Quản lý đầu tư công và vốn vay ưu đãi ngày càng hiệu quả

Đối nội - Ngày đăng : 08:40, 27/04/2020

(BKTO) - Việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 19/6/2017 của Chính phủ về ban hành “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững” đã tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác quản lý đầu tư công, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài... Điều này được thể hiện rõ trên khía cạnh hoàn thiện thể chế chính sách và kết quả thực tế đạt được.



Thể chế quản lý vốn ODA và vốn vay ưu đãi không ngừng được hoàn thiện. Ảnh: V.Hoàng

Khắc phục nhiều bất cậptrong đầu tư công

Nhằm thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thông qua hoàn thiện thể chế về đầu tư công, Luật Đầu tư công đã được ban hành, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Đây được coi là một bước đột phá trong quá trình hoàn thiện thể chế về đầu tư công. Luật đã phân cấp triệt để quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, vừa đảm bảo thẩm quyền của các cơ quan, vừa tăng tính chủ động, phù hợp điều kiện thực tế của mỗi cơ quan T.Ư, địa phương, tăng cường trách nhiệm của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư trong việc quyết định, tổ chức thực hiện và phát huy hiệu quả đầu tư. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025.

Nhờ có hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, cùng với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ, ngành và địa phương, công tác quản lý vốn đầu tư nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 được kiểm soát chặt chẽ. Số dự án khởi công mới giảm mạnh, nguồn vốn NSNN được tập trung cho các dự án chuyển tiếp, đang triển khai dở dang theo đúng quy định, ưu tiên bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia, các mục tiêu xóa đói giảm nghèo...

Theo thống kê, tổng số dự án của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 khoảng 9.620 dự án (không bao gồm các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia), bằng khoảng 50% số dự án so với giai đoạn trước. Trong đó, số dự án đã hoàn thành giai đoạn trước tiếp tục được cân đối vốn để quyết toán là 1.798 dự án; dự án hoàn thành tính đến hết kế hoạch năm 2019 là 7.354 dự án, bằng 76,4% tổng số dự án đã được giao kế hoạch trung hạn. Số dự án chuyển tiếp, có thời gian hoàn thành sau giai đoạn 2016-2020 là 412 dự án, bằng 4,3% tổng số dự án đã được giao kế hoạch trung hạn. Số dự án thuộc nhóm A trở lên là 276 dự án, bằng 2,9% tổng số dự án.

Đáng chú ý, số dự án khởi công mới bố trí kế hoạch năm sau giảm so với năm trước, cụ thể: năm 2016 là 938 dự án; năm 2017 là 2 dự án; năm 2018 là 783 dự án và năm 2019 là 662 dự án. Số vốn bố trí bình quân cho một dự án kế hoạch năm sau cao hơn năm trước, năm 2019 tăng 36,3% so với năm 2016. Tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả được khắc phục. Việc bố trí vốn cho các dự án khởi công mới đã được rà soát chặt chẽ. Các dự án khởi công mới phải được thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trước khi ra quyết định đầu tư. Tỷ lệ vốn bố trí trong kế hoạch hằng năm trên tổng mức đầu tư cho các dự án khởi công mới phải bảo đảm để dự án hoàn thành đúng tiến độ quy định. Việc bố trí vốn đã ưu tiên cho các dự án đã hoàn thành hoặc hoàn thành trong kỳ kế hoạch để sớm đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả, nợ đọng xây dựng cơ bản đã được xử lý triệt để.

Nâng cao hiệu quả nguồn vốn ODAvà vốn vay ưu đãi

Cùng với những quy định mới liên quan đến đầu tư công, thể chế về quản lý vốn ODA và vốn vay ưu đãi cũng không ngừng được hoàn thiện. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện Nghị định số 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 132/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP. Trong các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Chính phủ cũng đề cập cụ thể đến các quy định liên quan đến ODA và vốn vay ưu đãi đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý cho tổ chức, triển khai thực hiện. Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2021-2025 để định hướng cho công tác thu hút và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong bối cảnh mới.

Theo đó, công tác huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã bám sát các mục tiêu, nguyên tắc và các lĩnh vực ưu tiên đề ra, đảm bảo các chỉ số nợ công, nợ chính phủ và mức bội chi NSNN trong giới hạn cho phép. Việt Nam tiếp cận được nguồn kỹ thuật và tài chính quan trọng mà nguồn vốn trong nước chưa thể đảm đương trong điều kiện hiện nay, là một kênh quan trọng để chuyển giao tri thức, đổi mới, sáng tạo, các kinh nghiệm tốt của quốc tế. Từ đó, Việt Nam có các cải cách quan trọng, nhất là trong các lĩnh vực phát triển xã hội như: y tế, giáo dục, giao thông nông thôn, làm đòn bẩy, chất xúc tác huy động các nguồn vốn khác, đặc biệt là các nguồn lực trong nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năng lực hấp thụ viện trợ nước ngoài của chúng ta còn hạn chế. Nhiều dự án vốn vay nước ngoài phải gia hạn, kéo dài thời gian thực hiện, chậm phát huy hiệu quả. Giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài chậm và đạt thấp so với kế hoạch, dẫn đến phải kéo dài thời gian thực hiện, gia hạn dự án, làm giảm hiệu quả, tăng chi phí trả nợ.

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 16/2016/NĐ-CP và Nghị định số 132/2018/NĐ-CP để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA thông qua cải tiến, đơn giản hóa quy trình thủ tục tiếp nhận, sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và phù hợp với Luật Đầu tư công. Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc thực hiện các quy định về định hướng thu hút, quản lý nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, cũng như các giải pháp đẩy mạnh quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

PHÚC KHANG