Hỗ trợ lãi suất cho khách hàng, lợi nhuận nhiều ngân hàng giảm mạnh
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 16:15, 22/04/2020
(BKTO) - Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), hiện đã có khoảng 6.650 doanh nghiệp được giảm lãi với trên 126.000 tỷ đồng và 355.000 doanh nghiệp được vay lãi suất mới thấp với gần 179.000 tỷ đồng. Việc giảm lãi suất cho khách hàng đã kéo giảm lợi nhuận của nhiều ngân hàng xuống, nợ xấu tăng cao.
Nhiều ngân hàng thông báo lợi nhuận giảm mạnh do phải hỗ trợ lãi suất cho khách hàng - Ảnh minh họa |
Lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng
Kết thúc quý I/2020, tuy chỉ có một vài ngân hàng công bố báo cáo tài chính, nhưng những số liệu này phần nào đã phản ánh tác động tiêu cực của dịch COVID-19 lên kết quả kinh doanh của các ngân hàng, khiến lợi nhuận sụt giảm, nợ xấu tăng vọt.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I vừa được Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) công bố, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này sụt giảm 11,14% so với cùng kỳ, chỉ đạt 5.222 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ quá hạn tính đến 31/3/2020 tại Vietcombank đã vượt 11.250 tỷ đồng, tăng 2.886 tỷ đồng, tương đương với 34,5% so với cuối năm 2019.
Trong bảng cơ cấu nợ, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) có tốc độ tăng mạnh nhất 2.498 tỷ đồng, lên gần 5.059 tỷ đồng, tức gần 97,6%.
Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm nhẹ từ gần 4.530 tỷ đồng xuống còn hơn 4.450 tỷ đồng.
Vietcombank cũng đã mạnh tay tăng dự phòng rủi ro cho vay khách hàng đến gần 40% so với thời điểm ngày 31/12/2019, từ hơn 10.416 tỷ đồng lên 14.548 tỷ đồng.
Ngoài ra, lợi nhuận ở nhiều mảng kinh doanh tăng trưởng chậm, thậm chí là sụt giảm cũng đã khiến kết quả kinh doanh của Vietcombank kém phần sáng sủa.
Tổng thu nhập hoạt động quý I của ngân hàng này chỉ tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ, đạt hơn 12.200 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 12% lên 4.910 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh 43%, lên 2.152 tỷ đồng. Đây là những nguyên nhân chính kéo lùi lợi nhuận của ngân hàng trong quý đầu năm.
Trong khi đó, tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), lợi nhuận trước thuế quý I sụt giảm 7% so với cùng kỳ, đạt 988 tỷ đồng, rời mốc lợi nhuận nghìn tỷ. Sau khi trừ thuế, lợi nhuận Sacombank trong quý này còn lại 785 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, lợi nhuận ngân hàng Sacombank sụt giảm chủ yếu do lãi từ hoạt động khác giảm mạnh trong khi chi phí hoạt động lại tăng.Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2020, thu nhập lãi thuần đạt gần 2.840 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2019, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 12,3%, đạt 721 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 106%, đạt 233 tỷ đồng.
Sụt giảm mạnh đến 76,6% so với cùng kỳ, lãi từ hoạt động khác của ngân hàng này chỉ đạt 71 tỷ đồng. Trong quý I/2019, nguồn thu từ hoạt động khác chủ yếu đến từ việc xử lý nợ xấu.
Như vậy, trong khi tổng thu nhập hoạt động quý I chỉ đạt 3.882 tỷ đồng, tăng 9,72%, thì chi phí hoạt động của Sacombank đã chiếm tới 2.477 tỷ đồng, tăng tới 20,84% so với cùng kỳ.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý I của Sacombank giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ, xuống 417 tỷ đồng. Nợ xấu tính đến 31/3/2020 ở mức 6.045 tỷ đồng, tăng hơn 313 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cũng tăng từ 1,94% lên 1,97%.
Trong bảng phân tích chất lượng nợ cho vay, nợ nhóm 2 của Sacombank tăng gần gấp đôi so với đầu năm, từ mức 826 lên 1.501 tỷ đồng.
Không nằm ngoài xu hướng chung, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Ngân hàng Thương mại cổ phần Kiên Long (Kienlongbank) quý I/2020 giảm 13,8 tỷ đồng, tương đương 23,25% so với cùng kỳ, xuống còn 45,5 tỷ đồng.
Dù vậy, nguyên nhân sụt giảm chủ yếu của Kienlongbank không nằm ở những ảnh hưởng do dịch COVID-19 gây ra mà lại ở sự tăng vọt chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.Chi phí này trong quý I/2020 đã lên đến 68,8 tỷ đồng, tăng mạnh 3.646% so với cùng kỳ 2019.
"Phao cứu sinh" cho doanh nghiệp
Việc nhiều ngân hàng thông báo lợi nhuận giảm sút, nợ xấu tăng cao như trên là do thời gian qua các ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất, giãn nợ cho khách hàng nhằm đối phó với tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Thống kê của NHNN cho biết,hiện có 52.000 doanh nghiệp được giữ nguyên nhóm nợ với 18.000 tỷ đồng; 6.650 doanh nghiệp được giảm lãi với trên 126.000 tỷ đồng; 355.000 doanh nghiệp được vay lãi suất mới thấp với gần 179.000 tỷ đồng.
Theo ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, những chính sách của NHNN, đặc biệt là gói 300.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp giống như “phao cứu sinh” trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Điều mà nhiều doanh nghiệp đang quan tâm nhất lúc này là nguồn lực hỗ trợ cần nhanh chóng đến tay, càng sớm càng tốt.
Chính vì vậy, để doanh nghiệp có thể tiếp nhận ngay được sự hỗ trợ như giảm lãi suất mà không cần phải lập hồ sơ chứng minh, một số ngân hàng đã ngay lập tức đưa ra các mức giảm lãi suất tiền vay ở mức khá cao.
Trong đó, Vietcombank đã quyết định giảm 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19. Thời gian giảm lãi suất từ ngày 15/4 đến hết ngày 30/9; giảm 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng các khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch COVID-19. Thời gian giảm lãi suất từ ngày 15/4-30/6.
Tổng số khách hàng được giảm lãi suất đợt 2 là 90.000 khách hàng với quy mô tín dụng là 300.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% dư nợ hiện hữu tại Vietcombank.
Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết đợt giảm lãi suất lần này do ngân hàng hoàn toàn chủ động. Trên cơ sở tiêu chí chung về đánh giá những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng, Vietcombank sẽ giảm lãi suất cho khách hàng.
Tương tự, HDBank cũng sớm triển khai gói giảm lãi suất vay ưu đãi từ 2%-4,5% cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong cả nước kể từ ngày 31/3/2020. Đặc biệt, HDBank sẽ tự động giảm lãi mà không cần khách hàng phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải, miễn phí cam kết rút vốn, phí hạn mức tín dụng dự phòng.
Trong khi đó, Agribank thông báo tăng mức hỗ trợ đối với gói tín dụng 100.000 tỷ đồng. Cụ thể, với các khoản vay giải ngân từ ngày 1/4, khách hàng là đối tượng của chương trình, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ được áp dụng lãi suất giảm tối đa lên tới 2,5%/năm.
Tại cuộc họp mới đây giữa Thủ tướng với lãnh đạo các Bộ, ngành, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết những ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm khoảng 40% lợi nhuận. Ví dụ Vietcombank năm ngoái đạt khoảng 22.000 tỷ đồng tiền lãi thì năm nay phải giảm 30-40%, tức đóng góp ít nhất 8.000 tỷ đồng dành cho vấn đề hạ lãi suất.
Năm 2019, tổng lợi nhuận trước thuế của 4 ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank đạt hơn 57.000 tỷ đồng và ngân hàng nào cũng có lãi đạt trên 10.000 tỷ đồng.
Như vậy, nếu giảm lợi nhuận 40% thì con số đóng góp lên tới gần 23.000 tỷ đồng. Đây đều là nguồn lực rất lớn để các ngân hàng giảm lãi suất sâu hơn nữa hoặc mở rộng quy mô các gói tín dụng hỗ trợ.
Khi nhóm "Big4" ngân hàng "hy sinh" 40% lợi nhuận để hạ lãi suất cho vay thì sẽ là một con số rất lớn. Hơn nữa, thị phần cho vay của 4 ngân hàng này đã chiếm phân nửa toàn ngành nên việc hạ mạnh lãi suất của 4 nhà băng có thể tác động mạnh đến mặt bằng lãi suất cho vay của cả hệ thống.
Chính vì vậy, ngay trong quý I, lợi nhuận một số ngân hàng đã sụt giảm rõ so với cùng kỳ 2019. Điển hình là Vietcombank đạt 5.333 tỷ đồng, giảm 11,14%; Sacombank sụt giảm 7%, đạt 988 tỷ đồng...
ĐÔNG SƠN(tổng hợp)