Ký ức ngày 30/4 lịch sử: Thủ đô rực rỡ cờ hoa trong ngày vui chiến thắng
Đối nội - Ngày đăng : 08:10, 27/04/2020
(BKTO) - 45 năm trôi qua, ký ức hào hùng về Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 thống nhất đất nước vẫn in đậm trong tâm trí mỗi người dân. May mắn được chứng kiến thời khắc mừng chiến thắng tại Thủ đô, khi đang là sinh viên trường tài chính, PGS,TS. Phan Duy Minh - nguyên Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - đã trải lòng với Báo Kiểm toán về những ký ức khó quên này.
Các văn nghệ sĩ của Thủ đô hòa cùng dòng người xuống đường hát vang bài ca chiến thắng.Ảnh tư liệu
Sân ga vỡ òa khi đón nhận tin chiến thắng
Dòng ký ức của ông Minh trở về với những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cả nước với bộn bề công việc. Lúc ấy (năm 1975), ông Minh đang là sinh viên của Trường Cán bộ Tài chính - Kế toán - Ngân hàng Trung ương (nay là Học viện Tài chính) tại Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc). Lúc này, Trường mới chuyển từ nơi sơ tán ở Lãng Công, Lập Thạch, Vĩnh Phú về để tránh máy bay Mỹ ném bom miền Bắc nên hầu như chưa có nhà cửa, phòng ốc. Lớp sinh viên hồi đó vì thế buộc phải tham gia nhiều đợt lao động kéo dài hằng tháng để xây dựng Trường. Công việc chính là san nền, lợp nhà và trát vách bằng rơm trộn với bùn cho các công trình nhà làm việc, nhà ở, hội trường, phòng học đến nhà bếp, nhà ăn… “Từ đầu năm 1975, sau nghỉ Tết Nguyên đán, chúng tôi học tập trung đến hết tháng Ba và tạm dừng để tham gia đợt lao động xây dựng Trường trong cả tháng Tư. Việc học tập sẽ được tiếp tục sau dịp nghỉ lễ ngày Quốc tế lao động 1/5. Trong đợt lao động này, do lớp chúng tôi làm tích cực, vượt khối lượng nên được nhà trường thưởng cho nghỉ sớm một ngày nhân dịp nghỉ lễ 1/5” - ông Minh nhớ lại.
Trong thời gian lao động tại Trường, ông và bạn bè vẫn thường xuyên dõi theo tình hình chiến sự miền Nam qua đài, báo, ti vi… Với những diễn biến thần tốc tại chiến trường miền Nam, khi chúng ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh tiến về giải phóng Sài Gòn (ngày 26/4/1975), bản thân ông đã có một dự cảm rất mãnh liệt rằng quân đội ta sẽ sớm chiến thắng, Sài Gòn được giải phóng sẽ là rất gần. Tuy nhiên, ông cũng không thể hình dung rằng, ngày miền Nam được giải phóng lại diễn ra trong thời khắc đặc biệt...
Ông kể, khoảng 9 - 10h sáng 30/4/1975, tôi cùng một nhóm bạn đi tàu từ Phúc Yên về Hà Nội. Chuyến tàu hôm ấy rất đông đúc. Người đứng ken chặt các toa, tràn ra cả hai đầu giáp nối toa và cửa lên xuống. Khoảng 12h30 trưa tàu mới về đến sân ga. Chúng tôi xuống tàu để ra cửa ga với tâm trạng khá lo lắng bởi một số bạn không có đủ tiền mua vé, thì bỗng nhiên trên loa truyền thanh ở sân ga vang lên: “Mời quý vị và các bạn nghe bản tin đặc biệt. 11h30 trưa nay, Quân giải phóng đã chiếm được Dinh Độc lập. Tổng thống ngụy Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng…”. Sân ga đang ồn ào, nhộn nhịp, bỗng nhiên mọi người như bất động giây lát, rồi vỡ òa trong niềm vui khôn tả. Mọi người nhảy lên hò reo. Có người hô to: “Hoan hô, Sài Gòn giải phóng!”, rất nhiều người khóc vì sung sướng trước tin đại thắng.
Ông hóm hỉnh kể tiếp: “Trong lúc tất cả mọi người còn đang hoan hỷ, chúng tôi chợt nhớ phải ra cửa soát vé… Nhân viên soát vé hôm nay cũng khác hẳn, ai nấy đều rạng rỡ, ôm nhau sung sướng sau tin chiến thắng. Mấy bạn không đủ tiền mua vé cũng được nhân viên soát vé cho ra, nên niềm vui như được nhân lên...”.
Hà Nội đỏ cờ hoa
Rời tàu, ông Minh tiếp tục hòa mình vào không khí chiến thắng nơi Thủ đô Hà Nội. Ông kể: “Tôi ra khỏi ga, đi bộ về Cửa Nam, dự định đón xe buýt đi Hà Đông để về thăm nhà chị gái ở khu Mễ Trì. Vừa đến bến chờ thì tàu điện Cầu Giấy - Bờ Hồ ghé vào điểm dừng, thế là một người bạn đi cùng đã kéo tôi nhảy lên tàu điện ra Bờ Hồ. Lúc này đường Hàng Bông, Hàng Gai chưa đông người lắm nhưng ấn tượng ngợp hai bên đường là những dải màu đỏ, vàng xen lẫn xanh của cờ đỏ sao vàng - cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam - được các nhà đồng loạt treo lên. Thỉnh thoảng, tiếng pháo vang lên inh ỏi ở một vài con ngõ khiến chúng tôi thêm hứng khởi.
Vừa đến Bờ Hồ, từng hàng dài xe đạp từ các ngả bắt đầu đổ về đây. Trên tay mỗi người cầm sẵn những lá cờ đỏ sao vàng, cờ xanh đỏ nhỏ bằng giấy vừa đi vừa vẫy hân hoan, nét mặt rạng rỡ. Ai cũng hồ hởi, phấn khởi bắt tay nhau như những người thân thiết! Cứ thế, tôi bị cuốn theo dòng người đi đúng một vòng Bờ Hồ và khi lên xe buýt đi Hà Đông, đồng hồ đã điểm gần 5h chiều...”.
Ông bảo, trong niềm vui chung của đất nước, ông tìm thấy niềm vui của bản thân, dù là rất nhỏ song luôn được ông trân trọng và nhớ mãi đến nay. Ấy là khi lên xe buýt, ông đang lúng túng vì không còn tiền để trả vé xe, thì lúc này người phụ xe tiến đến gần chỗ ông đứng. Ông ấp úng, rồi mạnh dạn xin người phụ xe cho đi nhờ vì hết tiền. Thật bất ngờ, người phụ xe đã tươi cười và đồng ý cho ông đi nhờ. Hành trình trên xe cũng đọng lại trong tâm trí người sinh viên trẻ nhiều ấn tượng. Ông nhớ lại: “Chiếc xe buýt to, dài, hiệu Karosa của Tiệp Khắc đi khá chậm vì đường ken kín người đổ ra mừng chiến thắng. Đến đâu tôi cũng thấy hai bên đường rực rỡ cờ hoa và tiếng pháo nổ, cùng với rất nhiều biểu ngữ được căng lên, nổi bật là “Hoan hô miền Nam toàn thắng!”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!”… Đặc biệt, từ các loa phát thanh văng vẳng một bài hát rất mới, với đoạn điệp khúc: “Việt Nam, Hồ Chí Minh! Việt Nam, Hồ Chí Minh!”… Sau ông mới biết, đó là bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” được Nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác trước đó ít ngày và vừa được phát trên đài sau Bản tin chiến thắng đầy đủ lúc 5h chiều ngày 30/4.
Đến buổi tối, ông tiếp tục được chứng kiến từng lớp người vòng trong, vòng ngoài vây quanh chiếc ti vi đen trắng để theo dõi tin chiến thắng. “Trên màn hình, Bản tin chiến thắng được minh họa chủ yếu bằng sa bàn, bản đồ và một số hình ảnh giải phóng Buôn Mê Thuột, Huế, Đà Nẵng… Còn những bức ảnh chụp về giải phóng Sài Gòn thì nghe nói chưa kịp gửi ra để phát sóng” - ông nhớ lại.
Ngay sau chương trình Bản tin, bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” tiếp tục được phát đi phát lại nhiều lần. Ông bảo, những ngày sau đó, không khí hân hoan mừng chiến thắng và giai điệu bài hát vang lên khắp nơi, từ trong nhà, ra phố, từ người lớn, cho đến trẻ nhỏ đều hát. “Điều ngạc nhiên là đứa cháu gái tầm 3 tuổi, con anh chị tôi cũng hát, mà hát rất rõ lời và đúng nhạc. Thật hiếm có thời khắc lịch sử nào mà ý nghĩa đến vậy!” - ông kể lại với sự say mê, như đang ở đúng vào thời khắc lịch sử năm ấy.
Với PGS,TS. Phan Duy Minh, không khí hân hoan đón mừng chiến thắng lịch sử của những ngày tháng Tư lịch sử đã trở thành một phần ký ức không thể nào quên trong ông và ông luôn trân trọng. Đây cũng là động lực đã thôi thúc ông phấn đấu, nỗ lực cống hiến cho đất nước, cho ngành KTNN. Ở tuổi ngoại lục tuần, tuy đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn miệt mài lao động, cống hiến cho công tác khoa học, cho sự phát triển của Ngành thông qua việc nghiên cứu, tham gia các hội thảo, diễn đàn khoa học, cũng như chỉ dẫn, bồi dưỡng lòng yêu ngành nghề, yêu đất nước cho thế hệ trẻ của KTNN.
NGUYỄN LỘC (ghi)