Kiểm soát giá thịt lợn: Thực tế chưa như kỳ vọng

Xã hội - Ngày đăng : 08:30, 21/04/2020

(BKTO) - Mặc dù Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt, nhiều DN cũng đã đưa giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg nhưng giá bán lẻ mặt hàng thực phẩm thiết yếu này đến tay người tiêu dùng vẫn cao ngất ngưởng. Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng này là do “đường đi” của lợn từ trang trại đến thị trường phải qua nhiều khâu trung gian nên người dân chưa được thụ hưởng việc giá lợn xuống thấp như mong muốn.



Giá bán lẻ thịt lợn đến người tiêu dùng vẫn cao. Ảnh: P.Tuân

Giá thịt lợn cần giảm ngay về mức hợp lý

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tài chính, Công Thương phải làm rõ trách nhiệm trong việc để giá thịt lợn tăng, đồng thời phải có giải pháp hiệu quả để giảm giá. Thực tế, 15 DN chăn nuôi lớn đã đưa giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg và hàng vạn nông dân cũng xuất lợn hơi với mức giá xấp xỉ như vậy nhưng giá bán thịt lợn ở các chợ, cửa hàng và cả các siêu thị vẫn cao chót vót, dao động từ 140.000 đến 160.000 đồng/kg. Lý giải về việc này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, do nguồn cung thịt lợn trong nước vẫn chưa đủ phục vụ nhu cầu người dân. Mặc dù các DN lớn ngành chăn nuôi đã đưa giá lợn xuất chuồng xuống 70.000 đồng/kg nhưng vẫn chưa đủ sức chi phối thị trường.

“Cùng với đó, các khâu trung gian, nhất là khâu giết mổ đến phân phối sản phẩm đều nhỏ lẻ, nên người tiêu dùng chưa được thụ hưởng việc giá lợn xuống thấp như mong muốn. Tới đây, chúng ta phải tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó một giải pháp gốc rễ là phải tập trung tái đàn, tăng đàn. Dự kiến, đến quý III và đầu quý IV/2020, chúng ta sẽ đạt số lượng bằng thời kỳ cao nhất cuối năm 2018 và lúc đó sẽ đủ cung cấp cho thị trường…” - ông Cường khẳng định.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng, dù với lý do gì đi nữa thì hiện nay, việc giá thịt lợn thành phẩm cao gấp gần 3 lần giá lợn hơi và gấp tới 4 - 5 lần chi phí sản xuất là không thể chấp nhận được, nhất là khi nhiều DN cũng đã nhập khẩu số lượng thịt khá lớn với giá thấp hơn giá bán tại Việt Nam rất nhiều. Chưa kể, Bộ NN&PTNT đã khẳng định, từ cuối năm 2019 đến nay, sau khi dịch tả lợn châu Phi giảm thì tốc độ tái đàn lợn đến hết quý I/2020 ở nhiều địa phương đã tăng 6,3% so với thời điểm tháng 12/2019.

Khâu trung gian hưởng lợinhiều nhất

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, từ trước đến nay, ngành chăn nuôi lợn vẫn chưa thể thiết lập được mô hình liên kết tam giác (tức là từ trang trại - lò giết mổ - bán lẻ) nên một số DN, trang trại chăn nuôi lớn có số lượng áp đảo về số đầu lợn đã có hiện tượng ghìm giá lợn hơi, hoặc liên kết ngang để cùng thống nhất một mức giá. Họ không xuất hàng thẳng cho lò mổ mà xuất cho thương lái và các công ty liên kết của họ, thậm chí đại lý cấp 1, cấp 2, sau đó mới đến siêu thị và chợ, việc làm này đã tạo thêm những chi phí trung gian góp phần đẩy giá lên ở thị trường bán lẻ.

Trao đổi với báo chí, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, nếu cắt giảm 2 - 3 khâu trung gian, lợn từ trang trại “đi thẳng” xuống lò mổ và ra thị trường, chắc chắn giá sẽ giảm. Có như thế, người chăn nuôi và người dân mới được hưởng lợi, Nhà nước không thất thoát nguồn thuế thu nhập DN. Còn nếu chỉ giảm giá lợn hơi thì tác động sẽ không nhiều bởi đến tay thương lái, mỗi khâu đã ăn lãi 10 - 20%. Khâu bán lẻ có thể còn hưởng lợi cao hơn, bởi thực tế một số mặt hàng gửi bán vào siêu thị có lúc bị ép chiết khấu lên đến 20 - 30%. Như vậy, người tiêu dùng không được hưởng lợi gì, mà chủ yếu các khâu trung gian được hưởng lợi rất lớn.

Từ thực tế đó, ông Phú nêu giải pháp cần sớm đưa mặt hàng thịt lợn vào diện bình ổn giá nhằm có cơ chế điều chỉnh giá, dự trữ quốc gia. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện kho hàng dự trữ nông sản, hàng hóa lưu trong kho được miễn giảm phí, kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường. Hơn nữa, thịt lợn là thực phẩm chiếm phần lớn trong cơ cấu bữa ăn của các gia đình nên mặt hàng này thường xuyên có biến động. Mặt khác, phải thực hiện kê khai giá, làm rõ lợi nhuận, chênh lệch của từng khâu, khâu nào hưởng nhiều sẽ có hướng xử lý.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, để giảm giá thịt lợn đến tay người dân ở mức hợp lý nhất, không chỉ là ở vấn đề tổ chức lại sản xuất như đẩy mạnh tái đàn mà cơ quan quản lý nhà nước phải tập trung cho các giải pháp mạnh mẽ hơn như: lực lượng quản lý thị trường phải kiểm tra, xử lý những tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng đẩy giá quá cao; đẩy mạnh nhập khẩu để cạnh tranh với sản phẩm trong nước; thúc đẩy các DN thương mại của Nhà nước tích cực tham gia phân phối sản phẩm để tư thương không hoành hành. Đồng thời, nên xem lại cách quản lý, điều hành giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nói chung, thịt lợn nói riêng. Cụ thể, thay vì chỉ khống chế giá bán lợn hơi của người chăn nuôi như hiện nay, cần khống chế giá bán thịt lợn thành phẩm theo từng loại đến người tiêu dùng trên cơ sở tính toán hợp lý để bảo đảm hài hòa lợi nhuận giữa các khâu.
LÊ HÒA