết thời điểm dịch COVID-19 kết thúc.

Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) Trần Bảo Ngọc cho biết, theo báo cáo sơ bộ của các hãng hàng không Việt Nam, thiệt hại ban đầu của việc dừng và hạn chế các đường bay là hơn 30.000 tỷ đồng.

Để hỗ trợ ngành hàng không, Bộ Giao thông Vận tải mới đây đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến các đơn vị trong ngành giao thông. Trong văn bản này, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Giao thông Vận tải ban hành chính sách hỗ trợ giá dịch vụ hàng không cho các hãng hàng không Việt Nam.
PHÙNG NGUYÊN(tổng hợp)