Ngành thủy sản chủ động ứng phó với đại dịch
Kinh tế - Ngày đăng : 08:50, 21/04/2020
(BKTO) - Đại dịch Covid-19 đã và đang gây tổn thất nghiêm trọng đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế, trong đó, kinh doanh, xuất khẩu thủy sản cũng không tránh khỏi ảnh hưởng, ít nhất cho đến hết nửa đầu năm 2020. Với tình hình phức tạp như hiện nay, ngành thủy sản một mặt kiến nghị Chính phủ hỗ trợ để vượt qua khó khăn, đồng thời, ngành cũng có những giải pháp cụ thể nhằm ứng phó với đại dịch.
Đại dịch Covid-19 gây tổn thất nghiêm trọng đến xuất khẩu thủy sản. Ảnh: TTXVN
Xuất khẩu giảm sâu
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 01/2020 mới là thời điểm bắt đầu cho giai đoạn ách tắc trong hoạt động thương mại thủy sản và từ tháng 3, khi dịch bệnh tăng tốc và lan tỏa ở mức độ chóng mặt đã kéo theo những hệ quả nặng nề, trầm trọng hơn. Ước tính xuất khẩu thủy sản trong tháng 3/2020 giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2019, chỉ đạt 549 triệu USD; trong đó, xuất khẩu cá tra và cá ngừ đều giảm trên 29%, mực - bạch tuộc lên tới 31% và tôm khoảng 15%. Xét về thị trường, xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU) giảm sâu nhất, tới 40%; Trung Quốc 25%, Hàn Quốc giảm 24%, Nhật Bản giảm 19%.
Xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm ít hơn các thị trường khác nhờ sản phẩm thủy sản của Việt Nam vẫn giữ được thị phần tại phân khúc bán lẻ. Nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Hoa Kỳ nói chung giảm nhưng nhu cầu các sản phẩm tươi sống, đóng hộp vẫn tăng. Trong tuần đầu tháng 3, doanh số bán lẻ thủy sản đóng hộp tại Hoa Kỳ tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế đến hết tháng 3/2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 14%; trong đó, xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất tới 31%, chủ yếu do giảm xuất sang thị trường Trung Quốc từ 2 tháng đầu năm; xuất khẩu các mặt hàng hải sản như: cá ngừ giảm 13,5%, mực - bạch tuộc giảm 28%.
Theo khảo sát của VASEP, hiện nay, chỉ có 30 - 50% tỷ lệ các đơn hàng vẫn tiến hành giao cho khách đúng tiến độ, trong đó, tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng là 20 - 40%, yêu cầu hủy là 20 - 30% và các thị trường có tỷ lệ khách hàng yêu cầu hoãn giao hàng hoặc hủy đơn hàng thường là: Trung Quốc, châu Âu, Hàn Quốc... Đặc biệt, tại thị trường EU, chủ yếu các đơn hàng tôm bị yêu cầu hoãn hoặc hủy. Không chỉ vậy, các DN thủy sản đang bị ảnh hưởng không nhỏ do các hãng tàu biển thu hẹp lượng tàu và bỏ chuyến. Do đó, hành trình của tàu về Việt Nam hoặc đi từ Việt Nam sang các nước khác bị kéo dài, đã ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch giao hàng và làm tăng đáng kể chi phí của DN.
Mở rộng thị trường nội địa
Những tác động bởi dịch Covid-19 đối với tình hình xuất khẩu thủy sản là không thể tránh khỏi và các DN sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trong vài tháng tới. Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết, VASEP đang tiếp tục tích cực tìm hiểu thông tin, hỗ trợ DN xây dựng kịch bản ứng phó kịp thời. Mặc dù thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn nhưng VASEP nhận thấy có 2 cơ hội mà các DN có thể nắm bắt. Một là, nên chuẩn bị để sản xuất hàng đông lạnh, đồ hộp, bởi khi có dịch bệnh, thói quen, văn hóa ăn uống của người dân sẽ thay đổi, nhiều khách hàng chuyển sang dùng đồ hộp thay vì hàng tươi sống. Hai là, một số mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam (như cá ngừ) đang bị giảm sâu. Căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc khiến Hoa Kỳ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, tạo cơ hội cho nguồn cung từ các thị trường khác vào Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, khi xuất khẩu có tín hiệu không thuận, các DN nên tập trung gia tăng thị phần ngay tại thị trường nội địa. Đây cũng là hướng đi để ngành thủy sản phát triển bền vững.
Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc cho biết, trước tình hình xuất khẩu tới một số thị trường chính gặp khó khăn từ năm 2019, đến đầu năm 2020 lại ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều DN trong ngành đang có xu hướng đưa cá tra quay lại chinh phục thị trường trong nước. Theo ông Quốc, cá tra có giá trị dinh dưỡng cao, giá lại rẻ, nhưng chưa được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng. Vì vậy, bên cạnh chiến lược xuất khẩu sang những thị trường trọng điểm, các DN cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng bá, tiếp thị, mở rộng kênh phân phối tại thị trường trong nước.
Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của chính mình, các DN thủy sản cũng mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ kịp thời các DN, đồng hành cùng DN để vượt qua được giai đoạn khủng hoảng này, đặc biệt nhu cầu về vốn: hỗ trợ cho kéo giãn thời gian nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ dự trữ nguyên liệu, các quy định nhập khẩu nguyên liệu cũng như giảm tải các thủ tục hành chính cho DN… Mặc dù vậy, theo nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn Đặng Kim Sơn, để vượt qua những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, DN không nên trông đợi quá nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đó có thể là những hỗ trợ tạm thời như: khoanh vốn, giảm thuế, mở kênh phân phối…, nhưng về dài hạn, DN phải có những giải pháp căn cơ, dài hơi hơn để tự khắc phục các tổn thất như: đa dạng hóa thị trường, xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ cuối cùng, chuyển sản xuất manh mún sang quy mô lớn...
LÊ HÒA