Xử lý nợ xấu: Có nên đợi Luật?
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 10:35, 18/06/2015
(BKTO) - Thời gianqua, không ít đại biểu Quốc hội, các chuyên gia đã đề xuất xây dựng một đạo luậtvề xử lý nợ xấu. Nếu điều này được thực hiện sẽ tạo cơ sở pháp lý để các Bộ,ngành, cơ quan cùng “vào cuộc” giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, điều mà các chuyêngia băn khoăn là công tác xây dựng luật sẽ “ngốn” rất nhiều thời gian trong khimục tiêu đưa nợ xấu về khoảng 3% vào cuối năm 2015 đòi hỏi phải có giải phápkịp thời, nhanh chóng. Câu hỏi đặt ra là: Có nên đợi Luật để xử lý nợ xấu?
Việc xây dựng Luật mất nhiều thời gian trong khi xử lý nợ xấu cần phải được giải quyết nhanh trong thời gian ngắn. Ảnh: T.S
Xây dựng Luật về xử lý nợ xấu có lẽ không còn là câu chuyện mới mẻ trên nghị trường hay trong các diễn đàn, hội thảo. Song phải thừa nhận rằng, câu chuyện này vẫn luôn tạo được “sức hút” đối với các chuyên gia tài chính - ngân hàng. Tại Hội thảo “Giảm trừ và giải quyết nợ xấu dưới góc nhìn pháp lý” do Hội Luật gia Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng và Hiệp hội DN nhỏ và vừa tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cùng chung quan điểm: Để xử lý triệt để nợ xấu, cần có một bộ luật. Bộ luật này có thể chỉ có hiệu lực trong vòng 3 đến 5 năm nhưng khi được luật hóa, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mới có “bảo kiếm” để xử lý nợ xấu.
Lý giải cho đề xuất trên, luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Luật Basico, cho biết: Khoảng 70% rào cản xử lý nợ xấu là do các vướng mắc pháp lý. Việc xử lý tài sản đảm bảo gặp nhiều khó khăn liên quan đến các quy định, thủ tục. Thậm chí, nhiều vụ việc được khởi kiện ra tòa nhưng do sự chây ỳ, không hợp tác của người vay nợ nên vụ việc kéo dài nhiều năm mà không thể giải quyết dứt điểm. “Đã đến lúc lập pháp và hành pháp phải xoay chiều cho phù hợp với nguyên lý của nền kinh tế thị trường. Đó là phải ưu tiên bảo vệ quyền lợi của “chủ nợ”, thay vì “con nợ”, tức là bảo vệ quyền sở hữu trọn vẹn là đồng tiền cho vay thay vì bảo vệ quyền sở hữu hạn chế là đồng tiền đi vay hay tài sản đã đưa vào bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ.”- ông Trương Thanh Đức kiến nghị.
Từng trực tiếp “lăn lộn” với nhiều ngân hàng để xử lý các khoản nợ xấu, Chủ tịch VAMC Nguyễn Quốc Hùng khá tâm đắc với ý kiến của luật sư Trương Thanh Đức. Ông Hùng còn “tuyên bố”: VAMC không cần tiền, chỉ cần quyền. Có tiền để mua nợ, VAMC cũng không xử lý hết được nợ xấu bởi hệ thống pháp lý còn nhiều bất cập. Đơn cử, thời gian qua, có khoảng vài chục nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới các khoản nợ xấu nhưng họ vào rồi lại ra bởi không biết quyền lợi của mình sẽ được đảm bảo thế nào sau khi mua nợ.
Giải pháp cho vấn đề xử lý nợ xấu, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, là cần có một đạo luật để trao thêm quyền năng cho VAMC như: Quyền thu giữ tài sản đảm bảo, quyền cưỡng chế như thi hành án, quyền đề nghị khởi tố nếu khách hàng không trả nợ, quyền đấu giá tài sản đảm bảo không cần người vay đồng ý…
Xử lý nợ xấu có nên đợi Luật?
Liên quan đến đề xuất xây dựng một đạo luật về xử lý nợ xấu, nhiều ý kiến cho rằng: Nếu thực hiện được điều này sẽ tạo hành lang pháp lý để các Bộ, ngành, cơ quan cùng “vào cuộc” giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, không ít chuyên gia tỏ ra băn khoăn: Trong Chương trình xây dựng pháp luật toàn khóa của Quốc hội không thấy có “bóng dáng” Luật xử lý nợ xấu. Giả thiết, nếu được bổ sung vào Chương trình thì việc xây dựng Luật cũng “ngốn” nhiều thời gian trong khi xử lý nợ xấu lại đang cần phải được giải quyết nhanh, trong thời gian ngắn. Vậy xử lý nợ xấu có nên đợi Luật?
Khá lạc quan về việc xử lý nợ xấu, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh phân tích: Quy mô nợ xấu hiện tại chưa đến 4% trong tổng dư nợ tín dụng, trong khi đó mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đưa nợ xấu về mức 3% vào cuối năm 2015. Điều này có nghĩa chúng ta chỉ phải xử lý khoảng 1% nợ xấu, tương đương với 40 nghìn tỷ đồng. “Có nhất thiết phải xây dựng một đạo Luật để xử lý 40 nghìn tỷ đồng nợ xấu hay không?”- ông Vũ Đình Ánh nêu câu hỏi.
Đầu năm 2015, NHNN đã ký quy chế phối hợp với Bộ Tư pháp nhằm thúc đẩy tiến độ xử lý các án dân sự liên quan đến tài sản đảm bảo, thế chấp. Quy chế đã có, bởi vậy, theo ông Vũ Đình Ánh, điều quan trọng ở thời điểm này là việc thực thi hiệu quả những quy định hiện hành bởi trên thực tế, trong số 13.500 án dân sự liên quan tới các TCTD, đến nay mới xử lý được 300 án. Như vậy, chỉ cần xử được 1 nửa số án dân sự còn tồn đọng đã có thể giải quyết được 1 nửa nợ xấu ngân hàng.
Xử lý nợ xấu dù vẫn còn những tồn tại song không thể phủ nhận những nỗ lực của NHNN trong suốt thời gian qua. Nói như Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước: “Thuốc chữa nợ xấu” đã phát huy tác dụng. Cụ thể, tín dụng tăng, thanh khoản tốt, từ đó kéo mặt bằng lãi suất xuống thấp. Bên cạnh đó, việc thành lập và đi vào hoạt động của VAMC đã góp phần quan trọng dọn “đường thông hè thoáng’ cho các TCTD kinh doanh. Thêm nữa, việc ban hành Nghị định 34/2015/NĐ- CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP có thể coi là một giải pháp gỡ nhiều nút thắt để xử lý nợ xấu của NHNN. Ông Trương Văn Phước nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, khuôn khổ pháp lý để xử lý nợ xấu đã tương đối tốt. Chúng ta đừng “đứng núi này trông núi nọ” mà hãy hành động mạnh mẽ, quyết liệt và khẩn trương hơn.
NGỌC MAI