Hướng tới nền y tế thông minh
Xã hội - Ngày đăng : 08:50, 21/04/2020
(BKTO) - Chủ động tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành y tế đã và đang đẩy mạnh xây dựng nền y tế thông minh với việc ứng dụng và phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh, góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng và hội nhập quốc tế; đồng thời, hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao.
TP.HCM khai trương Trung tâm Điều hành thông minh về y tế. Ảnh: TTXVN
Ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động
Theo Bộ Y tế, những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe ở Việt Nam đã có bước phát triển đột phá, đặt nền móng xây dựng nền y tế thông minh với ba trụ cột chính là: phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh; khám, chữa bệnh (KCB) thông minh và quản trị y tế thông minh. CNTT được ứng dụng vào các lĩnh vực chuyên môn cũng như quản lý y tế, quản lý kinh tế, quản lý thuốc, quản lý vật tư tiêu hao... Theo đó, đến năm 2019, 100% bệnh viện đã triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý ở các mức độ khác nhau. Một số bệnh viện đã bước đầu triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy; 99,5% các cơ sở KCB trên toàn quốc đã kết nối liên thông với Hệ thống giám định bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Bộ Y tế cũng triển khai thành công và có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến của Bộ, kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN. Đồng thời, hình thành hệ thống thông tin quản lý y tế dự phòng, triển khai phần mềm tiêm chủng mở rộng trên cả nước với hàng triệu đối tượng tiêm chủng được quản lý…
Nhiều địa phương, cơ sở y tế đã chú trọng đầu tư xây dựng mô hình y tế thông minh nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý bệnh viện, đáp ứng yêu cầu về KCB và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Điển hình như năm 2019, TP. HCM đã ra mắt Trung tâm Điều hành y tế thông minh. Trung tâm có chức năng điều hành các hoạt động của Sở Y tế đối với các cơ sở trực thuộc bằng hệ thống CNTT, từ hoạt động quản lý đến hoạt động chuyên môn, cơ sở vật chất…, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo, điều phối và dự báo kịp thời. Tại Bệnh viện K, Trung tâm Điều hành bệnh viện thông minh cũng đã được triển khai, với mô hình hoàn toàn mới giúp quản trị toàn bộ hoạt động của Bệnh viện…
Người dân được hưởng lợi
Cùng với nâng cao hiệu quả quản lý y tế, việc ứng dụng CNTT trong KCB đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người bệnh. Tại nhiều cơ sở y tế đã triển khai sử dụng Thẻ KCB với nhiều tiện ích như: đặt lịch khám, thông tin bệnh tật, lịch sử khám bệnh và thanh toán không dùng tiền mặt; phát triển ứng dụng đăng ký khám bệnh trên điện thoại di động; liên kết với các ngân hàng hỗ trợ thanh toán chi phí KCB bằng QR Code tại bệnh viện... Việc ứng dụng CNTT trong KCB đã giúp giảm thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian KCB, giảm thời gian chờ đợi thực hiện các thủ tục, đem lại sự hài lòng cho người bệnh, đồng thời nâng cao hiệu quả công việc của cán bộ y tế.
Bên cạnh đó, nhiều thiết bị ứng dụng trí tuệ nhân tạo, robot định vị cũng đã được triển khai tại các cơ sở KCB, không chỉ đem lại hiệu quả cao trong phẫu thuật, điều trị mà còn giúp giảm chi phí KCB, giảm thời gian nằm viện. Đặc biệt, việc xây dựng mạng lưới Y tế từ xa (Telemedicine) đã góp phần nâng cao chất lượng KCB ở tuyến dưới, vùng miền núi khó khăn, đưa dịch vụ y tế chất lượng cao đến gần hơn với người dân. Ngay trong thời điểm này, khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cả nước thực hiện cách ly xã hội, với hệ thống Telemedicine, nhiều người bệnh nguy kịch đã được cứu sống kịp thời.
Đại diện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, với vai trò là bệnh viện hạt nhân về ngoại khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện tư vấn, hội chẩn từ xa cho nhiều bệnh viện vệ tinh qua hệ thống truyền hình trực tuyến Telemedicine, với các ca phẫu thuật khó, cứu sống nhiều người bệnh. Đây là giải pháp an toàn, nhanh chóng và mang lại hiệu quả cao, giúp người bệnh kịp thời được phẫu thuật mà không phải chuyển viện; người bệnh được hội chẩn và tư vấn phẫu thuật bởi các chuyên gia hàng đầu. Đây cũng là giải pháp nâng cao chất lượng KCB ở địa phương, giảm tải cho các bệnh viện tuyến T.Ư và giảm chi phí cho người bệnh.
Theo PGS,TS. Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), để đẩy mạnh CNTT trong y tế, năm 2019, Bộ Y tế đã ban hành Đề án phát triển CNTT y tế thông minh giai đoạn 2019-2025. Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tập trung thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Đề án. Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật; chú trọng phát triển hạ tầng CNTT; phát triển Trung tâm Dữ liệu y tế quốc gia; xây dựng các trung tâm dữ liệu y tế chuyên ngành và Trung tâm Dữ liệu gen (ADN) người Việt Nam. Đồng thời, xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân; ưu tiên triển khai các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc theo dõi, cảnh báo dịch bệnh trên cả nước; phát triển các ứng dụng cung cấp tri thức phòng bệnh, KCB, chăm sóc sức khỏe người dân…
Đ.KHOA