Châu Âu- đòi hỏi những kế hoạch hỗ trợ kinh tế khổng lồ

Đối ngoại - Ngày đăng : 19:11, 29/04/2020

(BKTO)- Châu Âu hiện là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Từ những tác động to lớn của các biện pháp phong tỏa, cách ly xã hội và phải dồn trọng tâm chi tiêu cho hệ thống y tế, "bóng ma" suy thoái đang bao trùm khắp châu lục và đòi hỏi những kế hoạch hỗ trợ quy mô khổng lồ để phục hồi kinh tế.


                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: Sưu tầm

   

Kích hoạt gói tài chính khổng lồ

Theo Ủy viên phụ trách chính sách công nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) Thierry Breton: nền kinh tế của khối sẽ suy giảm khoảng 5-10% trong năm 2020 do đại dịch, đồng thời cảnh báo kịch bản suy thoái còn tồi tệ hơn nếu dịch tái bùng phát. Trong một khảo sát của Reuters, tăng trưởng kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 2020 được dự báo sẽ giảm 5,4% - năm tồi tệ nhất kể từ khi ra mắt vào năm 1999. Thậm chí, dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) còn tồi tệ hơn: Giảm 7,5%.

Do đó, các chính phủ châu Âu đã đưa ra các biện pháp cấp bách hỗ trợ DN và người lao động. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết: tại Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến ngày 23/4, các nhà lãnh đạo EU đã thông qua gói tài chính trị giá 540 tỷ euro để hỗ trợ ngay lập tức cho các nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đồng thời kêu gọi kích hoạt gói hỗ trợ này trước ngày 1/6 tới.

Cụ thể, việc hỗ trợ các nước thành viên tập trung vào 3 trụ cột: Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) lập quỹ 200 tỷ euro hỗ trợ DN; Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) mở khoản tín dụng 240 tỷ euro cung cấp cho các nước yêu cầu hỗ trợ nhằm trang trải chi phí liên quan đến đại dịch; EC hỗ trợ 100 tỷ euro cho Chương trình lao động ngắn hạn (SURE) nhằm giảm tình trạng thất nghiệp. Trong khi ESM chỉ dành riêng cho các quốc gia trong khu vực Eurozone thì tất cả các thành viên EU đều có thể tiếp cận EIB và SURE. Như vậy, tổng giá trị các biện pháp mà EU và các nước trong khối đưa ra nhằm ứng phó với dịch bệnh ước tính lên tới 3.500 tỷ euro.

Đặc biệt, sau cuộc họp thượng đỉnh kéo dài 4 tiếng, các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận về một ngân sách chung lớn hơn cho giai đoạn 2021-2027, trong đó nhất trí xây dựng quỹ khẩn cấp 1.000 tỷ euro giúp chấn hưng nền kinh tế sau đại dịch, dù nội dung chi tiết vẫn chưa được thống nhất và cần tiếp tục thảo luận.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, hiện sự khác biệt chính giữa các chính phủ là việc quỹ hỗ trợ nên chuyển tiền trợ cấp hay dưới dạng các khoản vay. Ông chủ Điện Elysee lo ngại các khoản vay sẽ gây tác dụng ngược bởi một số thành viên EU vốn đã phải chật vật xoay xở với các món nợ lớn trước khi dịch bệnh bùng phát. Italia và Tây Ban Nha hiện có số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 thuộc nhóm cao hàng đầu thế giới và cũng là hai nước đang gánh khối nợ khổng lồ với tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lần lượt là 130% và 100%.

Lãnh đạo Italia và Tây Ban Nha bày tỏ hy vọng quỹ khẩn cấp sẽ cung cấp các khoản tài trợ để ngăn nền kinh tế sụp đổ kéo theo mối đe dọa tới thị trường nội khối. Trong khi đó, các quốc gia khác như Áo, Hà Lan lại mong muốn các biện pháp hỗ trợ được thực hiện dưới dạng các khoản vay.

Phát biểu với báo giới, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhận định: ngân sách EU trong những năm tiếp theo cần thích ứng với hoàn cảnh mới, tạo đà cho các khoản hỗ trợ và đầu tư cần thiết trên toàn châu lục với quy mô lên tới hàng nghìn tỷ euro. Các biện pháp này cũng nhằm bảo đảm tính toàn vẹn và gắn kết, thịnh vượng của thị trường chung, thể hiện sự đoàn kết nội khối, vì lợi ích của cả liên minh trong bối cảnh hệ lụy của cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn dai dẳng.

Tốc độ hồi phục giữa các quốc gia sẽ không đều

Theo giới phân tích, tùy vào mức độ ảnh hưởng đến nền kinh tế, biện pháp chống dịch của từng nước mà đà phục hồi kinh tế của các quốc gia trong khu vực châu Âu sẽ có sự khác nhau rõ rệt.

Trong một báo cáo nghiên cứu mới công bố ngày 27/4, ngân hàng Morgan Stanley dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức - nền kinh tế lớn của khu vực Bắc Âu trong quý cuối cùng của năm 2021 dự kiến sẽ thấp hơn 2,5% so với cùng kỳ năm 2019. Nhưng trong cùng giai đoạn, GDP của hai đại diện từ Nam Âu là Italy và Tây Ban Nha dự kiến sẽ thấp hơn lần lượt là 9,2% và 7,7%. Morgan Stanley cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp Đức sẽ đạt mức trung bình 3,5% trong năm tới, còn tỷ lệ thất nghiệp của Italy là 13% và Tây Ban Nha là 17%.

Nhìn chung nước Đức - cường quốc công nghiệp của khu vực Bắc Âu - sẽ phục hồi sau dịch Covid-19 tốt hơn các quốc gia Nam Âu cùng khối. Giới quan sát nhận định một trong những lý do cho sự khác biệt trong tốc độ phục hồi này là Đức không đóng cửa nhà máy nhiều như tại Italy và Tây Ban Nha.

Theo cuộc điều tra do Viện nghiên cứu kinh tế Ifo thực hiện tuần trước, trong khi việc đóng cửa nhà máy là chuyện bình thường tại hai quốc gia Nam Âu trên, chỉ 1/5 các nhà chế tạo của Đức dừng hoạt động các nhà máy trong những tuần qua. Bên cạnh đó, các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội được bắt đầu sớm hơn ở Italy và Tây Ban Nha so với Đức, song chúng cũng dự kiến sẽ kéo dài hơn so với quốc gia Bắc Âu.

Việc Đức không có sự phụ thuộc lớn vào ngành du lịch, một trong những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covi-19, cũng giúp đảm bảo tốc độ hồi phục của nền kinh tế này. Số liệu từ Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới cho thấy du lịch đóng góp tới 13% vào GDP của Italy và 15% vào GDP của Tây Ban Nha, nhưng con số này của Đức chỉ là 9%.

Một yếu tố cần chú ý khác là các DN công nghiệp hạng trung - bộ phận hình thành nên “xương sống” của kinh tế Đức - đã xây dựng “bộ đệm” tài chính lớn trong suốt thập kỷ qua. Ngoài ra, các chi nhánh của họ tại Trung Quốc cũng giúp những DN này “bắt nhịp” lối sống với dịch Covid-19 nhanh hơn. Tuy nhiên, các nhà sản xuất Đức dựa khá nhiều vào thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu, do vậy ngành này có thể chịu áp lực trong nhiều tháng hoặc nhiều năm tới.

Ngành công nghiệp ôtô của Đức cũng phải đối mặt với những thách thức dài hạn, bao gồm sự gia tăng hiện diện của xe điện, nơi các nhà sản xuất và nhà cung cấp ôtô Đức tụt hậu so với các đối thủ như Tesla của Mỹ.
NAM SƠN(Tổng hợp)