Vọng vang dư âm chiến thắng

Xã hội - Ngày đăng : 08:25, 27/04/2020

(BKTO) - Đồi A1 - nơi ghi dấu trận đánh ác liệt nhất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của hơn 65 năm về trước - đã có không biết bao chiến sĩ quân đội ta đã ngã xuống, để đổi lại độc lập, tự do cho mảnh đất Điện Biên. Trong ký ức của những cựu chiến binh - những người từng viết nên lịch sử - chiến thắng ấy vẫn còn vang mãi trong tâm tưởng và vọng về tới hôm nay.


Đào hầm ngầm, công phá đồi A1 “bất khả xâm phạm”

Trong hệ thống phòng thủ của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954, đồi A1 là cứ điểm quan trọng bậc nhất, là cánh cửa then chốt che chở cho khu trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nằm trong dãy phòng ngự phía Đông, A1 được xác định là mục tiêu của đợt tấn công thứ 2 của quân ta bắt đầu vào 18h30 ngày 30/3/1954. Được thực dân Pháp trang bị kỹ lưỡng từ hệ thống phòng thủ và lực lượng chiếm đóng nên A1 là một bài toán khó với quân ta. Thế trận ở hai đầu chiến tuyến luôn giằng co vô cùng khốc liệt, ta và địch luôn ở tình thế mỗi bên chiếm một nửa cứ điểm.

Sau khi phân tích, đánh giá, quân đội ta nhận thấy khó khăn lớn nhất tại A1 là ta chưa nghiên cứu kỹ trận địa, không phát hiện được tại đây địch có một hầm ngầm vô cùng kiên cố nên không dự kiến cách giải quyết. Ngay lập tức, phương án đào một đường hầm từ vị trí của ta đến hầm ngầm của địch để đặt bộc phá được triển khai. Đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung - Đội trưởng công binh cốt cán, với bề dày thành tích trong công tác phá đá, mở đường - cùng với 25 chiến sĩ của đơn vị được giao nhiệm vụ quan trọng này.

Suốt 39 ngày đêm chiến đấu kiên cường, sau khi đào xong đường hầm, đặt và điểm hỏa bộc phá gần 1.000 kg trên đỉnh đồi, ta mới tiêu diệt được lực lượng địch đóng tại đây và chiếm được cứ điểm này.

Gợi lại ký ức về những ngày mở đường hầm sang A1, cựu chiến binh Nguyễn Phú Xuyên Khung kể lại trong hồi ký rằng, sau khi chọn vị trí cửa hầm, ông và đồng đội bắt đầu đào ngày 20/4. Đất đồi A1 rất rắn, cứng, ngay việc đào cửa hầm ta mất ba đêm và đã có những chiến sĩ đổ máu vì đạn địch. “Chúng tôi đào hầm đặt bộc phá khoảng 14 ngày. Càng vào trong càng thiếu khí, vì không có đối lưu; phía trên địch nổ pháo, mình ở trong inh tai như có tiếng chuông, chưa kể tiếng súng trường, súng máy... Đến ngày 05/5, khi đào được khoảng 38m thì có lệnh đặt bộc phá để đánh” - ông Khung kể lại trong hồi ký.

Đúng 20h30 ngày 06/5, khối bộc phá đặt sẵn do đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung, Nguyễn Điệt và Nguyễn Bạch điểm hỏa. Một tiếng nổ trầm phát ra từ phía A1. Khối bộc phá tiêu diệt được một đại đội địch và làm nhiều lính Pháp bị thương. Ta đã tạo ra được một lợi thế trên tuyến ngang đồi, tạo thời cơ cho các chiến sĩ Trung đoàn 174 tiến đánh chiếm hầm chỉ huy cứ điểm. Cuộc chiến kéo dài thêm 3 giờ đồng hồ nữa, trước khi địch có những hành động tiếp theo lúc trời sáng, ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm A1.

Trong ký ức của cựu chiến binh Vũ Đình Hòa, khi ấy là Tiểu đoàn trưởng d249, e174, f316, trước khi bộc phá phát nổ, anh em đều lo lắng, vì nếu bộc phá không nổ thì phải tính đến phương án khác. “Bộc phá có nổ, nhưng không đúng tâm điểm, cách hàng rào 1m, nhưng lô cốt sập xuống làm sụp hàng rào, nên chúng tôi không phải phá hàng rào. Như vậy là vẫn theo phương án đã định sẵn. Đại đội 317 của Vũ Thế Châu là chủ công lập tức tiến vào cứ điểm” - cựu chiến binh Vũ Đình Hòa nhớ lại.

Còn theo ghi chép của cựu chiến binh Trần Quý, khi đó là Tiểu đội trưởng bộc phá, c674, d251, e174, f316: “Sau khi bộc phá phát nổ, Tiểu đội tôi đi thứ ba trong đội hình, mỗi người mang theo một quả bộc phá 10 - 15kg. Tuy là đội bộc phá cối nhưng tôi phân công cho Luận mang thêm cả một bộc phá ống để phòng hàng rào chưa mở hết, mình vào gặp thì phá nốt... Địch làm một loạt tiểu liên, tôi bị mảnh đạn chui vào mũi làm gãy răng, gãy xương má phải, tối tăm mặt mũi nhưng vẫn còn tỉnh. Tôi rút nụ xòe và vứt bộc phá vào, rồi gục bất tỉnh”.

Âm vang chiến thắng

Tiếng nổ của khối bộc phá trên đồi A1 được chọn làm hiệu lệnh tiến công chung cho toàn mặt trận. Trận đánh này có ý nghĩa quyết định cho số phận của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vì chỉ sau đó hơn 12 giờ đồng hồ, ta đã buộc tướng De Castries và toàn bộ tham mưu của chúng phải đầu hàng ngay tại hầm chỉ huy kiên cố mà chúng vẫn tự hào là “bất khả xâm phạm”.

Ông Lưu Trọng Lân - cán bộ tham mưu d383, e367 (pháo cao xạ), f351 - nhớ lại: “Ngày 07/5, tôi được cử đi tìm trận địa mới, đến chân đồi A1 thì nhìn thấy hai tên đại úy Đồn trưởng Đồn chỉ huy A1 bị bộ đội ta bắt sống giải xuống cùng mấy tên khác. Đến chiều, lũ lượt quân địch kéo ra từ các hang, tay vẫy cờ trắng”.

Ông Lê Kim - Trưởng ban Tuyên huấn e36, f308 - thì xúc động kể: “Chiều 07/5, thấy Tây lũ lượt hàng, chúng tôi sung sướng quá, không thiết ăn gì cả. Trời Điện Biên Phủ mấy hôm trước mưa liên miên, đúng chiều 07/5 nắng đẹp”. Ông mừng, vì Tây Bắc đã được giải phóng và cơ hội ông được đoàn tụ với gia đình, với người vợ mới cưới đã phải chia tay đang đến gần.

Những khẩu súng câm lặng, những cánh tay giơ cao, những mẩu vải dù thay cho cờ trắng, ngày 07/5, khi bóng tối bắt đầu bao phủ chiến trường, hàng nghìn lính Pháp buông súng và ra hàng. Đạo diễn Liên Xô Roman Karmen đã ghi lại hình ảnh hàng đoàn dài tù binh trong một đoạn phim dàn dựng lại vài hôm sau ngày chiến thắng. Bộ phim được công chiếu đã phô bày cho thế giới thấy rõ số phận của những kẻ xâm lược hiếu chiến sẽ phải đón nhận thất bại; còn một dân tộc yêu chuộng hòa bình tất yếu giành chiến thắng, dù nỗi đau, nỗi mất mát để lại sau chiến tranh là quá lớn.

Chiến tranh đã lùi xa, nhiều cựu chiến binh tham gia chiến trường xưa, có người nay đã thành “thiên cổ”, có người tiếp tục tham gia sản xuất, vui vầy bên gia đình. Nhưng cũng có người lại chọn công việc thầm lặng và tiếp tục cống hiến theo cách riêng của mình. Hơn 65 năm trước, theo tiếng gọi Tổ quốc, ông Mai Văn Sinh trở thành chiến sĩ Điện Biên, thuộc Đại đội 820 - lực lượng bộ đội địa phương, có nhiệm vụ phối hợp với Sư đoàn 304 tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hơn nửa thế kỷ sau, ông gắn bó với mảnh đất chiến trường xưa với công việc dọn rác và thắp hương trên đồi A1, trò truyện cùng đồng đội. Ông tự nhận làm công việc này, vì nghĩa tình đồng đội, vì trách nhiệm với cộng đồng mà mỗi người khi mang trên mình danh hiệu chiến sĩ Điện Biên đều coi đây là việc cần làm.

ĐÌNH NGỌC