Hướng đi nào cho cây mắc ca tại Việt Nam?

Đầu tư - Ngày đăng : 09:10, 11/06/2015

(BKTO) - Trồng giống mắc ca nào? Trồng ở đâu? Trồng baonhiêu thì đủ?...” hiện đang là những câu hỏi nhận được sự quan tâm của nhiềuchuyên gia, người dân và DN.



Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: THANH TÙNG
Ngay cả Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn mới đây tại Hội thảo về định hướng phát triển mắc ca tại Việt Nam cũng thừa nhận: “Ba năm nay chúng tôi vẫn chưa ký được quy hoạch phát triển mắc ca cũng là vì chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng”.

Tham gia thị trường đúng thời điểm

Phát biểu tại Hội thảo, ông Jolyon Burnett - Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Australia, cho rằng Việt Nam đã lựa chọn thời điểm phù hợp để bước chân vào ngành hàng hạt - ngành hàng đang tăng trưởng rất mạnh và có mức kỷ lục về giá. Gần 10 năm qua, hạnh nhân tăng gấp đôi về sản lượng nhưng đã gấp ba về giá trị, doanh số hạt óc chó cũng tăng 4 lần. Xu hướng tiêu dùng của người người dân với các loại hạt giàu dinh dưỡng ngày càng tăng. Hạt mắc ca đang trong tình trạng cầu lớn hơn cung, và tồn kho mắc ca thế giới năm 2014 là không có.

Các số liệu thống kê cho thấy, sản lượng mắc ca chưa tách vỏ trên toàn thế giới đã tăng 12,5% trong năm 2014 đạt 152.663 tấn. Trong đó, Australia tăng 24% và và Nam Phi tăng 19%. Nhiều trang trại trồng mới đang xuất hiện tại Trung Quốc, Mexico và tới đây có thể là Việt Nam. Về thị trường tiêu thụ, hiện 70% lượng mắc ca tách vỏ (mắc ca nhân) được tiêu thụ ở 5 nước: Mỹ, Đức, Australia, Nhật, Brazil. Còn người tiêu dùng Trung Quốc thích mắc ca chưa tách vỏ và tạo ra sự gia tăng rất lớn nhu cầu về loại này trong những năm gần đây. Chiếm tới 90% sản lượng mắc ca toàn thế giới. Ứơc tính Trung Quốc tiêu thụ 35.000 - 40.000 tấn mắc ca trong năm 2014 và dự kiến sẽ tiêu thụ hơn 40.000 tấn trong năm 2015. Với nhu cầu tiêu thụ mắc ca hiện nay của thế giới, ông Jolyon Burnett cho rằng, trong vòng 10 năm tới, thu nhập của người sản xuất mắc ca vẫn rất tốt.

Ông Jolyon Burnett lưu ý, Việt Nam cần tránh lặp lại sai lầm phát triển mắc ca chạy theo diện tích, sản lượng, chưa thực sự chú trọng đến chất lượng của Trung Quốc, cần kiểm soát chặt giống mắc ca, vì cây mắc ca sẽ trồng và cho thu hoạch trong tận 40 năm. Hơn nữa, chất lượng hạt mắc ca phụ thuộc hoàn toàn vào giống đầu vào, không phải nhờ công nghệ chế biến.

Cần thận trọng

Tại Việt Nam, hiện có hơn 2.000 ha mắc ca được trồng ở các mô hình khảo nghiệm, thử nghiệm thuộc các cơ quan nghiên cứu, DN, người dân thuộc 2 khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên. Trong đó, Đắc Lắk, Đắc Nông và Lâm Đồng có từ 500-800 ha/tỉnh; Kon Tum, Gia Lai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình ước từ 50-150 ha/tỉnh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, mắc ca được coi là cây nữ hoàng, nhưng cũng được mệnh danh là “nữ hoàng đỏng đảnh”, không hề dễ trồng. Thực tế, hơn 20 năm qua, Bộ NN&PTNT đã khảo nghiệm nhiều giống cây nhưng cho đến năm 2014 mới công nhận được 10 giống mắc ca, nhiều giống trồng ở nước ngoài có hiệu quả cao song về Việt Nam lại cho hiệu quả thấp hoặc thậm chí không có hiệu quả. Bên cạnh đó, mắc ca cũng đòi hỏi kỹ thuật bảo quản và chế biến cao mà không phải quốc gia nào cũng đáp ứng ngay được. Điều này lý giải vì sao Kenya có sản lượng mắc ca tương đương Australia, song thu nhập từ mắc ca chỉ bằng một nửa Australia. Việc 90% lượng mắc ca chưa tách vỏ hiện nay phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng là một điều đáng lo ngại.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định, qua khảo sát ở Việt Nam cho thấy, nhiều nơi có điều kiện đất đai, thổ nhưỡng phù hợp với trồng mắc ca, song quy hoạch ngành hàng này phải đạt được hiệu quả cao nhất, muốn vậy, ngoài điều kiện sinh học, sinh thái, thổ nhưỡng thì điều quan trọng là phải tính toán được cung - cầu thị trường để có giải pháp đồng bộ về chế biến, bảo quản cho bà con nông dân, tránh việc tính toán không kỹ, gây thiệt hại cho bà con và DN. Đồng thời, phải tránh được tình trạng đã lặp đi lặp lại với một số cây khác là được mùa mất giá, vì trên thế giới, nhiều nước đang phát triển nóng về mắc ca. Đặc biệt, mắc ca là cây dài ngày, lại yêu cầu bảo quản, chế biến khó khăn hơn nhiều cây khác, nếu không tính toán kỹ sẽ tạo hệ lụy lớn, lâu dài. Do vậy, dù đã nghiên cứu quy hoạch 3 năm nay, nhưng hiện chúng tôi vẫn phải mời các chuyên gia quốc tế cho thêm ý kiến để xem xét lần cuối cùng. Dự kiến, trong năm nay Bộ NN&PTNT sẽ ban hành quy hoạch phát triển mắc ca.

Thời gian vừa qua, Bộ NN&PTNT có văn bản định hướng các địa phương chỉ trồng tối đa 10.000 ha mắc ca từ nay đến năm 2020. Bởi theo tính toán của Bộ NN&PTNN, lượng giống có chất lượng, có nguồn gốc đã được công nhận chỉ đủ để sản xuất số lượng như vậy là tối đa. Ông Brice Kaddatz - chuyên gia kỹ thuật mắc ca Australia lưu ý, Việt Nam chỉ nên phát triển mắc ca ở những nơi đảm bảo có năng suất cao, chất lượng tốt, không nên chạy theo số lượng. Đồng thời, cần đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, bởi kể cả việc trồng xen, tận dụng lao động giá rẻ cũng khó cạnh tranh được so với việc giảm chi phí sản xuất nhờ cơ giới hóa.

THANH TÙNG