Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hà Nội cần chuẩn bị tốt các điều kiện để phát triển kinh tế-xã hội sau khi dịch bệnh lắng xuống

Đối nội - Ngày đăng : 17:45, 20/04/2020

(BKTO) - Ngày 20-4, tại trụ sở Chính phủ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế-xã hội 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm của 9 tháng cuối năm.


Tham dự cuộc làm việc có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ; Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, cùng lãnh đạo một số bộ, ngành và TP Hà Nội.

Báo cáo Thủ tướng tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, đến nay, Hà Nội đã bước đầu và cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, không để lây lan rộng, góp phần trong công tác phòng, chống dịch của cả nước. Cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch, thành phố đã duy trì thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị khác, không để công việc đình trệ. Đối với công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, đến nay đã cơ bản tổ chức xong đại hội cấp chi bộ và đại hội điểm cấp cơ sở. Tới đây, thành phố sẽ tổ chức tiếp đại hội bảo đảm hoàn thành theo tiến độ. Về phát triển kinh tế-xã hội, thành phố đang cố gắng để duy trì tăng trưởng và sẵn sàng phục hồi mạnh sau khi dịch kết thúc, quyết tâm đưa kinh tế đi theo mô hình chữ V (giảm sâu, sau đó phục hồi mạnh).

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương TP Hà Nội đã làm tốt công tác phòng, chống Covid-19 một cách chủ động, tích cực trong gần 3 tháng qua. Thủ tướng nhấn mạnh, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phải đi đầu trong việc chuẩn bị tốt các điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội sau khi dịch bệnh lắng xuống.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Quang Hiếu.

Thủ tướng cũng lưu ý, dịch bệnh đã khiến các chỉ tiêu của thành phố bị ảnh hưởng: Tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung của cả nước nhưng chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ; các chỉ tiêu khác đều thấp hơn cùng kỳ;… từ đó, tạo áp lực lớn trong hoàn thành kế hoạch đã đề ra của Thủ đô trong năm 2020. Thủ tướng đề nghị, Hà Nội cần khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển trong các điều kiện khác nhau khi nền kinh tế đang có nhiều thay đổi để không rơi vào tình thế bị động.

Đề cập đến những tồn tại cần sớm xử lý, khắc phục trong tiến trình phát triển của thành phố, Thủ tướng chỉ rõ, hạ tầng giao thông của thành phố còn hạn chế, ảnh hưởng tốc độ phát triển chung. Tiến độ thi công một số công trình lớn còn chậm, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công, khai thác cát, sử dụng bến bãi trái phép vẫn còn xảy ra. Tình hình tội phạm cơ bản chuyển biến tích cực nhưng nguy cơ vẫn còn phức tạp. Thủ tướng yêu cầu Hà Nội tập trung giải quyết một số tồn tại, hạn chế kéo dài trên địa bàn: Củng cố tốt hơn hệ thống chính trị tại xã Đồng Tâm; bảo đảm quy hoạch đối với công trình 8B Lê Trực; giải quyết dứt điểm Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, trong đó, Bộ Giao thông vận tải và đối tác bàn phương án xử lý dứt điểm trước tháng 6-2020;... Thành ủy, UBND thành phố cần có trách nhiệm thảo luận cơ chế rõ ràng, tháo gỡ dứt điểm những tồn tại kéo dài nhiều năm này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thống nhất tầm nhìn phát triển Thủ đô trong thời gian tới phải là thành phố giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, thông minh và hội nhập. Thành phố phải có hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, nơi tập trung nhiều cơ sở hàng đầu về tài chính, ngân hàng, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục,... Môi trường sống thân thiện, bền vững, an ninh, an toàn. Nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam hài hòa với những giá trị văn hóa nhân loại tiến bộ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hà Nội tiếp tục tập trung phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng, cuộc sống của người dân. Tiếp tục bảo đảm cung ứng, kết nối cung cầu hàng hóa; triển khai nhanh, kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thành phố cần chủ động, sáng tạo để triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Cần có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời những tấm gương trong phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng Thủ đô. Cùng với đó, xử lý nghiêm những hành vi gây khó khăn, nhũng nhiễu, trục lợi, vi phạm pháp luật trong thời gian diễn ra dịch bệnh.

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn, tránh bị động. Ngoài ra, thành phố cần làm tốt công tác quản lý đô thị, bảo đảm nước sạch cho người dân với giá nước phù hợp, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường…

Thủ tướng cũng lưu ý, thành phố cần tập trung xây dựng Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, nông nghiệp số, kinh tế số,... Đây là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thành phố. Cùng với đó, tiếp tục xây dựng nền hành chính phục vụ, văn minh và thanh lịch. Không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, tiềm ẩn mất an ninh trật tự; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Thủ đô, nhất là làm lành mạnh trong môi trường văn hóa, xã hội;... Cần bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội cho nhân dân và các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan đại diện ngoại giao quốc tế. Không để các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh gây mất an ninh trật tự.

Thủ tướng đề nghị, các bộ, cơ quan Trung ương, các tập đoàn, các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, phối hợp cùng Hà Nội hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra.

Theoqdnd.vn