Kinh tế thế giới giữa đại dịch
Đối nội - Ngày đăng : 17:29, 23/04/2020
(BKTO)- Nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục được dự báo nền kinh tế sẽ khủng hoảng sâu hơn dự kiến vì đại dịch Covid-19. Các biện pháp tài chính, gói cứu trợ khổng lồ liên tục được đưa ra nhằm hồi phục nền kinh tế.
Dịch Covid-19 khiến các nhà hàng phải đóng cửa - Nguồn: Sưu tầm |
Đức bổ sung 10 tỷ euro hỗ trợ người lao động và DN
Các đảng liên minh của Đức ngày 23/4 đã đồng ý về các biện pháp cứu trợ tiếp theo trị giá khoảng 10 tỷ euro (10,81 tỷ USD) để bảo vệ người lao động và các doanh nghiệp trước tác động của đại dịch Covid-19.
Gói cứu trợ trên bao gồm việc hỗ trợ tiền cho người lao động làm việc theo hợp đồng ngắn hạn, tạm thời giảm gánh nặng thuế cho ngành thực phẩm thông qua việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 7% đối với mặt hàng thực phẩm, cũng như miễn thuế cho các doanh nghiệp nhỏ.
Gói cứu trợ mới này cũng dự kiến sẽ giúp gia tăng sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ liên bang trị giá 500 triệu euro cho các trường học và học sinh để đẩy mạnh việc học trực tuyến và số hóa ngành giáo dục.
Tuyên bố chung sau cuộc họp giữa các đảng liên minh cho hay, Đức đã thành công trong việc làm chậm lại sự lây lan của dịch Covid-19 thông qua những chính sách hạn chế quyết liệt. Điều này có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế và xã hội nước này.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Đức, bởi vậy chính phủ chỉ có thể nới lỏng dần những hạn chế tiếp xúc xã hội để tránh nguy cơ dịch bùng phát trở lại.
Hồi cuối tháng Ba, Chính phủ Đức đã thông qua gói cứu trợ khẩn cấp có tổng giá trị lên tới 750 tỷ euro để ổn định nền kinh tế trước những hậu quả do dịch Covid-19 gây ra.
Gói cứu trợ kinh tế đầu tiên của Ðức bao gồm khoản ngân sách bổ sung trị giá 156 tỷ euro và quỹ bình ổn trị giá 600 tỷ euro để cấp các khoản vay dành cho các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Kinh tế Trung Quốc đang dần hồi phục nhưng nguy cơ suy thoái vẫn cao
Các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho rằng, kinh tế Trung Quốc sẽ dần hồi phục sau khi sụt giảm lần đầu tiên trong nhiều thập niên qua vào quý I/2020, song nguy cơ suy thoái vẫn cao nếu dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 diễn biến xấu đi.
Theo cuộc khảo sát trên, được thực hiện trong các ngày 20-22/4, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc dự kiến sẽ chỉ tăng 1,3% trong quý II/2020, sau khi ghi nhận mức giảm 6,8% trong quý I/2020.
Các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát đã đưa ra các dự báo về tăng trưởng GDP quý II/2020 của Trung Quốc dao động từ -5% đến + 5%, cho thấy hiện trạng kinh tế khá bất ổn của nước này.
Trong khi các quốc gia trên thế giới đang xem xét cách thức nới lỏng hạn chế đối với doanh nghiệp và hộ gia đình, Trung Quốc hồi đầu tháng 4/2020 đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát dịch Covid-19, và thông báo sẽ khôi phục hoàn toàn các hoạt động giao thông vận tải đường sắt, đường không và vận chuyển hàng hóa vào cuối tháng Tư này.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã cho phép các nhà máy và doanh nghiệp khôi phục hoạt động, dẫn đến sự phục hồi lần đầu tiên kể từ đầu năm 2020 của ngành chế tạo Trung Quốc trong tháng 3/2020.
Tuy vậy, trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang bắt đầu khôi phục hoạt động sớm hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn ở châu Âu và Mỹ - vẫn đang phải “căng sức chiến đấu” với dịch Covid-19, thì triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã xấu đi đáng kể với các đợt hạ mức xếp hạng liên tiếp.
Nhà kinh tế Iris Pang của ING ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng, các hoạt động kinh tế đã được khôi phục, song điều này không có nghĩa là kinh tế Trung Quốc đang phục hồi lại mức trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Theo ông Iris Pang, chừng nào các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt vẫn được áp dụng, Trung Quốc còn phải nỗ lực để có thể hồi phục kinh tế nhanh chóng.
Ngoài ra, ông Iris Pang còn tỏ ra quan ngại về nguy cơ xảy ra đợt bùng phát thứ hai của dịch Covid-19 từ châu Âu và châu Mỹ khi các quốc gia tại những khu vực này đang nới lỏng lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại trước khi số trường hợp mắc Covid-19 ở các nước đó giảm.
Ông cho rằng đây là nguyên nhân khiến ông đưa ra dự báo về nguy cơ suy thoái của kinh tế Trung Quốc.
Về phần mình, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á Freya Beamish của Pantheon Macroeconomics, có trụ sở tại London, cho rằng GDP của Trung Quốc hầu như sẽ giảm trong năm 2020 cho dù giới chức nước này có thể công bố một số liệu tích cực về tăng trưởng kinh tế trong nước.
Theo chuyên gia này, sự hồi phục về chi tiêu tiêu dùng dường như chưa ổn định do những nỗ lực ngăn chặn đợt bùng phát thứ hai của dịch Covid-19 và tình trạng hàng loạt cơ quan, doanh nghiệp cắt giảm việc làm và tiền lương của người lao động trong quý I/2020, trong khi các công ty chưa sẵn sàng tăng cường sản xuất và tích trữ sản phẩm trong quý II/2020 do nhu cầu hàng hóa ở các nước đang giảm mạnh.
Tuy vậy, các nhà kinh tế nhìn chung vẫn dự kiến kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh mẽ vào cuối năm 2020 với các mức tăng 5,3% và 6% trong hai quý cuối của năm nay, chỉ thấp hơn chút ít so với dự báo đưa ra vài tuần trước.
Nhà phân tích kinh tế vĩ mô kỳ cựu Bingnan Ye của Bank of China International, có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 3% trong cả năm 2020 mà ông đưa ra dựa trên giả định nhu cầu thế giới sẽ hồi phục trong thời gian tới.
Kinh tế Singapore có thể suy thoái sâu hơn dự báo
Tập đoàn tài chính Citigroup vừa đưa ra đánh giá cho rằng, kinh tế Singapore sẽ lâm vào tình trạng suy thoái sâu hơn nữa trong năm 2020, sau khi nước này tiếp tục kéo dài và thắt chặt các biện pháp cách ly xã hội đến ngày 1/6.
Theo hai chuyên gia kinh tế Wei Zheng Kit và Kai Wei Ang của Citigroup, kinh tế Singapore có thể sẽ suy giảm 8,5% trong năm 2020, cao hơn mức giảm ước tính trước đó là 6%.
Các chuyên gia kinh tế của Citigroup cho rằng, các biện pháp giãn cách xã hội sẽ làm ngừng trệ các hoạt động kinh tế chiếm tới 25-30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, và mỗi tháng kéo dài giãn cách xã hội có thể khiến GDP năm 2020 giảm từ 2–2,5%.
Trong khi đó, sự phục hồi kỹ thuật sau khi dỡ bỏ các biện pháp trên vào ngày 1/6 sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do vấn đề giãn cách xã hội và sẽ chỉ dần khôi phục trong lĩnh vực xuất khẩu.
Cũng theo các chuyên gia kinh tế của Citigroup, bất kỳ sự cắt giảm nào nữa đối với dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2020 hoặc năm 2021 sẽ buộc Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS, ngân hàng trung ương) xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ một lần nữa bằng cách hạ thấp giá trị của đồng nội tệ SGD vào cuộc họp dự kiến diễn ra vào tháng 10/2020.
Tháng 3/2020, MAS đã thực hiện các bước nới lỏng chưa từng thấy bằng cách hạ thấp giá trị đồng SGD để hỗ trợ nền kinh tế phụ thuộc lớn vào hoạt động xuất khẩu.
Singapore hiện có nhiều trường hợp nhiễm Covid-19 nhất ở khu vực Đông Nam Á, khi dịch bệnh lây lan nhanh trong các khu tập trung đông đúc lao động nước ngoài.
Các nhà kinh tế cũng cảnh báo về những nguy cơ suy giảm hơn nữa đối với triển vọng kinh tế của Singapore, trong bối cảnh việc tiếp tục áp dụng chặt hơn các biện pháp cách ly xã hội được Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố vào ngày 21/4 sẽ khiến hầu hết hoạt động xây dựng cũng như nhiều ngành dịch vụ bị đình trệ.
Chính phủ Canada chi 9 tỷ CAD hỗ trợ sinh viên vượt qua dịch Covid-19
Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 22/4 đã công bố một chương trình hỗ trợ toàn diện trị giá gần 9 tỷ CAD (6,35 tỷ USD) dành cho các sinh viên mới tốt nghiệp cao đẳng/đại học và cả những sinh viên đang theo học cao đẳng/đại học.
Chính phủ Canada sẽ trợ cấp 1.250 CAD/tháng đối với các sinh viên đủ điều kiện nhận hỗ trợ. Con số này sẽ lên tới 1.750 CAD (khoảng 1.233 USD)/tháng đối với sinh viên có người phụ thuộc hoặc bị tàn tật.
Các chương trình này không chỉ đảm bảo để các sinh viên có được sự hỗ trợ tài chính, mà còn đem đến cho sinh viên nhiều cơ hội và kinh nghiệm việc làm.
Thủ tướng Trudeau khẳng định, tương lai của nền kinh tế cũng như của đất nước Canada phụ thuộc vào những cơ hội và sự hỗ trợ mà chính phủ dành cho sinh viên ngày hôm nay.
Để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi bền vững, Canada cần một lực lượng lao động vững mạnh và cơ hội việc làm tốt cho giới trẻ.
Trước đó, Thủ tướng Trudeau đã công bố mở rộng Chương trình Việc làm Mùa Hè để ứng phó với những tác động tiêu cực do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra.
Trong khuôn khổ của chương trình đã được điều chỉnh, chủ doanh nghiệp có thể nhận được trợ cấp tương đương mức lương tối thiểu tại tỉnh bang của mình.
Chính phủ Canada ước tính biện pháp này có thể tạo được 70.000 việc làm cho người Canada trong độ tuổi 15-30.
Thủ tướng Trudeau cho biết, các chủ doanh nghiệp trong khuôn khổ của Chương trình Việc làm Mùa Hè sẽ được trợ cấp tới 100% chi phí để thuê sinh viên. Chương trình này sẽ mở rộng tới tháng 2/2021.
Chính phủ Canada khẳng định sẵn sàng có thêm hành động để bình ổn nền kinh tế và giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đối với người dân nước này.
Theo Global News, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Canada đã vượt mốc 40.000 tính đến ngày 22/4 (giờ địa phương), với hơn 1.900 trường hợp tử vong.
NAM SƠN (tổng hợp)