Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến cộng đồng doanh nghiệp

Đầu tư - Ngày đăng : 09:50, 27/04/2020

(BKTO) - Những tác động, ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 đến cộng đồng DN đã được lượng hóa bằng những con số cụ thể, như: mức gia tăng thấp của số DN thành lập mới, việc giảm sút về số vốn bổ sung hoặc cam kết đưa vào kinh doanh, quy mô DN và sự gia tăng mạnh mẽ của số DN ngừng hoạt động trong ngắn hạn. Thực tế đòi hỏi cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hỗ trợ DN trụ vững trong khó khăn.



Các DN gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN

Doanh nghiệp chịuảnh hưởng nặng nề

Với những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và tác động cộng hưởng từ những yếu tố khác, số lượng DN thành lập mới có xu hướng chững lại, tỷ lệ gia tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2020, cả nước có 29.700 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 351.400 tỷ đồng, tuy tăng 4,4% về số DN thành lập mới nhưng lại giảm 6,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả số vốn đăng ký tăng thêm của các DN là 552.419 tỷ đồng (giảm 23,5%), tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong quý I đạt khoảng 903.788 tỷ đồng, giảm 17,7%. Tổng lượng vốn đăng ký tăng thêm của các DN đang hoạt động giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước cho thấy tâm lý của các nhà đầu tư và chủ DN đã bị ảnh hưởng lớn bởi tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19, DN đang e ngại trong việc đầu tư thêm vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong quý I/2020 là 243.711 lao động, giảm 23,3%. Số DN quay trở lại hoạt động là 14.800 DN, giảm 1,6%, trong khi tỷ lệ này của cùng kỳ năm 2019 tăng đến 78,1%. Đây là điều đáng lo ngại.

Tình hình DN rút khỏi thị trường cũng thể hiện rõ xu hướng của DN hiện nay, đó là tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, “đóng băng” hoặc đưa DN vào tình trạng “ngủ đông” để xem xét tình hình tiến triển của dịch bệnh, rồi quyết định tiếp tục kinh doanh hay đóng cửa DN, chưa đóng cửa DN hoàn toàn ở thời điểm này. Điều này thể hiện ở sự gia tăng mạnh về số DN tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn và giảm về số DN giải thể, chờ giải thể. Trong quý I, có gần 34.900 DN rút lui khỏi thị trường (tăng 2% so với cùng kỳ năm trước).

Trong đó, một số lĩnh vực mà các DN đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ DN tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất là: kinh doanh bất động sản; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; dịch vụ việc làm, du lịch; dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải kho bãi; giáo dục và đào tạo. Có 11/17 ngành kinh doanh chính có số lượng DN giải thể tăng. Các lĩnh vực có tỷ lệ DN giải thể tăng cao là y tế và hoạt động trợ giúp xã hội với tỷ lệ tăng cao nhất, lên tới 94,4%. Tiếp đến là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, giáo dục và đào tạo với tỷ lệ tăng lần lượt là 69% và 43,9%.

Khó khăn còn đangở phía trước

Dịch Covid-19 đang diễn biến rất nhanh, khó dự báo thời điểm đỉnh dịch và thời điểm kết thúc, ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực. DN đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. Các DN ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh... Các chuyên gia cho rằng, cần phải có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và DN để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Theo nhận định của TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quyết tâm của Thủ tướng và Chính phủ rất cao, các giải pháp đã đưa ra khá đồng bộ. Nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương rất đáng được trân trọng, nhưng kết quả còn chưa được như mong muốn. Trong bối cảnh hiện nay, bảo vệ DN là bảo vệ nền kinh tế. Không ai có thể biết được bao giờ dịch bệnh sẽ qua đi. Khi thế giới còn chưa hết dịch thì Việt Nam chưa thể an toàn. Vậy thì phải chuẩn bị một tâm thế “sống chung với dịch” và thực hiện “kinh doanh an toàn”.

Đại diện cho cộng đồng DN, Chủ tịch VCCI kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần ban hành ngay danh mục các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu và các sản phẩm dịch vụ có liên quan trong cả chuỗi giá trị để có phương án chủ động bảo đảm sản xuất, cung ứng các mặt hàng này được thông suốt, phục vụ đời sống nhân dân và các yêu cầu của xã hội, ngay cả trong trường hợp phải siết chặt thêm các biện pháp cách ly hay phong tỏa.

Cho rằng các giải pháp hỗ trợ DN mà Chính phủ đã ban hành và chuẩn bị ban hành là phù hợp cả về mức độ bao phủ và liều lượng nhưng ông Vũ Tiến Lộc đề xuất, các giải pháp phải được tổ chức thực hiện quyết liệt và khẩn trương. Mục tiêu của gói giải pháp hiện nay là “trợ giúp” cho DN, vì vậy, phải xoay quanh các biện pháp giúp DN hạ giá thành, bán được hàng, cải thiện khả năng thanh khoản, để có thể duy trì sản xuất, cầm cự hay ít nhất là bảo toàn được trong trạng thái “ngủ đông”. Hai công cụ quan trọng nhất của Chính phủ vẫn là chính sách tài khóa và chính sách tín dụng về lao động tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… Khi dịch bệnh kéo dài hơn, khả năng thanh toán của phần lớn các DN bị đe dọa, nguy cơ đóng cửa, giải thể tăng lên thì các biện pháp “giải cứu” phải được triển khai. Lúc đó, trọng tâm chính sách là nới lỏng hơn các chính sách tài khóa tiền tệ, đồng thời tăng cường đầu tư và chi tiêu của Nhà nước, thậm chí, Nhà nước có thể mua lại nợ của các tập đoàn, DN lớn để tránh đổ vỡ dây chuyền.

Các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa là đối tượng dễ bị tổn thương, do đó phải là đối tượng ưu tiên xuyên suốt của chính sách hỗ trợ. Tất nhiên, bất kể tình hình dịch bệnh diễn biến thế nào thì một bộ phận lớn DN sẽ phải đóng cửa, giải thể, rút lui khỏi thị trường. Đó là sự sàng lọc tự nhiên và khắc nghiệt nhưng buộc phải chấp nhận. Vì vậy, định hướng chính sách cũng cần lưu ý tập trung hỗ trợ cho các DN có tiềm năng, đang gặp khó khăn tạm thời do dịch bệnh - ông Lộc lưu ý.

H.THOAN