Tìm giải pháp gỡ khó cho thương mại Việt Nam-Trung Quốc giữa dịch Covid-19
Đầu tư - Ngày đăng : 10:10, 16/04/2020
(BKTO) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) nông, lâm, thủy sản Việt Nam-Trung Quốc giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện tại, hàng hóa tồn đọng tại cửa khẩu ngày càng tăng gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
Số lượng hàng tồn đọng tại cửa khẩu Tân Thanh có ngày lên tới trên 1000 xe - Ảnh: Quang Hội |
Hàng hóa ùn ứ tại của khẩu
Theo thống kê từ Cục Hải quan Lạng Sơn, tính đến hết ngày 15/4, các đơn vị hải quan cửa khẩu đã làm thủ tục thông quan cho 47.684 xe hàng với số lượng hàng gần 120.000 tấn. Tuy nhiên, lượng hàng hoá tồn tại cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn còn rất lớn, khoảng 2.500 xe.
Trong đó, tại cửa khẩu Hữu Nghị hiện còn tồn 593 xe hàng, trong đó có 540 xe hàng của Việt Nam chờ xuất khẩu (XK); tại cửa khẩu Chi Ma hiện còn tồn 419 xe hàng là tiêu, lạc, sản phẩm đông lạnh của Việt Nam chờ làm thủ tục XK; tại cửa khẩu Cốc Nam tồn 159 xe hàng là xoài, mít…
Riêng tại cửa khẩu Tân Thanh tồn gần 900 xe và mỗi ngày chỉ XK được trên 70 xe, trong khi trước đây XK trên 300 xe/ngày.
Theo ông Nguyễn Công Trưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, với số lượng xe hàng tồn ở các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay thì khả năng giải phóng hết số hàng tồn đọng này phải mất khoảng 20 ngày.
Nguyên nhân của thực trạng này, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là do từ ngày 3/4, phía Quảng Tây (Trung Quốc) đã ban hành thông báo về việc tăng cường quản lý dịch bệnh từ nước ngoài tại các cửa khẩu đường bộ và đường thủy, theo đó thực hiện quản lý nghiêm cửa khẩu và các đường mòn biên giới.
Ngoài cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Bằng Tường), cửa khẩu Đông Hưng (Đông Hưng); các cửa khẩu (lối mở) khác gồm cửa khẩu đường sắt Bằng Tường, cửa khẩu Thủy Khẩu (huyện Long Châu), cửa khẩu Ái Điểm (huyện Ninh Minh), cửa khẩu Động Trung (Khu Phòng Thành), lối mở Pò Chài (Bằng Tường), lỗi mở Lũng Vài (Bằng Tường), cầu phao tạm km3 4 (Đông Hưng), lối mở Nà Ráy (Tịnh Tây) chỉ duy trì chức năng thông quan hàng hóa; tạm thời đóng các cửa khẩu, lối mở khác, thực hiện phòng dịch nghiêm ngặt đối với hoạt động trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Tại các cửa khẩu trên bộ, cấm thông hành đối với người của nước thứ 3.
Từ ngày 30/3, phía Trung Quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, quản lý chặt chẽ các lái xe và đại lý khai báo Hải quan người Trung Quốc sang khu vực cách ly phía Việt Nam để giao dịch; không cho phép các lái xe đến từ các tỉnh đã có ca bị lây nhiễm của Việt Nam nhập cảnh vào Trung Quốc.
Phía Trung Quốc cũng đề nghị thành lập đội lái xe chuyên trách tại cửa khẩu chở hàng qua lại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan và cặp cửa khẩu phụ Tân Thanh - Pò Chài sẽ áp dụng từ ngày 7/4; yêu cầu lái xe đến từ các tỉnh chưa phát sinh ca bị lây nhiễm dịch bệnh không được ra khỏi địa bàn thành phố Lạng Sơn và phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với COVID-19; chỉ những người có tên trong danh sách Đội lái xe mới được xuất cảnh, nhập cảnh chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua lại hai bên.
Theo thông báo từ phía thị Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc), từ ngày 7/4, các cửa khẩu phụ: Tân Thanh, Cốc Nam chỉ thông quan 5 tiếng/ngày (buổi sáng từ 08 giờ 00 đến 11 giờ 00, buổi chiều từ 12 giờ 00 đến 14 giờ 00, giờ Hà Nội), nghỉ vào các ngày cuối tuần và dịp lễ, tết.
Phía Trung Quốc tiếp tục tăng cường quản lý đối với xe hàng và lái xe qua biên giới. Đối với xe hàng xuất nhập cảnh, tiến hành khử trùng kỹ theo quy trình liên quan; yêu cầu đăng ký đối với tất cả lái xe chở hàng qua biên giới, thực hiện vận tải theo điểm và tuyến cố định. Xe hàng Việt Nam thực hiện bốc dỡ tại bãi hàng được chỉ định tại khu vực cửa khẩu, lái xe phía Việt Nam chỉ được giới hạn hoạt động tại khu vực bãi hàng và xuất cảnh trong ngày.
Ngoài ra, phía bạn cũng thông báo cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài ngày 8-9/4 làm việc từ 7 giờ 30 theo giờ Hà Nội; sau 14 giờ chiều không cho xe hàng sang nữa và đúng 16 giờ 30 hết giờ làm việc (theo giờ Hà Nội), lái xe chưa giao được hàng sẽ được bố trí về qua mốc 1090 (đường cũ).
Để giải quyết vấn đề hàng tồn đọng tại cửa khẩu, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như: yêu cầu các lực lượng bố trí cán bộ tăng giờ làm; thành lập đội lái xe chuyên trách tại các cửa khẩu; tích cực trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc để nới rộng thời gian thông quan; khuyến cáo DN, hiệp hội ngành hàng nắm tình hình và giãn đưa hàng về cửa khẩu.
Đặc biệt, ngày 13/4, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có điện khẩn đề xuất, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm thời dừng tiếp nhận hàng hoá lên cửa khẩu Tân Thanh để XK trong thời gian 15 ngày để tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo giải quyết thông quan lượng hàng XK còn tồn đọng tại các cửa khẩu. Thời gian tạm dừng kể từ ngày 16/4/2020.
Trước đó, ngày 9/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương rà soát, thông báo tới các doanh nghiệp trước mắt tạm dừng đưa hàng nông sản, nhất là mặt hàng hoa quả lên khu vực Lạng Sơn để chờ thông quan hết số hàng đang tồn đọng tại cửa khẩu.
Buổi làm việc giữa Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba - Ảnh: haiquanonline |
Việt Nam - Trung Quốc hợp tác cùng tháo gỡ
Trước thực trạng đáng lo ngại đó, ngày 16/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba nhằm thúc đẩy, hợp tác phát triển nông nghiệp, thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc trước tác động từ dịch COVID-19.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, do tác động của dịch COVID-19, thương mại nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc những tháng đầu năm nay đã giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để phòng chống dịch bệnh, hai bên đã tăng cường thắt chặt kiểm soát nên tốc độ thông quan hàng hóa rất chậm. Ngoài thương mại nông sản, các đoàn làm việc cấp cao giữa hai Bộ của hai nước cũng đang bị gián đoạn so với kế hoạch.
Các hoạt động về mở cửa thêm các sản phẩm, cũng như các hội chợ lớn về nông, lâm, thủy sản ở Trung Quốc đang bị gián đoạn.
Hiện Trung Quốc đã cấp phép xuất khẩu cho 9 mặt hàng rau quả của Việt Nam. Hai bên đang hoàn thiện thủ tục ký cấp phép thêm cho 8 mặt hàng nông sản.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết Việt Nam đã gửi hồ sơ sang phía Trung Quốc và Bộ trưởng đề nghị Đại sứ tiếp tục hỗ trợ tích cực để trong hoàn cảnh hiện nay chưa làm việc được trực tiếp, có những hình thức trao đổi gián tiếp, thông qua online, văn bản giải quyết những vấn đề kỹ thuật, đáp ứng mong muốn chung của hai bên.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong muốn, những thủ tục hành chính làm sao được nhanh nhất để có thêm các nông sản Việt Nam được chính thức vào thị trường Trung Quốc. Từ đó, góp phần thúc đẩy thương mại hai chiều cũng như thúc đẩy nông nghiệp của hai bên.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cho biết, Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng và lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN, chiếm 25% tỷ trọng thương mại của Trung Quốc với ASEAN.
Hai bên cần tăng cường hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chế biến sâu, thương mại điện tử để nâng cao nguồn thu cho nông dân. Do đó, Trung Quốc mong muốn nâng cao thương mại nông nghiệp giữa hai nước theo ngành nghề.
Với những khó khăn về thông quan hàng hóa, tình trạng ù ứ tại cửa khẩu những ngày gần đây, Đại sứ cho biết Trung Quốc cũng rất coi trọng vấn đề này và tin tưởng chỉ mang tính tạm thời. Hai bên cùng nỗ lực sẽ vượt qua thời điểm khó khăn này.
Đại sứ Hùng Ba đồng ý quan điểm, một mặt nghiêm ngặt kiểm soát dịch bệnh, một mặt thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế.
Hiện áp lực của Trung Quốc với tình hình dịch bệnh lây làn từ ngoài vào cũng như trong nước vẫn rất cao nên việc kiểm soát tại các cửa khẩu biên giới giữa Trung Quốc với các nước đều được thực hiện nghiêm ngặt.
Đại sứ Hùng Ba cho biết ngành hải quan Trung Quốc cũng có nhiều biện pháp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.
Đại sứ cũng đề xuất Việt Nam có thể mở rộng bãi xe hàng hóa để có đủ không gian điều phối xe đi lại; phân luồng, giảm sức ép tại các cửa khẩu như Tân Thanh, Hữu Nghị.
Hàng hóa không nên tập trung vào một cửa khẩu mà có thể sử dụng đường sắt Đồng Đăng-Bằng Tường. Kênh đường sắt có nhiều ưu thế với sức chứa hàng hóa lớn, chi phí thấp.
Để nâng cao tính hiệu quả thông quan, Đại sứ đề xuất Việt Nam nên thực hiện kiểm soát bằng cách gắn chip điện tử vào các xe chuyển hàng. Các lái xe Việt Nam có thể khai báo điện tử.
Hiện thời gian làm việc có hạn, trong khi thời gian khai báo sức khỏe chiếm khá lâu. Các lái xe có thể khai báo trước giờ để nâng cao hiệu quả hơn, tránh phải xếp hàng lâu do khai báo bằng giấy.
Đại sứ Hùng Ba cũng đề nghị Việt Nam tăng thêm các lối cho các xe đi vào, hiện Trung Quốc đang áp dụng đường xe là “3 nhập 3 vào” còn Viêt Nam là “1 nhập 1 vào".
Trước những kiến nghị của Đại sứ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam sẽ phải làm tốt hơn những vấn đề từ sân bãi, quy trình kỹ thuật về thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin… để quá trình hải quan được thông quan nhanh nhất.
Bộ trưởng cũng kiến nghị với phía Trung Quốc kéo dài thời gian thông quan một số cửa khẩu vì hiện cá biệt một vài cửa khẩu thông quan 5-6 tiếng. Bên cạnh đó là hai bên cần đầu tư nguồn nhân lực, bởi nếu thời gian thông quan kéo dài trong khi nguồn nhân lực các khâu của hai bên không đảm bảo thì vẫn chậm tiến độ.
"Các cơ quan chuyên ngành, địa phương hai bên liên quan cần tiếp tục có sự kết hợp chặt chẽ, cố gắng tháo gỡ nhanh nhất những khó khăn tạm thời trước mắt, thúc đẩy thông thương về nông sản", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Tại cuộc họp hai bên đều thống nhất sẽ cố gắng tập trung những nhóm giải pháp cao nhất liên quan đến hải quan, các ngành, địa phương của hai bên để trong thời gian sớm nhất có thể giải quyết được ùn tắc về nông sản tạo sự thông thương.
PHÙNG NGUYÊN(tổng hợp)