Bế mạc Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Đối nội - Ngày đăng : 19:25, 28/04/2020
(BKTO) - Chiều 28/4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 44 sau 6 ngày làm việc tập trung, trách nhiệm, hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, các nội dung trong Chương trình Phiên họp thứ 44 đều đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng và xem xét thận trọng trước khi quyết định. Cho biết, kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 4 ngày, sau đó ngày 8/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp Phiên thứ 45, cho ý kiến tất cả những nội dung còn lại sẽ trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín tới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tất cả những nội dung trình ra Quốc hội phải hoàn thiện sớm, bảo đảm đúng theo quy định gửi các Đoàn Đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, với sự vào cuộc quyết liệt, đoàn kết, đồng lòng, chung sức của hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, đến thời điểm này, công cuộc chống dịch Covid - 19 của nước ta đã đạt nhiều kết quả rất đáng tự hào. Cho rằng giai đoạn nguy hiểm nhất của dịch bệnh đã từng bước qua, song Chủ tịch Quốc hội đề nghị, không được chủ quan để việc tái lây nhiễm lại, nhất là lây nhiễm trong cộng đồng rất nguy hiểm. Vì thế, không được lơ là, cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch để hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bệnh lây lan, nhất là dịp nghỉ lễ. Lưu ý việc tuyên bố việc nới lỏng giãn cách xã hội trước dịp nghỉ lễ có thể rất dễ chủ quan, nhất là nếu nhân dân đi lễ hội, du lịch trong dịp này mà không có biện pháp phòng, chống dịch như thời gian vừa qua sẽ dễ bị tái nhiễm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để bảo vệ thành quả đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, dù đã qua giai đoạn nguy hiểm nhất, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức Kỳ họp thứ Chín tới thành 2 đợt, kết hợp họp trực tuyến một nửa và một nửa tập trung về hội trường nếu tình hình tốt dần lên như hiện nay. Cụ thể, Phương án 1 là khoảng 8-9 ngày đầu tiên họp trực tuyến, 9 ngày sau họp tập trung. Nếu trường hợp bị lây lan, tái diễn việc bị nhiễm bệnh thì phương án 2 là sẽ họp trực tuyến suốt kỳ họp.
Ảnh: Quang Khánh
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phải tiếp tục nỗ lực, chủ động hơn nữa triển khai những nhiệm vụ được phân công, tiếp tục nới lỏng giãn cách nhưng không nới lỏng công việc, nhất là những công việc phải gấp rút làm để kịp trình ra Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan khẩn trương, tích cực, chủ động phối hợp chuẩn bị phục vụ cho một kỳ họp rất đặc biệt. Ngày 6/5 tới, giữa Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có một phiên họp thường kỳ để rà soát lại, chuẩn bị những nội dung trình ra Quốc hội.Không bảo lưu bất kỳ nội dung nào của Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA
Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA).
Trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước Đào Việt Trung cho biết, ngày 30/6/2019, tại Hà Nội, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam cùng với Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Rumani (đại diện Chủ tịch Liên minh châu Âu) và Cao ủy thương mại Liên minh châu Âu (EU) đã ký Hiệp định EVFTA.
Theo đó, Hiệp định EVFTA gồm 17 Chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung điều chỉnh nhiều vấn đề, bao gồm: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế.
Với mức độ cam kết đạt được, EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU; đồng thời, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trình bày Thuyết minh về Hiệp định EVFTA. Ảnh: Quang Khánh
Trình bày Thuyết minh về Hiệp định EVFTA, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết công việc làm cho người lao động. Riêng thu ngân sách nhà nước có thể sẽ được cải thiện và tăng trong trung hạn và dài hạn. Bên cạnh các tác động chung tới các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế (các chỉ số kinh tế vĩ mô), Hiệp định có các tác động khác nhau đối với các ngành do mức độ mở cửa, lợi thế cạnh tranh, năng lực của từng ngành là khác nhau. Ngoài ra, tác động gián tiếp thông qua sức ép cải cách thể chế cũng sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế.Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đã và đang ảnh hưởng mạnh đến tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu của không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới, việc Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi mang ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế trong và sau giai đoạn dịch bệnh. Từ phía doanh nghiệp, EVFTA còn được khẳng định là cứu cánh mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng trong giai đoạn khó khăn này.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Ảnh: Quang Khánh
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu rõ, các đại biểu nhất trí đánh giá việc tổ chức đàm phán và ký kết Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU là phù hợp với chủ trương, đường lối hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước và tán thành sự cần thiết sớm phê chuẩn Hiệp định này. Đồng thời, nhấn mạnh việc Việt Nam ký và phê chuẩn Hiệp định với EU vào thời điểm này là phù hợp và đúng thời điểm, tiếp tục tạo đà cho việc hội nhập kinh tế quốc tế và hồi phục sự phát triển kinh tế trong nước sau đại dịch Covid-19.
Về trình tự, thủ tục đề nghị phê chuẩn Hiệp định EVFTA đúng với quy định tại Khoản 14, Điều 70, Khoản 6 Điều 88 Hiến pháp năm 2013; Điều 18, Điều 78 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và các quy định khác trong Luật Điều ước quốc tế năm 2016. Hồ sơ kèm theo Tờ trình của Chủ tịch Nước trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA bảo đảm theo quy định tại Điều 31 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 về hồ sơ trình phê chuẩn điều ước quốc tế.
Trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Hiệp định EVIPA, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước Đào Việt Trung cho biết, Hiệp định EVIPA, được ký kết ngày 30.6.2019 tại Hà Nội, sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU. Hiệp định có 4 Chương, 92 Điều và 13 Phụ lục, gồm các quy định về bảo hộ đầu tư, giải quyết tranh chấp đầu tư và những vấn đề cụ thể có liên quan.
Trình bày Thuyết minh về Hiệp định EVIPA, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Chương I của Hiệp định quy định về mục tiêu và các khái niệm sử dụng trong Hiệp định. Chương II quy định về phạm vi điều chỉnh của Hiệp định và cam kết của mỗi Bên về bảo hộ đầu tư đối với nhà đầu tư đã có hoạt động đầu tư hợp pháp trên lãnh thổ của Bên kia. Chương này không quy định quyền tiếp cận thị trường của nhà đầu tư trong giai đoạn chấp thuận đầu tư vì đã được điều chỉnh tại Hiệp định EVFTA. Chương III quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp trong quá trình thực thi Hiệp định. Chương IV quy định về cơ chế tổ chức thực thi Hiệp định. Chương này cũng quy định về các biện pháp ngoại lệ mà mỗi Bên có thể áp dụng mà không bị coi là vi phạm Hiệp định.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Thuyết minh về Hiệp định EVIPA.Ảnh: Quang Khánh
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ việc phê chuẩn Hiệp định EVIPA, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu rõ, có ý kiến cho rằng Quốc hội cần phối hợp, hỗ trợ thúc đẩy Nghị viện các nước thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng của công tác đối ngoại Quốc hội trong thời gian tới.Có ý kiến cho rằng việc Việt Nam phê chuẩn Hiệp định EVIPA trong khi việc phê chuẩn của các nước thành viên EU có thể kéo dài. Do vậy, cần tập trung phối hợp, có những giải pháp thúc đẩy các nước phê chuẩn để đưa Hiệp định sớm phát huy tác dụng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Ngoại giao báo cáo: Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA) ký kết trước đây cũng tuân thủ trình tự, thủ tục tương tự EVIPA . Ngoài ra, cần khẳng định lại một Bên tham gia Hiệp định EVIPA là bản thân EU và các nước thành viên EU, trong đó Nghị viện Châu Âu đã thông qua Hiệp định vào ngày 12/2/2020.
Về trình tự, thủ tục đề nghị phê chuẩn Hiệp định EVIPA đã tuân thủ quy định tại Khoản 14, Điều 70; Khoản 6, Điều 88 Hiến pháp năm 2013; Điều 18, Điều 78 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và các quy định khác có liên quan tại Luật Điều ước quốc tế năm 2016.
Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Quốc hội cần sớm thông qua phê chuẩn hai Hiệp định EVFTA và EVIPA nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh trong nước, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời, cho rằng, các quy định của 2 Hiệp định không có quy định trái với Hiến pháp năm 2013, cơ bản phù hợp với pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, qua rà soát, phân tích các nội dung của Hiệp định, như Hiệp định EVFTA cần đưa vào Luật Công đoàn (sửa đổi) nhằm bảo đảm tính đồng bộ với Bộ Luật Lao động về tổ chức đại diện.
Ủy ban Thường vụ cũng thống nhất với kiến nghị của Chính phủ sẽ không bảo lưu bất kỳ nội dung nào của 2 Hiệp định.
Theodaibieunhandan.vn