Đảm bảo quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân

Xã hội - Ngày đăng : 10:05, 25/06/2015

(BKTO) - Lần đầu tiêntrình Quốc hội cho ý kiến, tại kỳ họp thứ 9, Dự án Luật Trưng cầu ý dân (TCYD)là nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước.Tại phiên thảo luận chiều ngày 23/6, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, đónggóp ý kiến với mục tiêu Luật phải đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và phát huy đượcquyền dân chủ trực tiếp của người dân.



Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) góp ý vào Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân. Ảnh: PHƯƠNG HOA
Đề cao vị thế của nhân dân

Bày tỏ sự nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật TCYD, đa số ý kiến của các đại Quốc hội cho rằng, việc ban hành Luật ở thời điểm hiện nay là phù hợp, nhằm kịp thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, thể hiện quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.

Với tinh thần đó, nhiều đại biểu cho rằng, vị thế, vai trò của người dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong dự luật này. Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM), việc Quốc hội ban hành Luật TCYD là một bước đi quan trọng để phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân, góp phần thực thi Hiến pháp, đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống. Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Tâm đề nghị, quan điểm trọng dân, tin dân phải được quán triệt xuyên suốt trong quá trình xây dựng luật này. Luật phải thể hiện niềm tin của Quốc hội vào nhân dân, lắng nghe ý kiến của người dân thì mọi người sẽ quan tâm, tham gia nhiều hơn đối với những vấn đề quan trọng của đất nước. Khẳng định trách nhiệm của người dân thì người dân sẽ có ý thức nâng cao trách nhiệm của mình.

Với quan điểm đề cao quyền lực của nhân dân, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) băn khoăn, Dự thảo Luật TCYD chưa thể hiện việc coi trọng vị thế, vai trò của nhân dân - người làm chủ xã hội. “Quy định trong Dự thảo Luật, người dân không có quyền gì khác ngoài đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu với tư cách là một cử tri. Người dân không có quyền trình bày nguyện vọng của mình để trưng cầu ý dân đến cơ quan đại diện quyền lực cho mình, mặc dù có thể nguyện vọng ấy là hoàn toàn chính đáng” - Đại biểu Niễn nhấn mạnh.

Cũng theo đánh giá của đại biểu Niễn, Dự thảo Luật không cho thấy cơ chế nào quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục tập hợp ý kiến của nhân dân về nội dung và mục đích TCYD. Sự công khai, minh bạch trong vấn đề này cũng không được đề cập. Do đó, đại biểu đề xuất, cần bổ sung những điều luật để người dân có quyền cơ bản như: đưa ra sáng kiến về nội dung và phạm vi trưng cầu ý dân; giám sát việc tập hợp ý kiến nguyện vọng của nhân dân một cách công khai, minh bạch… Đồng thời cần quy định rõ nguyên tắc, điều kiện cần thiết, quy trình, thủ tục, các bước tập hợp ý kiến nguyện vọng của nhân dân.

Cũng với quan điểm trên, Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đề nghị, Dự thảo Luật cần thể hiện rõ sự tham gia của cử tri và người dân đối với quá trình tổ chức TCYD. Phải có quy định về cơ chế và hoạt động giám sát của nhân dân đối với TCYD…

Kết quả TCYD có giá trị quyết định

Khẳng định vai trò của người dân trong việc TCYD, liên quan đến quy định về hiệu lực, kết quả TCYD, tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu thống nhất với quy định trong Dự thảo Luật: Kết quả TCYD có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra TCYD, Ủy ban Thường Vụ Quốc hội có thẩm quyền công bố kết quả TCYD.

Theo phân tích của đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh), khi Quốc hội đã quyết định đưa vấn đề ra TCYD thì kết quả là thể hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân nên nó có giá trị mang tính hiến định và mọi chủ thể đều phải tôn trọng. Cơ quanN nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân có nghĩa vụ tôn trọng kết quả TCYD và thực hiện theo quy định của pháp luật.

Đồng tình với quy định về hiệu lực TCYD, đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long), đề nghị Dự thảo Luật cần thiết kế thêm một chế định là Quốc hội có Nghị quyết và quy định rõ ai sẽ là chủ thể thực hiện ý dân đã trưng cầu và thời gian thực hiện như thế nào để đảm bảo hiệu quả thực hiện kết quả TCYD.

Theo dự kiến, Dự thảo Luật TCYD sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Những ý kiến thảo luận, đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận là cơ sở quan trọng để Ban soạn thảo xem xét kỹ lưỡng và hoàn thiện Dự thảo Luật nhằm đảm bảo mục tiêu xây dựng Luật mà nhân dân đang kỳ vọng.
NGUYỄN HỒNG