Hướng dẫn kiểm toán việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 07:35, 02/05/2020

(BKTO) - Đó là chủ đề của Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở vừa được Hội đồng khoa học của KTNN đánh giá cao về tính ứng dụng trong thực tiễn kiểm toán tại buổi nghiệm thu. Đề tài do CN. Hoàng Kiên Nghị và ThS. Hồ Thị Trà (KTNN chuyên ngành III) đồng chủ nhiệm.



Ban Chủ nhiệm Đề tài

Ban Chủ nhiệm Đề tài cho biết, giai đoạn 2018 trở về trước, KTNN không tổ chức kiểm toán riêng Chuyên đề cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập. Song, các cuộc kiểm toán các Bộ, ngành trung ương và địa phương có nội dung đánh giá việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, trong đó có các trường đại học công lập. Năm 2019, KTNN đã tổ chức thực hiện kiểm toán Chuyên đề này trong toàn Ngành với sự tham gia của 2 KTNN chuyên ngành và 10 KTNN khu vực, trong đó, KTNN chuyên ngành III là đơn vị chủ trì. Qua kiểm toán, KTNN đã chỉ ra những bất cập trong việc thực hiện cơ chế tự chủ của các trường đại học công lập và đưa ra nhiều kiến nghị xác đáng giúp các trường hoàn thiện cơ chế tự chủ.


Để nâng cao chất lượng kiểm toán Chuyên đề này trong thời gian tới, Ban Chủ nhiệm Đề tài đã đưa ra Hướng dẫn kiểm toán việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập. Theo đó, KTNN chuyên ngành III là đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán chuyên đề và tổng hợp kết quả kiểm toán chuyên đề toàn Ngành. Các KTNN chuyên ngành kiểm toán Chuyên đề tại các Bộ, cơ quan Trung ương có các trường đại học công lập trực thuộc theo 1 trong 2 hình thức: tổ chức các đoàn kiểm toán độc lập; kiểm toán lồng ghép trong các cuộc kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các Bộ, cơ quan trung ương. Các KTNN khu vực tổ chức lồng ghép trong các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương, trong đó, tách riêng kết quả kiểm toán chuyên đề thành Phụ lục kèm theo báo cáo kiểm toán gửi KTNN chuyên ngành III.

Quang cảnh buổi nghiệm thu

Hướng dẫn kiểm toán đã nêu rất chi tiết về phương pháp, mục tiêu, trọng tâm, phạm vi kiểm toán cũng như việc đánh giá và xác định rủi ro có sai sót trọng yếu, nội dung và các thủ tục kiểm toán. Trong đó, trọng tâm kiểm toán là: tính hiệu lực, hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật trong việc quy định thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập; việc tổ chức thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP tại các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, trường đại học công lập kết hợp với việc thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ tại một số trường đại học công lập. Hướng dẫn cũng đưa ra trọng tâm kiểm toán cụ thể đối với từng nội dung tự chủ (thực hiện nhiệm vụ, tài chính, bộ máy, nhân sự).

Theo Ban Chủ nhiệm Đề tài, việc kiểm toán cơ chế tự chủ tại các trường đại học công lập cần được tổ chức thực hiện hiệu quả trên cơ sở chú trọng các giải pháp: bố trí nhân sự hợp lý; nâng cao chất lượng công tác khảo sát, đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ; xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu thông tin, hệ thống tiêu chí phân tích; tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các KTNN chuyên ngành, giữa KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực; hoàn thiện Đề cương hướng dẫn kiểm toán; đảm bảo các nguồn lực cần thiết phục vụ cuộc kiểm toán.

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên trong Hội đồng khoa học đánh giá cao tính cấp thiết, sự công phu, nghiêm túc, tính lý luận cũng như khả năng ứng dụng cao của Đề tài trong thực tiễn. Tuy nhiên, để Đề tài hoàn thiện hơn, nhóm tác giả cần nghiên cứu, sửa đổi một số vấn đề như: bổ sung những vấn đề lý luận về Hướng dẫn kiểm toán; giải pháp đề xuất cần sát hơn với các hạn chế đã nêu...

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá.

Tin và ảnh: HỒNG NHUNG