Một số giải pháp nâng cao chất lượng kiểm tra, đối chiếu thuế
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:15, 27/04/2020
(BKTO) - Năm 2019, KTNN khu vực V đã thực hiện 4 cuộc kiểm toán ngân sách địa phương các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ; kiểm tra, đối chiếu nghĩa vụ thuế đối với 79 DN, qua đó đưa ra các kiến nghị tăng thu, giảm lỗ xác đáng. Để hoàn thành nhiệm vụ này, đơn vị đã phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.
KTNN khu vực V đề xuất nhiều giải pháp nâng cao chất lượng kiểm tra, đối chiếu thuế.Ảnh: Thành Tùng
Kiểm tra, đối chiếu thuế còn nhiều khó khăn
Hiện nay, quy trình quản lý thuế đã đơn giản hóa hơn rất nhiều so với trước đây. Các báo cáo, tờ khai mà DN phải nộp cho cơ quan thuế chủ yếu là thông tin tổng hợp để kiểm toán viên (KTV) đánh giá tình hình tài chính, hiệu quả kinh doanh, chỉ tiêu tổng hợp xác định số thuế phải nộp; không có nhiều thông tin giúp phân tích, đánh giá rủi ro, phát hiện sai phạm trong khai thuế của DN. Cơ quan thuế hay KTV không thể yêu cầu DN cung cấp thêm thông tin khi không có quyết định thanh tra, kiểm tra thuế hoặc chưa được cho phép kiểm tra, đối chiếu thuế.
Bên cạnh đó, nếu cuộc kiểm toán ngân sách địa phương thực hiện trước ngày 31/3 thì các DN cũng chưa gửi báo cáo tài chính cho cơ quan thuế, điều này khiến việc phân tích thông tin gặp thêm nhiều khó khăn. Vì vậy, việc lựa chọn DN để kiểm tra, đối chiếu thuế chủ yếu dựa vào quy mô tài chính và ngành nghề thường có nhiều khả năng xảy ra sai sót trong khai thuế như: lĩnh vực đất đai, xây dựng.
Mặt khác, cơ quan thuế cung cấp danh sách DN đôi khi không kịp thời; có trường hợp cung cấp danh sách thiếu tên nhiều DN, thiếu ngành nghề, ảnh hưởng đến việc chọn mẫu đối tượng để yêu cầu cung cấp hồ sơ.
Khi kiểm tra, đối chiếu thuế, KTNN khu vực V đã gửi Công văn cho UBND tỉnh (đối với cục thuế) hoặc UBND huyện (đối với chi cục thuế) đề nghị phối hợp, đôn đốc DN. Tuy nhiên, một số DN vẫn chây ỳ, thiếu hợp tác trong quá trình cung cấp hồ sơ, chứng từ để đối chiếu thuế như: cố tình cung cấp hồ sơ chậm hoặc không đầy đủ, không cử nhân viên đến làm việc.
Hiện nay, số lượng DN trên địa bàn kiểm toán của KTNN khu vực V ít (nhất là ở huyện), các DN có quy mô nhỏ và vừa chiếm đa số. Những DN lớn, có nhiều rủi ro cao trong kê khai thuế hầu như đã được cơ quan thuế kiểm tra, thanh tra thường xuyên. Vì vậy, các DN do đơn vị chọn đối chiếu ít có quy mô lớn, chủ yếu là DN nhỏ và vừa.
Thời gian kiểm toán tại huyện thường khoảng 10 ngày. Trong vòng 1 - 2 ngày, tổ kiểm toán phải lập, hoàn thiện kế hoạch kiểm tra, đối chiếu thuế để gửi lãnh đạo đoàn kiểm toán và lãnh đạo đơn vị xét duyệt. Các công việc này khá gấp rút, ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra, đối chiếu thuế. Thời gian kiểm tra, đối chiếu thường không lâu (mỗi DN thực hiện khoảng 2 ngày) nên KTV chỉ đối chiếu nghĩa vụ thuế 1 năm đối với 2 sắc thuế chính là thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN. Một vấn đề nữa là KTV khó yêu cầu DN mang toàn bộ chứng từ hoặc cung cấp chứng từ nhiều lần. Do đó, nội dung đối chiếu chỉ tập trung vào một số khoản doanh thu, chi phí mà DN có thể cung cấp chứng từ nhanh chóng.
Quy định của KTNN là phải có tối thiểu 2 KTV thực hiện đối chiếu với 1 DN. Tuy nhiên, thực tế chỉ có 1 KTV thực hiện đối chiếu, KTV còn lại làm nhiệm vụ giám sát (thường là tổ trưởng tổ kiểm toán), không tham gia nghiên cứu, phân tích, kiểm tra, đối chiếu số liệu khai thuế. Do đó, các vi phạm có khả năng còn bị bỏ sót, việc kiểm tra, đối chiếu chưa thể đi sâu vào nhiều nội dung.
Khắc phục khó khăn, vướng mắc trong kiểm tra, đối chiếu thuế
Để khắc phục các khó khăn, vướng mắc trên, KTNN khu vực V đề xuất các giải pháp sau:
Lãnh đạo KTNN cho phép tổ kiểm toán được đối chiếu tại trụ sở DN, nhất là tại các DN có quy mô lớn để khắc phục việc DN không cung cấp hoặc cung cấp hồ sơ không đầy đủ, không giải trình theo yêu cầu; giúp KTV có thể tiếp cận được nhiều loại chứng từ, từ đó có thể kiểm tra, đối chiếu nhiều nội dung hơn, thu thập đầy đủ bằng chứng hơn cho các kiến nghị kiểm toán, tránh khiếu nại từ đơn vị được đối chiếu.
KTNN xây dựng tiêu chí đánh giá, lựa chọn các DN đưa vào diện đối chiếu thuế và có giải pháp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các DN trong suốt quá trình hoạt động để làm căn cứ lựa chọn DN đối chiếu thuế; trang bị phần mềm hỗ trợ phân tích đánh giá, rủi ro báo cáo tài chính DN nhằm giúp KTV có cơ sở đánh giá ban đầu để lựa chọn DN đối chiếu có trọng tâm.
Từ ngày 01/7/2020, khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN có hiệu lực, KTNN cần xử phạt theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với các DN không hợp tác, cung cấp hồ sơ, chứng từ theo yêu cầu để kiểm tra, đối chiếu thuế.
Khi chọn DN đối chiếu thuế, ngoài phân tích số liệu, thông tin từ hồ sơ khai thuế của DN do cơ quan thuế cung cấp, KTV cần tham khảo thêm kết quả kiểm tra thuế (các năm trước), kết quả phân loại rủi ro trong khai thuế của cơ quan thuế để có nhận định sát hơn về khả năng có sai phạm, thiếu sót của DN trong kê khai thuế.
Việc kiểm tra, đối chiếu thuế cần mở rộng thêm niên độ, không giới hạn trong niên độ là năm ngân sách được kiểm toán; các KTV được phân công phải cùng tham gia việc kiểm tra, đối chiếu; tăng cường sự phối hợp với nhau trong việc lựa chọn nội dung phân tích, đối chiếu, nhận định để tăng khả năng phát hiện sai phạm, hạn chế việc bỏ sót nội dung trọng yếu.
Tổ kiểm toán cần kiểm tra danh sách DN do cơ quan thuế cung cấp để đảm bảo việc cơ quan thuế cung cấp đầy đủ danh sách DN đang quản lý thuế.
KTNN khu vực V cần trao đổi kinh nghiệm phân tích, phán đoán khả năng có sai sót của DN trong nội bộ cũng như học hỏi kinh nghiệm của các KTNN khu vực khác; cử công chức làm nhiệm vụ kiểm toán thu tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về công tác kiểm toán thuế do KTNN tổ chức nhằm nâng cao kỹ năng phân tích đánh giá báo cáo tài chính DN, hồ sơ khai thuế.
LÊ ĐỨC DƯƠNG
KTNN khu vực V