Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

Kinh tế - Ngày đăng : 15:50, 10/04/2020

(BKTO) - Tại Hội nghị trực tuyến sáng 10/4, tại Hà Nội, đại diện các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều kiến nghị, đề xuất với Chính phủ liên quan tới việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.



Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương về những giải pháp ứng phó tổng thể trước tác động của dịch COVID-19 diễn ra vào sáng 10/4, tại Hà Nội, đại diện các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều kiến nghị, đề xuất với Chính phủ liên quan tới việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, song song với việc thực hiện các giải pháp khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công đang được nhiều tổ chức và chuyên gia kinh tế nhận định là giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.

Do đó, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ cần đề ra các giải pháp mạnh mẽ nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công như các quy định mới về đầu tư công cơ bản để giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trước đây.

Tuy nhiên, cũng cần tiếp tục rà soát các quy định, kịp thời tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc về ngân sách, đầu tư xây dựng, đẩy mạnh phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Song song đó, nghiên cứu, rà soát các quy định về tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách Nhà nước để kiến nghị sửa đổi những vấn đề chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay, đảm bảo tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 là hết sức nặng nề, với tổng số vốn là gần 700.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn năm 2019; trong đó, có 225.000 tỷ đồng là của năm 2019 chuyển sang.

Việc giải ngân hết vốn đầu tư công vào các dự án sẽ góp phần phát triển các ngành nghề, đảm bảo thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thực hiện các dự án để đẩy nhanh tiến độ; đồng thời, tăng cường kỷ cương trong việc kiểm soát tiến độ; yêu cầu nhà thầu triển khai dự án ngay sau khi hoàn tất đấu thầu và giải ngân.

Bên cạnh đó, Bộ kiên quyết chuyển vốn đầu tư từ những dự án chậm tiến độ, không hiệu quả sang các dự án có tiến độ cấp bách hơn.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, cần tính toán điều chỉnh giảm giá một số đầu vào quan trọng. Với giá điện, Bộ Công Thương đang chịu trách nhiệm quản lý, vì thế Bộ Tài chính thống nhất chủ trương giảm giá điện nhưng kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cân đối để tránh lỗ treo, gây áp lực tăng giá điện lên năm 2021 và những năm tiếp theo, cũng như hạn chế tác động tới các ngành khác có liên quan.

Qua đánh giá của Bộ Tài chính, việc giảm giá điện sẽ giảm trực tiếp doanh thu của EVN và cũng là tác động trực tiếp tới việc thu nộp thuế. Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục cùng các bộ ngành nghiên cứu các giải pháp khác quyết liệt và thực tiễn hơn để đề xuất Chính phủ.

Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, thành phố sẽ nỗ lực thực hiện các kịch bản tăng trưởng, làm sao để giảm thiểu thiệt hại do dịch COVID-19 ở mức thấp nhất; phấn đấu tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng cả nước và cân đối thu chi ngân sách.

Về đầu tư công, Hà Nội sẽ thành lập ban rà soát các điểm nghẽn của các dự án, còn dồn lại để giải quyết. Hiện nay, 84 dự án đầu tư mới đã được khởi công và có 30 dự án đã giải ngân. Các dự án khác thì đã làm thủ tục đầu tư, chọn nhà thầu để có thể tiến hành giải ngân và chắc chắn sẽ thi công nhanh nhất từ nay đến cuối năm.

Thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm tháo gỡ khó khăn của dự án đường sắt đô thị để nhanh chóng đưa vào hoạt động. Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị, bộ, ngành giải quyết vướng mắc ở các dự án công trình giao thông trọng điểm khác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Ngoài ra, về thể chế và chính sách, thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng cho áp dụng cơ chế đặc thù trong giải phóng mặt bằng, giúp giảm thời gian giải phóng mặt bằng; đồng thời, sớm trình Ủy ban Thường vụ quốc hội cơ chế đặc thù và đẩy nhanh phát triển các công trình hạ tầng trong thời gian tới.

Hà Nội cũng sẽ lựa chọn các công trình lớn, cấp bách để trình Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, xin chủ trương lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu để đẩy nhanh tiến độ dự án

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, bày tỏ hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thành phố cũng đã tiến hành tính điểm doanh nghiệp để xem xét kế hoạch và phân bổ hỗ trợ sao cho phù hợp; đồng thời, tăng cường xúc tiến các hoạt động thương mại dịch vụ để tăng cường nguồn thu, tiết giảm chi phí và đẩy mạnh đầu tư công.

Trong 3 tháng qua, thành phố đã tích cực đẩy nhanh các dự án trọng điểm, như tuyến Metro 1, 2; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh chuyển đổi số; tăng sử dụng dịch vụ công.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Chính phủ xem xét tiếp tục giảm 50% bảo hiểm xã hội, y tế cho doanh nghiệp, giảm thuế đất, xem xét mở rộng cho các đối tượng được hỗ trợ khi tham gia thị trường.

Cùng với đó, các bộ, ngành cần tích cực hơn nữa để giải quyết các vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở, đầu tư công trình dự án để thúc đẩy phát triển của thành phố.

Theovietnamplus.vn