Kiểm toán công tác chuẩn bị thực hiện SDGs - Yêu cầu cần thiết
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 15:50, 17/04/2020
(BKTO) - Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá công tác chuẩn bị của Chính phủ để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Do vậy, việc khẩn trương nghiên cứu, xây dựng đề cương, kế hoạch kiểm toán chuyên đề này là yêu cầu đặt ra đối với KTNN Việt Nam.
Các SAI đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát tiến độ thực hiện các SDGs. Ảnh: ST
Các SAI đều đánh giá công tác chuẩn bị của Chính phủ trong việc thực hiện SDGs
Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2017-2022 của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) xác định việc đánh giá công tác chuẩn bị của Chính phủ để thực hiện SDGs là 1 trong 4 phương pháp tiếp cận giúp các SAI có thể đóng góp vào tiến trình thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Đây là Chương trình được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2015.
Phương pháp này đã được các SAI tích cực nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện và mạnh dạn triển khai kiểm toán thí điểm. Kết quả kiểm toán đã chỉ ra nhiều hạn chế trong công tác chuẩn bị của Chính phủ có thể ảnh hưởng đến tiến độ đạt được SDGs theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, các cuộc kiểm toán còn được chia sẻ một cách rộng rãi với mục đích học hỏi, đúc rút kinh nghiệm giữa các SAI và là cơ sở để INTOSAI tiếp tục hoàn thiện, ban hành Hướng dẫn kiểm toán chính thức.
Năm 2017, KTNN Indonesia thực hiện cuộc kiểm toán với chủ đề “Kiểm toán sự chuẩn bị của Chính phủ hướng đến việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”. Cuộc kiểm toán nhằm đánh giá hiệu quả các nỗ lực của Chính phủ trong việc duy trì, đảm bảo các nguồn lực cần thiết, đồng thời thiết lập một cơ chế giám sát, theo dõi, đánh giá và báo cáo tiến độ thực hiện Chương trình Nghị sự 2030. Kế hoạch kiểm toán được xây dựng trên cơ sở kết hợp Phương pháp kiểm toán tiếp cận 7 bước của KTNN Hà Lan, Tòa Thẩm kế châu Âu và Hướng dẫn của Cơ quan Phát triển Sáng kiến thuộc INTOSAI, gồm 3 câu hỏi kiểm toán lớn, 12 tiêu chí kiểm toán chính và 47 tiêu chí kiểm toán phụ nhằm đánh giá trên 3 phương diện: xây dựng chính sách, tình hình triển khai và công tác giám sát, báo cáo.
Khác với KTNN Indonesia xác định phạm vi kiểm toán rộng khắp các Bộ, ban, ngành, KTNN Canada (năm 2018) chỉ tập trung kiểm toán công tác chuẩn bị tại 7 cơ quan đầu mối chính thuộc Liên bang, đồng thời xem xét hệ thống chính sách, pháp luật hiện nay có đang hỗ trợ việc thực hiện các trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường của Chương trình Nghị sự 2030 hay không.
Còn với KTNN Áo, năm 2017, SAI này lựa chọn kiểm toán chi tiết tại Bộ Nông - Lâm nghiệp, Môi trường và Tài nguyên nước; Bộ Giao thông vận tải, Đổi mới và Công nghệ nhằm đánh giá: các điều kiện về khung pháp lý cho SDGs; trách nhiệm của Chính phủ liên bang và công tác phối hợp giữa các cơ quan trực thuộc; hệ thống giám sát, báo cáo và tác động của SDGs. Trong khi đó, KTNN Ấn Độ (năm 2019) lại chú trọng công tác chuẩn bị tại các cấp chính quyền địa phương khi triển khai kiểm toán tại 7 bang trực thuộc và lựa chọn Mục tiêu Phát triển bền vững số 3 - Sức khỏe tốt và cuộc sống hạnh phúc - để đánh giá kỹ hơn về công tác chuẩn bị này.
Như vậy, mặc dù quy mô, phạm vi kiểm toán giữa các quốc gia có sự khác biệt nhưng nhìn chung, các SAI đều hướng đến việc đánh giá công tác chuẩn bị của Chính phủ mỗi nước trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, kế hoạch hành động, nguồn lực thực hiện và hệ thống thống kê, giám sát, lập báo cáo. Một số kết quả kiểm toán cho thấy những hạn chế mà các quốc gia thường gặp phải như: chưa phân công nhiệm vụ rõ ràng và hợp tác hiệu quả giữa các đơn vị, chưa có bộ phận giám sát, theo dõi và đánh giá tiến trình thực hiện hoặc chưa xây dựng hoàn thiện phương án, kế hoạch hành động cho SDGs tại cấp quốc gia và cấp địa phương… Theo các SAI, những hạn chế này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tiến độ thực hiện Chương trình Nghị sự 2030.
Chú trọng kiểm toán việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 tại Việt Nam
Học tập kinh nghiệm quốc tế, KTNN Việt Nam cần sớm tổ chức cuộc kiểm toán chuyên đề liên quan đến các công tác chuẩn bị của Chính phủ trong việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030. Đây là hành động thiết thực để KTNN đóng góp vào tiến trình thực hiện SDGs của Chính phủ, qua đó nâng cao vai trò, vị thế trên trường quốc tế. Để làm được điều này, KTNN cần chú trọng một số vấn đề sau:
Giao đơn vị đầu mối, chủ trì (đặc biệt các đơn vị có Phòng Kiểm toán hoạt động, Môi trường, Công nghệ thông tin) xây dựng Đề cương kiểm toán SDGs trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và có sự điều chỉnh phù hợp với điều kiện của KTNN Việt Nam; xây dựng quy chế phối hợp giữa các KTNN chuyên ngành, khu vực trong triển khai, thực hiện, tổng hợp kết quả kiểm toán; nghiên cứu thành lập Nhóm công tác về Kiểm toán SDGs để thực hiện tốt công tác tham mưu.
Căn cứ Đề cương kiểm toán, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch chiến lược riêng đối với việc kiểm toán công tác thực hiện SDGs, trong đó phải lựa chọn được các chủ đề, mục tiêu, nội dung, đầu mối kiểm toán, lồng ghép vào Kế hoạch kiểm toán hằng năm của KTNN để tổ chức triển khai thực hiện. Trước mắt, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng, triển khai kiểm toán công tác chuẩn bị của Chính phủ trong việc thực hiện SDGs đến thời điểm hiện nay, nhằm đánh giá hiệu quả, hiệu lực đối với các nỗ lực của Chính phủ trong việc áp dụng SDGs vào bối cảnh của Việt Nam cũng như duy trì, đảm bảo các nguồn lực và năng lực cần thiết, thiết lập cơ chế giám sát, theo dõi, đánh giá và báo cáo tiến độ thực hiện Chương trình Nghị sự 2030.
Đẩy mạnh các nội dung liên quan đến tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức thường xuyên, liên tục cho đội ngũ kiểm toán viên. Đồng thời, tăng cường hợp tác giữa các SAI thông qua hoạt động chia sẻ kiến thức, phát triển năng lực cho các thành viên thuộc tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao khu vực và quốc tế; tổ chức các cuộc kiểm toán chung, kiểm toán song song đối với các vấn đề liên quan tới SDGs.
TÔ TUẤN ANH
KTNN chuyên ngành III