Ứng phó với thách thức tiết kiệm năng lượng
Đầu tư - Ngày đăng : 11:15, 18/06/2015
(BKTO)-Trong bối cảnh giánăng lượng nói chung không ngừng biến động theo hướng ngày càng tăng thì việc sửdụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tại các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa (NVV),càng trở thành bài toán nan giải. Nhiều giải pháp hữu hiệu đã được các DN ứng dụngnhằm cải thiện mức độ tiêu thụ năng lượng, góp phần cải tiến cơ cấu giá thành.
Sản xuất đèn LED tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: TS
Nhấn mạnh rằng, thay đổi giá năng lượng ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của DN, trong khi DN không dễ dàng thay đổi giá bán sản phẩm nên buộc phải cắt giảm lợi nhuận hoặc tiết giảm chi phí ở những khâu khác để đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh, ông Đặng Quốc Huy - Phó Tổng giám đốc phụ trách sản xuất của Công ty CP Quốc tế Sơn Hà cho biết, tổng chi phí tiền điện của Sơn Hà khoảng 10 tỷ đồng/tháng. Trong đó, các máy móc thiết bị dây chuyền sản xuất chiếm khoảng 60% sản lượng điện tiêu thụ, chi phí năng lượng chiếm khoảng 10% trong cơ cấu giá thành sản phẩm. Để tiết kiệm chi phí năng lượng, Sơn Hà đã quy hoạch lại toàn bộ vị trí sản xuất nhằm tiết kiệm tối đa thời gian, năng lượng tiêu hao và đang chờ để đổi mới công nghệ.
Còn theo ông Lê Hữu Trọng - Giám đốc Công ty Gốm sứ Bát Tràng, nhiều năm trước, DN đã sử dụng than để nung gốm, nay đã chuyển sang sử dụng điện, giúp tiết giảm trên 50% chi phí năng lượng so với trước. Đồng thời, công ty đã mạnh dạn đầu tư thiết bị lò nung lớn với dung tích 130m3, có thể nung được 2 container hàng/lần. Vì thế, chỉ cần 2 công nhân vận hành có thể đảm đương được công việc của vài chục công nhân trước đây.
Thế nhưng không phải DNNVV nào của Việt Nam cũng đủ sức để tự lực đầu tư dây chuyền thiết bị tiên tiến, ngay như trường hợp của Công ty Gốm sứ Bát Tràng, để có được “sức khỏe” như ngày hôm nay là do Công ty đã được vay vốn ưu đãi của nước ngoài. Theo ông Đặng Quốc Huy, thách thức với DNNVV là phải đổi mới công nghệ với chi phí rất lớn và trong chừng mực nào đó phải gián đoạn quá trình sản xuất. Để vượt qua thách thức này, Sơn Hà đang phối hợp với Tổ chức JICA (Nhật Bản) để triển khai Dự án phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh hướng tới sản xuất xanh, môi trường xanh, dự kiến khởi động vào cuối năm 2015 dưới sự hướng dẫn và tài trợ kinh phí của một tổ chức nước ngoài.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hiệp - Giám đốc Công ty CP công nghệ Việt đã chỉ rõ, ngoài năng lực tài chính đổi mới công nghệ, các DN gặp rào cản về vấn đề nhận thức. Trong khi DN nước ngoài luôn có quan điểm chỉ vận hành dây chuyền sản xuất khi nguồn năng lượng đảm bảo, thì nhiều DN trong nước vẫn cho vận hành máy móc khi nguồn điện không ổn định, nếu có hỏng hóc thì chi phí sửa chữa sẽ rất lớn. Các DNNVV cần phải nhận thức rõ ràng rằng: tiết kiệm đầu vào sẽ tiết kiệm được đầu ra, kiểm soát được chi phí tốt hơn. Ông Hiệp khẳng định, Công ty công nghệ Việt chuyên cung cấp các giải pháp tiết kiệm điện năng, ổn định nguồn điện cho cả nhà máy, phân phối sử dụng năng lượng cho tất cả các dây chuyền thiết bị tại từng phân xưởng, từng máy của công nhân, nhưng cũng chỉ được nhiều khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc) tại Việt Nam biết đến, chứ các DNNVV trong nước vẫn “dửng dưng”.
Theo kết quả khảo sát của Bộ Công thương, xi măng và nông nghiệp là 2 ngành có khả năng tiết kiệm năng lượng nhiều nhất, có thể tiết kiệm tới 50%. Một minh chứng cụ thể là việc nghiên cứu, sản xuất đèn LED của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông - ngoài ứng dụng chiếu sáng sinh hoạt - đã mang lại hiệu quả bất ngờ cho ngành nông nghiệp Việt Nam thông qua việc điều chỉnh nguồn sáng làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng khả năng dẫn dụ tiêu diệt côn trùng và diệt trừ dịch hại.
Để giảm chi phí năng lượng chiếu sáng, mới đây Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt danh mục Dự án “Phát triển và thúc đẩy công nghệ LED cho chiếu sáng chung ở Việt Nam”. Mục tiêu của Dự án nhằm giảm thiểu mức phát thải khí nhà kính (GHG) thông qua việc chuyển đổi thị trường chiếu sáng Việt Nam hướng tới sử dụng nhiều hơn các sản phẩm chiếu sáng LED sản xuất trong nước. Dự án được thực hiện 4 năm trên địa bàn toàn quốc với tổng hạn mức vốn là 8.146.794 USD, trong đó, vốn ODA do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) viện trợ không hoàn lại thông qua UNDP là 1.517.400 USD.
H.THOAN