Giá dầu thế giới tiếp tục đà phục hồi ổn định

Đối ngoại - Ngày đăng : 17:22, 23/04/2020

(BKTO)- Ngày 22/4 (theo giờ Mỹ), giá dầu đã tăng gần 20%, một dấu hiệu cho thấy thị trường đang dần ổn định trở lại sau khi giá dầu rớt xuống ngưỡng âm lần đầu tiên trong lịch sử hồi đầu tuần.


                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: Sưu tầm.

   

Giá dầu dần hồi phục

Giá dầu ngọt nhẹ Tây Texas (WTI) được giao dịch ở mức 13,78 USD/thùng, tăng từ mức 11 USD/thùng trong ngày 21/4 và phục hồi mạnh so với mức giá khoảng - 40 USD/thùng hôm 20/4.

Việc giá dầu rơi xuống ngưỡng âm là hệ quả của việc nhu cầu dầu đột ngột giảm tới 30%, khiến các công ty phải trả tiền cho những bên khác để dự trữ dầu thô của họ.

Giá dầu dần hồi phục một phần do các thương nhân chuyển sang mua các hợp đồng giao hàng tháng 6 để có thêm thời gian bố trí địa điểm dự trữ hàng nghìn thùng dầu do nhu cầu năng lượng đang sụt giảm chưa từng thấy.

Tuy nhiên, mức giá 14 USD/thùng vẫn cách xa so với mức giá bình quân 20 USD/thùng trong tháng 3. Giá dầu thấp đã buộc Tổng thống Donald Trump phải chỉ đạo Bộ trưởng Tài Chính và Bộ trưởng Năng lượng Mỹ đề ra các giải pháp nhằm hỗ trợ tài chính hoặc tăng cường quy mô dự trữ dầu.

Trước đó, các nghị sỹ của đảng Cộng hòa cũng đã hối thúc Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin triển khai cấp ngân sách cho các công ty dầu khí từ gói cứu trợ kinh tế nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Một nhóm Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa, do ông Kevin Cramer dẫn đầu, cho rằng nước Mỹ đang đối mặt với một nguy cơ hiện hữu nguy hiểm là phải đóng cửa hàng trăm, thậm chí hàng nghìn nhà sản xuất dầu mỏ, sự kiện sẽ tác động tiêu cực và sâu sắc tới ngành công nghiệp dầu mỏ, các đối tác tài chính cũng như người tiêu dùng trong những năm tới.

Hiện nay, với nhiều bể dầu đang được đổ đầy, Chính quyền Liên bang Mỹ đang đàm phán với các công ty để đưa thêm dầu thô vào Kho dự trữ dầu chiến lược quốc gia. Tuy nhiên, khi tất cả các bể chứa đều đầy, các công ty dầu khí sẽ phải đóng cửa các giếng dầu đang khai thác, còn các tàu chở dầu thì cứ tiếp tục lênh đênh trên biển.

Các nước sản xuất dầu dự kiến cắt giảm sản lượng

Trong một diễn biến khác, ngày 22/4 (giờ địa phương), Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh cho hay các nước sản xuất dầu có thể phải cắt giảm sản lượng nhiều hơn mức kỷ lục đã được trước đó nhằm xử lý vấn đề giá “vàng đen” sụt giảm ở mức chưa từng có tiền lệ.

Truyền thông khu vực dẫn lời Bộ trưởng Zanganeh nêu rõ: “Nếu cần thiết, tất cả các nước sản xuất dầu, dù thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hay không và những nước mà cho đến nay chưa thực hiện bất kỳ cam kết nào… cần phải có thêm hành động để vượt qua cuộc khủng hoảng quốc tế này".

Ông nhấn mạnh các nước sản xuất dầu mỏ nên tôn trọng kế hoạch cắt giảm sản lượng nhằm bình ổn thị trường dầu mỏ thế giới. Theo quan chức Iran này, “sự bình ổn sẽ dần được khôi phục tại thị trường dầu mỏ nếu thỏa thuận cắt giảm sản lượng được thực thi đầy đủ".

Trước đó, OPEC cùng các nước đối tác trong đó có Nga và nhiều nước xuất khẩu dầu mỏ khác, còn được gọi là OPEC+, đã nhất trí với một số nước khác, trong đó có Mỹ, cắt giảm khoảng 20 triệu thùng dầu/ngày.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, con số này dường như là chưa đủ khi nhu cầu tiêu thụ năng lượng của thế giới sụt giảm mạnh do sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ước tính nhu cầu về dầu mỏ đã giảm khoảng 30% do kinh tế suy thoái cũng như tình trạng dư cung.

Cùng ngày, Bộ Năng lượng Mỹ cho hay lượng dầu dự trữ ở Mỹ trong tuần qua đã tăng lên 518,6 triệu thùng/ngày, thấp hơn 3% so với mức cao nhất trong lịch sử. Như vậy, lượng dầu dự trữ của Mỹ đã tăng thêm 15 triệu thùng trong tuần qua, trùng khớp với dự đoán của các nhà phân tích, mặc dù một số ý kiến trước đó cho rằng con số này có thể tăng hơn 20 triệu thùng. Nếu lượng dầu dự trữ tiếp tục tăng thì thời điểm các kho chứa dầu của Mỹ “đầy tràn” sẽ không còn xa nữa.
NAM SƠN (tổng hợp)