Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế để hội nhập và phát triển bền vững

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 10:05, 18/06/2015

(BKTO) - Nghị quyết của Quốc hội đặt ra mục tiêu, đến cuối năm2015, đảm bảo cơ bản hoàn thành cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triểnnhanh và bền vững, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô vàan sinh xã hội. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, việc triển khai tái cơ cấu(TCC) nền kinh tế chưa đạt được kết quả như mong đợi. Trong các phiên nghị sựtại kỳ họp thứ 9, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ sự sốt ruột, lo lắng vàđề nghị Chính phủ cần quyết liệt đẩy mạnh tiến trình TCC nền kinh tế, nhất làtrong thời điểm nước ta đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng hơn.



ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ): Xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém. Ảnh: TS
Nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 đã có dấu hiệu hồi phục, môi trường cạnh tranh có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên nhiều ĐBQH vẫn tỏ ra quan ngại về tính bền vững của nền kinh tế. Theo phân tích của ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng): “Sự phục hồi kinh tế chủ yếu vẫn chỉ là tăng trưởng về số lượng, chưa thay đổi về chất lượng và sức cạnh tranh. Cơ cấu và mô hình tăng trưởng cũ, sau 2 năm TCC hầu như vẫn chưa có chuyển biến căn bản, tình trạng mất cân đối giữa khu vực sản xuất nội địa và khu vực FDI ngày càng sâu sắc”. Nhiều ĐBQH khác cũng có chung nhận định: nền kinh tế nước ta còn phụ thuộc khá nhiều vào các nguồn lực tự nhiên và nguồn lực bên ngoài, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo tinh thần phát huy nội lực chưa đem lại kết quả như mong muốn; khả năng hoạt động, sản xuất kinh doanh của các DN trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, chưa tạo động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

Một trong những nguyên nhân căn bản và bao trùm dẫn đến những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, theo các ĐB đó là do việc triển khai thực hiện mục tiêu TCC gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của DN, của nền kinh tế còn chậm, hiệu quả còn hạn chế.

Nhấn mạnh đến việc thực hiện TCC nền kinh tế dựa trên 3 trụ cột chính là: TCC đầu tư công, TCC các tổ chức tín dụng và TCC DNNN, các ĐBQH đánh giá: việc thực hiện TCC các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu thời gian qua được coi là “điểm sáng nhất” với nhiều kết quả nổi bật, theo lộ trình, có tác dụng tích cực đến nền kinh tế.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu là rất ấn tượng. Từ đầu nhiệm kỳ đến cuối tháng 4/2015, hệ thống tín dụng đã giảm 15 tổ chức, trong đó có 9 ngân hàng thông qua hình thức sáp nhập, mua lại theo đúng quy định của pháp luật. Việc xử lý nợ xấu đang tiến dần đến hoàn thành mục tiêu đưa nợ xấu về mức 3% trong năm 2015. Theo các ĐB, việc giảm số lượng ngân hàng yếu kém và nợ xấu được kiểm soát đã tạo điều kiện cho lưu thông tiền tệ và tín dụng tăng trở lại trong 5 tháng đầu năm là 5% và thị trường bất động sản đã ấm lên trong một số phân khúc nhất định, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Đối với lĩnh vực TCC đầu tư công, ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, chất lượng quy hoạch và dự án kế hoạch đầu tư công còn bị buông lỏng. Sự phân nhiệm và quy trách nhiệm chưa rõ ràng. Nhiều quy hoạch sau khi phê duyệt không được thực hiện hoặc triển khai thực hiện không đúng quy hoạch, song vẫn không bị kiểm tra, giám sát, xử lý và cũng không có đánh giá khi hết kỳ quy hoạch. Điều này không chỉ làm mất cân đối ngân sách, làm tăng nợ công, giảm hiệu quả đầu tư xã hội mà còn làm ứ đọng các nguồn lực đất đai. Bên cạnh đó, theo các ĐBQH trong lĩnh vực đầu tư công đang nổi lên một số khó khăn cần khẩn trương tháo gỡ là: cơ chế và chính sách thu hút đầu tư chưa có bước tiến đột phá, luật pháp không ổn định, môi trường đầu tư chậm được cải thiện và nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư và phát triển. Do đó, bên cạnh vấn đề nâng cao chất lượng quy hoạch, việc nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công theo đúng quy định của Luật Đầu tư công được nhiều ĐB đặt ra.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, việc TCC DNNN là vấn đề khiến nhiều ĐB “sốt ruột” nhất. Chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ĐB Trần Du Lịch (TP. HCM) bày tỏ lo lắng “Đến thời điểm này chúng ta còn 289 DNNN toàn là “xương xẩu” chưa thể cổ phần hóa (CPH) được. Như vậy liệu chúng ta có hoàn thành CPH không?”.

ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng, việc thực hiện TCC kinh tế và CPH DNNN thời gian vừa qua chưa đạt hiệu quả như mong muốn, bộc lộ nhiều bất cập. Theo ông Tiến, năm 2015 và những năm tiếp theo là giai đoạn thực hiện một cách quyết liệt TCC, CPH các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp quy mô lớn. Đây là vấn đề phức tạp, dễ phát sinh tiêu cực, thất thoát tài sản của Nhà nước. Do vậy, Chính phủ cần có hệ thống, giải pháp đồng bộ và thực hiện một cách công khai, minh bạch.

Theo ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), để đạt được những mục tiêu của năm 2015 và những năm tiếp theo, cần đẩy mạnh tốc độ CPH các DNNN, tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học công nghệ cao có giá trị và lợi thế cạnh tranh. Kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp TCC, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN theo cơ chế thị trường. ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) thì đề nghị, ngoài việc tích cực thực hiện lộ trình sắp xếp CPH DNNN thì cần xác định năm 2015 là năm hỗ trợ, tăng tốc khu vực kinh tế tư nhân, vì đây là khu vực góp phần quan trọng ổn định về xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang cạnh tranh quyết liệt và khó khăn.

Giải đáp băn khoăn của các ĐBQH, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thực hiện chủ trương của Quốc hội về TCC nền kinh tế, Chính phủ đã liên tục chỉ đạo và đạt được một số kết quả bước đầu rất quan trọng. Đến nay 5 Bộ, ngành kinh tế tổng hợp liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương, đó là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có đề án và có Ban chỉ đạo TCC của Bộ, ngành; 80% các địa phương trên cả nước thành lập ban chỉ đạo hoặc đã có đề án TCC. Để làm tốt hơn vấn đề này, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng, cần phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc TCC, đồng thời phải tuyên truyền mạnh mẽ để việc TCC đi vào cuộc sống, qua đó thấy được trách nhiệm của các cấp, các ngành ở địa phương.

Đối với lĩnh vực TCC DNNN, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để thực hiện các đề án TCC các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty và DNNN đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong năm nay, phải CPH 289 DNNN để hoàn thành kế hoạch CPH 432 DNNN trong giai đoạn 2011-2015, đồng thời, tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành chặt chẽ, có hiệu quả .

BOX:ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ): Xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đẩy nhanh xử lý nợ xấu, phấn đấu đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn dưới 3% vào cuối năm 2015, tôi đề nghị, trong thời gian tới cần tiếp tục xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, một trong những cách hữu hiệu nhất là Nhà nước trực tiếp mua lại toàn bộ cổ phần của Ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần yếu kém và trở thành chủ sở hữu duy nhất của ngân hàng. Như vậy, giúp cho Nhà nước hoàn toàn chủ động trong việc TCC NHTM cổ phần yếu kém, hạn chế việc gia tăng các rủi ro của ngân hàng yếu kém sang các tổ chức tín dụng khác, tận dụng được năng lực tài chính, quản trị, điều hành và kinh nghiệm của các NHTM Nhà nước mà không bắt các ngân hàng này phải gánh chịu các tổn thất. Bên cạnh đó, cần tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng sáp nhập, hợp nhất, mua lại theo nguyên tắc tự nguyện để vừa xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, vừa hình thành nên các tổ chức tín dụng có quy mô và năng lực cạnh tranh lớn hơn.
NGUYỄN HỒNG