Khắc phục tình trạng oan sai trong tố tụng hình sự
Xã hội - Ngày đăng : 11:05, 11/06/2015
(BKTO)- Hiện nay tình hình làm oan người vô tộitrong tố tụng hình sự (TTHS) vẫn còn nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến danh dự,sức khỏe, nhân phẩm, tài sản của công dân. Tuy nhiên, điều bức xúc nhất là việcbồi thường thiệt hại diễn ra quá chậm chạp, cầm chừng, không kịp thời.
Ông Nguyễn Thanh Chấn (bên trái) đã được Tòa án Nhân dân tối cao công khai xin lỗi và bồi thường theo Luật TNBTNN. Ảnh: T.K
Theo quy định, người bị oan sai phải được cơ quan tiến hành tố tụng gây oan sai bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần, danh dự... Nhưng thực tế, câu chuyện gây oan sai và trách nhiệm bồi thường oan sai trong hoạt động TTHS vẫn gây nhức nhối trong xã hội. Trước vấn đề gây quan tâm của toàn xã hội, có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi chính đáng của công dân, Quốc hội đã đưa nội dung giám sát chuyên đề tình hình oan sai vào chương trình làm việc của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Ngày 5/6, Quốc hội đã họp phiên toàn thể thảo luận Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, TTHS và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động TTHS theo quy định của pháp luật”.
Theo báo cáo giám sát, trong 3 năm (2011-2014), cả nước đã phát hiện 71 trường hợp bị oan và một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét, giải quyết. Thảo luận về tình hình oan sai trong TTHS, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, những trường hợp oan sai được phát hiện trong 3 năm nói trên chỉ là một phần của thực tế oan sai đang làm giảm lòng tin của người dân vào công lý và gây bức xúc trong dư luận. Điển hình là những vụ việc nghiêm trọng có dấu hiệu oan sai,như:vụ án Lê Bá Mai (Bình Phước); vụ án Hồ Duy Hải (Long An); vụ án Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận)…
Báo cáo cũng nêu rõ, bên cạnh việc để xảy ra các trường hợp làm oan người vô tội, quá trình điều tra, truy tố, xét xử còn có những thiếu sót, sai phạm trong việc áp dụng pháp luật. Tình trạng bức cung, nhục hình được đánh giá là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến oan sai. Những sai phạm này xuất phát chủ yếu từ lỗi chủ quan của một số người tiến hành tố tụng. Cụ thể, một bộ phận cán bộ tiến hành tố tụng chưa nghiêm túc chấp hành pháp luật, còn yếu về năng lực, trình độ, có biểu hiện bệnh thành tích, nôn nóng trong giải quyết vụ án. Quá trình tranh tụng tại nhiều phiên tòa còn hình thức, quy định về sự tham gia của đội ngũ luật sư còn chưa đảm bảo…
Sửa luật để khắc phục thực trạng
Hiện nay, trách nhiệm bồi thường đối với các trường hợp oan sai đã được quy định trong Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước (TNBTNN) và các văn bản pháp luật liên quan. Tuy nhiên, quá trình triển khai quy định vẫn nảy sinh nhiều bất cập, như: không xác định được cơ quan tố tụng nào phải chịu trách nhiệm;định giá thiệt hại làm căn cứ bồi thường khiến cho việc giải quyết yêu cầu bồi thường bị kéo dài; căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường phải có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ do cơ quan có thẩm quyền cấp… Theo nhiều chuyên gia, những quy định “khó hơn lên trời” này đang khiến nhiều vụ việc đòi bồi thường oan sai rơi vào bế tắc.
Nhằm bảo đảm tốt hơn về quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị thiệt hại, hạn chế tối đa tình trạng oan sai, nhiều ĐBQH kiến nghị các luật, văn bản pháp luật có liên quan (Bộ luật hình sự, Bộ luật TTHS,Luật TNBTNN...) cần được sửa đổi hoàn thiện theo hướng: Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, thực hiện triệt để nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm khi xét xử, thực hiện bồi thường. Đối với quy định về TNBTNN cần tập trung vào một đầu mối tiếp nhận, thay mặt Nhà nước giải quyết bồi thường trong hoạt động TTHS để người dân không phải “đánh vật” với các cơ quan bồi thường; có chế tài xử lý đối với cá nhân, tổ chức có trách nhiệm bồi thường cố tình kéo dài thời gian, hoặc gây phiền hà cho người đòi bồi thường… Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đang tập trung cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Đự án Bộ luật TTHS (sửa đổi) và Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); trong đó tập trung nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đề nghị làm rõ thêm cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan trong hoạt động tố tụng; cụ thể hóa căn cứ trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng; tránh chồng chéo và có sự phối hợp của các cơ quan điều tra… Đối với dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), nhiều đại biểu đề xuất thay án tử hình bằng chung thân không giảm án nhằm đảm bảo quyền sống của con người, hạn chế tối đa hậu quả do oan sai mang lại.
Tại phiên giám sát về tình hình oan sai, đại diện Tòa án Nhân dân tối cao đã thông báo về việc ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), đã chấp nhận bồi thường 7,2 tỷ đồng cho 10 năm tù oan. Trong khi đó, nhiều trường hợp đòi bồi thường do oan sai khác như trường hợp ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình), ông Đinh Quang Điền (Đắk Lắk)… vẫn chưa thể đạt được kết quả. Dư luận xã hội nghi ngại, khi những quy định gây khó cho người bị oan sai đòi bồi thường chưa được gỡ bỏ, trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng chưa được đề cao thì quyền lợi chính đáng của người dân còn bị ảnh hưởng, niềm tin của người dân vào lực lượng thực thi pháp luật sẽ tiếp tục bị giảm sút.
NGUYỄN LỘC