Quản lý, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư công: Vẫn chưa thống nhất, toàn diện

Kinh tế - Ngày đăng : 08:35, 21/04/2020

(BKTO) - Công tác quản lý, thanh toán và quyết toán các dự án sử dụng vốn đầu tư công hiện nay được điều chỉnh bởi nhiều thông tư. Không ít chế tài trong lĩnh vực này chưa được triển khai một cách triệt để. Vì vậy, cần xây dựng quy định ở mức Nghị định để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất và có chế tài đủ mạnh đối với các chủ thể tham gia vào quá trình thanh toán, quyết toán dự án này.


Quản lý, thanh toán, quyết toándự án bằng nhiều thông tư

Theo Bộ Tài chính, cơ chế quản lý, thanh toán các dự án sử dụng vốn đầu tư công đã đơn giản hóa hồ sơ, quy trình thanh toán, minh bạch hóa trách nhiệm giữa chủ đầu tư và cơ quan thanh toán. Kế hoạch vốn được nhập trực tiếp lên hệ thống Quản lý tài chính ngân sách (TABMIS) và được chuyển xuống các kho bạc nhà nước địa phương - nơi các dự án mở tài khoản, giúp đẩy nhanh tiến độ thanh toán vốn đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chuyển kế hoạch vốn. Phương thức kiểm soát thanh toán đã thay đổi theo hướng từ kiểm soát trước, thanh toán sau sang thanh toán trước, kiểm soát sau, rút ngắn thời hạn thanh toán tối đa từ 7 ngày xuống 4 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ thanh toán.

Về quyết toán dự án hoàn thành, các thông tư đã quy định cơ chế quyết toán đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn nhà nước sau khi hoàn thành hoặc dừng thực hiện vĩnh viễn. Công tác quyết toán dự án hoàn thành đã đánh giá được kết quả của quá trình đầu tư, xác định năng lực sản xuất, giá trị tài sản mới tăng thêm do đầu tư mang lại, xác định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, các nhà thầu, cơ quan cấp vốn, cho vay, kiểm soát thanh toán...

Tuy nhiên, chế độ quản lý, thanh toán, quyết toán các dự án này vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, các thông tư hiện hành chưa bao quát được phạm vi các dự án sử dụng vốn đầu tư công; mới quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư dự án sử dụng nguồn vốn NSNN và chỉ khuyến khích vận dụng những nguyên tắc thanh toán theo quy định đối với các dự án đầu tư từ các nguồn vốn khác của Nhà nước ngoài nguồn vốn NSNN nên căn cứ pháp lý chưa đủ mạnh để phát huy tốt hơn hiệu quả quản lý. Việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư công nguồn NSNN và nguồn vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư đang được quy định tại nhiều thông tư khác nhau...

Bên cạnh đó, các thông tư hiện hành có một số quy định về thủ tục hành chính, điều này chưa đúng với yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư công cho dự án sử dụng nguồn vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư cũng chưa có hướng dẫn cụ thể. Một số nội dung chưa được quy định như việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư công bố trí cho công tác lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch theo Luật Quy hoạch năm 2017.

Hơn nữa, công tác quản lý vốn tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng theo hợp đồng đối với nguồn vốn NSNN chưa chặt chẽ, tỷ lệ tạm ứng theo hợp đồng quá cao (trên 50%) dẫn đến số dư tạm ứng tại Kho bạc Nhà nước rất lớn. Mặt khác, quy định hiện hành vẫn chưa bao quát phạm vi quản lý, thiếu quy định đối với các công việc được thực hiện không thông qua hợp đồng, các công việc thực hiện theo hợp đồng không phải xây dựng.

Tương tự, việc hướng dẫn quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước cũng còn khoảng trống nhất định. Một số quy định về thời hạn, nội dung, quy trình cụ thể của công tác lập báo cáo quyết toán năm chưa được thực hiện nghiêm do hiệu lực pháp lý chỉ ở mức thông tư.
Ngoài ra, thẩm quyền quy định các nội dung quản lý hoạt động đầu tư công còn thiếu đồng nhất khiến nhiều chế tài trong quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công chưa được triển khai một cách triệt để...

Cần ban hành Nghị định để nâng caohiệu lực pháp lý

Để khắc phục những bất cập trên, Bộ Tài chính đã đề xuất xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công. Mục tiêu của Nghị định là quy định đầy đủ, thống nhất và toàn diện việc quản lý, thanh toán, quyết toán đối với tất cả nguồn vốn đầu tư công gồm vốn NSNN; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất quy định rõ các nguyên tắc quản lý, thanh toán vốn đầu tư công phù hợp và đồng bộ với Luật Đầu tư công năm 2019, Luật NSNN năm 2015. Cơ quan soạn thảo cũng cụ thể hóa một số vấn đề như: chính sách, chế tài đối với từng khâu trong quá trình này, từ kiểm tra phân bổ vốn, nội dung tạm ứng, thu hồi, quản lý tạm ứng và thanh toán khối lượng hoàn thành; nội dung công việc, hồ sơ, chứng từ cho từng chủ thể trong quá trình quản lý, thực hiện; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện từng khâu của quá trình quản lý, thanh toán vốn đầu tư công.

Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ các nguyên tắc về quyết toán vốn đầu tư công nguồn NSNN; xác định cụ thể thời gian, nội dung, quy trình của từng đối tượng trong công tác lập, thẩm định và thông báo quyết toán năm; xác định rõ nội dung từng khâu của quá trình quyết toán dự án hoàn thành, trong đó có khâu kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành. Dự thảo còn quy định cụ thể: nội dung công việc, hồ sơ, thẩm quyền và cách thức thực hiện, thời hạn và chi phí thực hiện; trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc quyết toán tình hình sử dụng vốn đầu tư công…

MINH ANH