Cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng

Đối nội - Ngày đăng : 16:50, 28/04/2020

(BKTO) - Cho rằng hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 còn chưa đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần nhắc kỹ, rà soát lại dự thảo Nghị quyết, xem xét sửa theo hai phương án. Một là, sửa Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1/11/2016 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng và có Nghị quyết riêng về chính quyền đô thị. Hai là, có một Nghị quyết tổng thể cho TP Đà Nẵng.


Tiếp tục Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 24/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành Phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Chỉ quy định một số cơ chế, chính sách thực sự cần thiết

Theo Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, Nghị quyết được xây dựng trên các quan điểm chỉ đạo, nguyên tắc là: Bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 và tính hệ thống của pháp luật; phù hợp với Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia k‎ý kết.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết chỉ quy định một số cơ chế, chính sách phù hợp, thực sự cần thiết đối với yêu cầu phát triển của thành phố Đà Nẵng thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành; thực hiện việc phân cấp mạnh hơn nhưng gắn với trách nhiệm của chính quyền Thành phố trong một số lĩnh vực: quy hoạch; huy động vốn đầu tư; tài chính - ngân sách; hỗ trợ phát triển khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền thành phố Đà Nẵng, đồng thời bảo đảm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp của Thành phố và các cơ quan liên quan. Việc thí điểm ban hành các chính sách mới phải được đồng thuận của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm sự ổn định và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, không ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Đà Nẵng phải phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của địa phương và đặt trong mối tương quan hợp lý với các thành phố lớn khác trong cả nước, đồng thời, bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước, trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước giải quyết các thách thức, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.
Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Quang Khánh
Không đặt ra vấn đề đất đai

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về quan điểm, nguyên tắc ban hành Nghị quyết và nhấn mạnh, chỉ ban hành chính sách thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù trong một giai đoạn nhất định để có thời gian tiến hành tổng kết, đánh giá hiệu quả của chính sách, bảo đảm phù hợp, thống nhất với cơ chế, chính sách đặc thù của một số thành phố lớn do Quốc hội quyết định. Không gây ảnh hưởng lớn đến cân đối và vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương theo quy định của Hiến pháp năm 2013; không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định.

Đặc biệt, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý, việc thí điểm ban hành các chính sách mới phải được đồng thuận của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm sự ổn định tương đối và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Đồng thời, góp phần tăng mức độ đóng góp của Thành phố đến sự phát triển của cả nước nói chung.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để Đà Nẵng có thêm cơ hội huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, xứng đáng hơn nữa là đầu tàu, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội miền Trung - Tây Nguyên, có sức thu hút và lan tỏa lớn ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách chung của cả nước như mục tiêu tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đã Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, tên gọi của dự thảo Nghị quyết chưa phù hợp với các nội dung được quy định trong dự thảo, vì nội dung dự thảo quy định 2 nhóm chính sách lớn về thực hiện cơ chế chính sách trên các lĩnh vực quản lý về quy hoạch, huy động vốn đầu tư, tài chính, ngân sách, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển và thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Bên cạnh đó, Tờ trình của Chính phủ là quy định về thí điểm một số cơ chế, chính sách, song dự thảo Nghị quyết lại không quy định thí điểm. Việc ấn định mốc thời gian thực hiện “đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là chưa phù hợp với tính chất thí điểm cũng như tính quy phạm của văn bản. Do vậy, đề nghị đổi tên gọi của dự thảo Nghị quyết là “Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù và tổ chức mô hình chính quyền đô thị để phát triển thành phố Đà Nẵng” và sửa lại nội dung của Điều 1 cho phù hợp với tên gọi của Nghị quyết.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo Nghị quyết. Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ rà soát lại toàn bộ Tờ trình: tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết. Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội cần thiết phải trình ra để bảo đảm tính chất đặc thù cho Đà Nẵng; Tuy nhiên, lưu ý không đặt ra vấn đề đất đai, cân nhắc bổ sung quy định tăng thu nhập cho cán bộ. Về quy hoạch, nếu Đà Nẵng được ủy quyền quyết định khi điều chỉnh quy hoạch, không phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, vậy thì các tỉnh, thành phố khác như thế nào? Tỷ lệ huy động vốn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý; còn tỷ lệ điều tiết thì phải trình ra Quốc hội quyết định.

Về thí điểm chính quyền địa phương, Chính phủ đề nghị không tổ chức HĐND ở cấp phường, quận. Một số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thực hiện chính quyền một cấp ở Đà Nẵng, thì Chính phủ cũng phải rà soát lại. Chính phủ hoàn thiện hồ sơ dự thảo trước ngày 10/5 tới. Nếu như chỉ có vấn đề chính quyền đô thị, thì giao Ủy ban Pháp luật là cơ quan chủ trì thẩm tra; nếu chủ yếu là vấn đề tài chính sẽ giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Chín tới (có thể xem xét, thông qua tại một kỳ họp). Hai phương án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra đối với Chính phủ, gồm: Một là, sửa Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1/11/2016 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng và có Nghị quyết riêng về chính quyền đô thị hoặc. Hai là, có một Nghị quyết tổng thể cho TP Đà Nẵng. Với hồ sơ hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa thể quyết định, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 5 tới sẽ cho ý kiến tiếp về chủ trương này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Theodaibieunhandan.vn