Cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Chín
Đối nội - Ngày đăng : 20:44, 24/04/2020
Sẽ không tiến hànhchất vấn tại Kỳ họp thứ Chín
Trình bày Báo cáo về một số vấn đề chuẩn bị Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi gửi văn bản xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về hình thức tiến hành Kỳ họp thứ Chín, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được phản hồi của 63 Đoàn, 19 đại biểu. Trong đó, đa số ý kiến (59/63 Đoàn) nhất trí việc tổ chức kỳ họp theo 2 đợt trực tuyến và tập trung. Tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị chuẩn bị tổ chức kỳ họp theo hình thức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung, tạo sự chủ động cho việc chuẩn bị kỳ họp. Theo đó, đợt 1 tiến hành 8ngày rưỡi,bắt đầu ngày 20.5 (khai mạc kỳ họp) và kết thúc sáng30.5; đợt 2 tiến hành 9 ngày bắt đầu ngày 10.6 và kết thúc ngày 19.6 (bế mạc kỳ họp), dự phòng ngày 20.6 (dự kiến trong khoảng ngày 22 đến 24.6.
Về nội dung Kỳ họp, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề nghị của Chính phủ, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến điều chỉnh nội dung kỳ họp như sau: Bổ sung 4 nội dung gồm dự án Luật Cư trú (sửa đổi); các dự thảo Nghị quyết về: phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA),phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA),việc gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức, 1957. Rút 5 nội dung gồm dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); chất vấn và trả lời chất vấn; Báo cáo về quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2019 (Chính phủ đề nghị chuyển sang kỳ họp thứ Mười); Báo cáo kết quả thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2017 (Chính phủ đề nghị chuyển sang năm 2021).
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo về một số vấn đề chuẩn bị Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV -Ảnh: Quang Khánh
Đối với 2 nội dung do Chính phủ đề nghị bổ sung (dự thảo Nghị quyết về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp), Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, sẽ thực hiện theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi xem xét các nội dung này.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Chín của Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Quốc hội được tiến hành nhanh chóng, toàn diện, khoa học, sát với tình hình thực tiễn và có tính dự báo trên cơ sở diễn biến tình hình dịch bệnh hiện nay. Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí cao với việc tổ chức kỳ họp theo 2 đợt trực tuyến và tập trung. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc áp dụng hình thức họp trực tuyến sẽ là một bước tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội, tiến tới Quốc hội điện tử; đồng thời, cũng là cách thức để Quốc hội có thể xem xét, quyết định kịp thời những vấn đề cấp thiết do thực tiễn đặt ra.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí, sẽ không tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp trên nghị trường tại Kỳ họp tới. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, Văn phòng Quốc hội cần trả lời rõ với các đại biểu Quốc hội về việccác đại biểu vẫn có thể gửi câu hỏi chất vấn bằng văn bản tới các thành viên Chính phủ.
Ảnh: Quang Khánh
Tiếp xúc cử tri phải bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch
Về tiếp xúc cử tri, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tùy tình hình dịch bệnh ở mỗi địa phương đề nghị tổ chức như sau: Các địa phương thuộc hai nhóm có nguy cơ và nguy cơ thấp có thể tổ chức tiếp xúc cử tri như thông lệ nhưng phải bảo đảm yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, nhất là giảm số lượng người và bảo đảm khoảng cách tiếp xúc. Tại các địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội thông báo đến cử tri về dự kiến chương trình kỳ họp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời, thông báo các kênh thông tin để cử tri phản ảnh ý kiến, kiến nghị gồm: địa chỉ, số điện thoại, email, cổng thông tin điện tử (nếu có), danh sách các báo, đài...; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức việc thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri; gửi báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị về Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, hiện nay, trước thời điểm tiến hành đợt 1 của Kỳ họp thứ Chín, mặc dù các Đoàn Đại biểu Quốc hội chưa triển khai tiếp xúc cử tri được nhưng có thể chủ động tiến hành tiếp nhận kiến nghị của cử tri qua thư điện tử, điện thoại và các hình thức khác. Các Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương cũng cần bố trí bộ phận trực và tiếp nhận kiến nghị của cử tri như bộ phận tiếp công dân thường xuyên, nhằm bảo đảm tiếp nhận đầy đủ kiến nghị của cử tri đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu-Ảnh: Quang Khánh
Bên cạnh đó, trước thời điểm đợt 2 là họp tập trung, đại biểu Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội có thể tiến hành tiếp xúc cử tri theo hình thức tiếp xúc giữa cá nhân đại biểu với cử tri và tiếp xúc cử tri theo nhóm nhỏ, nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và bảo đảm chấp hành đúng các quy định về biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay là không tổ chức các hội nghị lớn, không tập trung tụ tập đông người từ 20 người trở lên…
Nhằm bảo đảm thông tin đầy đủ về nội dung Kỳ họp thứ Chín tới, Trưởng ban Dân nguyện cũng đề nghị, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về nội dung của Kỳ họp thứ Chín tới trên báo chí và các kênh truyền thông đại chúng khác, nhằm đưa thông tin được đến với những cử tri ở vùng sâu, vùng xa.
Theo Daibieunhandan.vn