Hoàn thiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính
Đối nội - Ngày đăng : 08:10, 13/04/2020
(BKTO) - Cơ chế khoán kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước đã tăng quyền chủ động cho các đơn vị. Tuy nhiên, cơ chế này chưa thống nhất, việc giao kinh phí tự chủ đối với chi hoạt động nghiệp vụ đặc thù thường xuyên hằng năm chưa thực sự khả thi... Chính vì vậy, Nhà nước cần có quy định mới nhằm khắc phục những hạn chế này.
Tiếp tục thực hiện cơ chế khoán kinh phí quản lý hành chính gắn với chế độ tiền thưởng để khuyến khích những người làm việc hiệu quả. Ảnh: TTXVN
Chưa thống nhất cơ chế tài chính về tự chủ kinh phí quản lý hành chính
Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ kinh phí giao tự chủ/tổng kinh phí được giao chi quản lý hành chính của các Bộ, cơ quan T.Ư trung bình khoảng 68%. Tỷ lệ này năm 2014 là 69,7%; năm 2015 là 68,6% và tăng dần trong giai đoạn 2016-2018. Cụ thể, năm 2016 là 67,9%, năm 2017 là 71,2% và năm 2018 là 73,18%.
Tại các địa phương, kinh phí giao tự chủ/tổng kinh phí được giao chi quản lý hành chính năm 2014 là 58,9%; năm 2015 là 59,1%; năm 2016 là 55%; năm 2017 là 52,3%; năm 2018 là 52,31%. Như vậy, tỷ lệ kinh phí giao tự chủ/tổng kinh phí chi quản lý hành chính của các địa phương trung bình khoảng 56%, tỷ lệ này của năm 2018 có xu hướng giảm so với năm 2016. Tuy nhiên, năm 2017, tỷ lệ này của một số địa phương có xu hướng tăng so với năm 2016, ví dụ như: Hưng Yên, Bắc Giang, Lai Châu, Quảng Nam...
Cũng theo đánh giá của Bộ Tài chính, sau hơn 15 năm thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước (Nghị định 130) và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP (Nghị định 117), hầu hết các cơ quan nhà nước ở T.Ư và địa phương đã thực hiện cơ chế này. Cơ chế khoán kinh phí quản lý hành chính đã từng bước hạn chế tình trạng cơ quan chủ quản can thiệp quá sâu vào công việc của cơ quan cấp dưới, đồng thời hạn chế sự thụ động của cấp dưới (chờ chỉ đạo mới triển khai). Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đã được giao quyền chủ động phân bổ, điều chỉnh kinh phí được giao. Kinh phí được giao còn dư được chuyển sang năm sau nên không còn tình trạng “chạy” kinh phí còn dư cuối năm để chi tiêu hết. Các cơ quan đã xây dựng quy chế tiết kiệm, chống lãng phí như: quy chế sử dụng ô tô, khoán văn phòng phẩm, khoán tiền điện thoại; có kinh phí tiết kiệm để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức và người lao động...
Tuy nhiên, cơ chế tự chủ này cũng đã bộc lộ một số bất cập như chưa thống nhất về cơ chế tài chính đối với các cơ quan nhà nước (một số tổ chức chính trị - xã hội được bố trí kinh phí hoạt động từ NSNN, tuy nhiên, Nghị định 130 và Nghị định 117 lại quy định các tổ chức này tự quyết định việc thực hiện cơ chế tự chủ). Việc giao kinh phí tự chủ theo biên chế hằng năm chưa thực hiện theo Đề án vị trí việc làm.
Bên cạnh đó, việc giao kinh phí tự chủ đối với chi hoạt động nghiệp vụ đặc thù thường xuyên hằng năm chưa thực sự khả thi. Bởi lẽ, khi giao dự toán, rất ít cơ quan quy định chi tiết khối lượng công việc và tiêu chuẩn, chế độ định mức để đủ điều kiện giao kinh phí tự chủ; vẫn còn quan điểm khác nhau về việc xác định nghiệp vụ đặc thù hay chưa phải đặc thù; việc xác định kinh phí được giao tự chủ giữa cơ quan ở T.Ư và địa phương cũng khác nhau, dẫn đến chưa thống nhất trong xác định kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ. Mặt khác, ngoài quy định tại Nghị định 130 và Nghị định 117, do một số văn bản pháp luật khác cũng quy định về vấn đề này nên nội dung kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ cũng chưa có sự thống nhất...
Tăng sự chủ động cho các cơ quan, khuyến khích những người làm việc hiệu quả
Theo Bộ Tài chính, nhằm đảm bảo tính thống nhất với các văn bản pháp luật hiện hành và định mức phân bổ kinh phí quản lý hành chính giai đoạn 2021-2025 cũng như tiếp tục thực hiện cơ chế khoán kinh phí quản lý hành chính, Nghị định 130 và Nghị định 117 cần được sửa đổi, bổ sung. Việc xây dựng Nghị định mới phải góp phần cụ thể hóa chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện cơ chế khoán kinh phí quản lý hành chính gắn với chế độ tiền thưởng để khuyến khích những người làm việc hiệu quả; đồng thời, khắc phục được những hạn chế hiện tại nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan chủ động hơn nữa trong việc sử dụng kinh phí quản lý hành chính...
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung đối tượng áp dụng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính là cơ quan nhà nước thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, trừ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do cơ quan này đã được đảm bảo kinh phí hoạt động từ nguồn kinh phí công đoàn.
Đồng thời, Bộ cũng đề xuất bổ sung phạm vi khoán bao gồm: quỹ tiền thưởng theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN (Nghị quyết 27); bỏ các quy định về: giao tự chủ đối với hoạt động chi nghiệp vụ đặc thù để phù hợp với tình hình thực tế và thống nhất về nguyên tắc giao kinh phí tự chủ giữa các cơ quan; giao tự chủ từ nguồn thu phí được để lại theo quy định. Theo đó, phạm vi kinh phí quản lý hành chính giao tự chủ gồm: quỹ lương, định mức chi thường xuyên hằng năm và quỹ tiền thưởng theo Nghị quyết 27.
Dự thảo Nghị định còn bổ sung quy định về chi thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt và chi khen thưởng định kỳ theo quy định tại Nghị quyết 27; tăng quyền chủ động cho các Bộ, địa phương quyết định định mức chi tiêu cụ thể trong phạm vi dự toán NSNN được giao, trừ một số tiêu chuẩn, chế độ chi cần thực hiện thống nhất trong toàn quốc.
MINH ANH