Thể chế hóa mạnh mẽ tinh thần Hiến pháp

Đối nội - Ngày đăng : 06:10, 02/07/2015

(BKTO)- Chiều ngày 26/6, kỳ họp thứ 9, Quốc hộikhóa XIII đã bế mạc, hoànthành chương trình đề ra về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọngcủa đất nước và giám sát tối cao.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri quận 1 TP. Hồ Chí Minh để thông báo kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII và tiếp thu những kiến nghị của cử tri Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri quận 1 TP. Hồ Chí Minh để thông báo kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII và tiếp thu những kiến nghị của cử tri.
Ảnh: TTXVN
Đặc biệt, việc cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp đã thể hiện đậm nét trong suốt kỳ họp. Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, kỳ họp thành công, đã để lại niềm tin, ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng bào, cử tri cả nước về một kỳ họp sôi động, dân chủ, đoàn kết, trí tuệ và đổi mới.

Xây dựng pháp luật theo tinh thần Hiến pháp là nội dung bao trùm

Khẳng định tầm quan trọng của kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, đây là thời điểm phù hợp để Quốc hội có những nhận định, đánh giá về tình hình đất nước những năm qua, kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ban hành luật pháp và quyết định các vấn đề quốc kế dân sinh quan trọng khác. Bằng trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của mình trước nhân dân, các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn đánh giá mặt được, chưa được, chỉ ra những yếu kém, tồn tại trong các ngành, lĩnh vực, dự báo nguy cơ tiềm ẩn cản trở sự phát triển, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc tiến hành xây đắp với quy mô lớn tại các bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, đe dọa cuộc sống yên bình của người dân và hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, nâng cao hiệu quả, chất lượng, sức cạnh tranh của kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng, thực hiện thành công tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình kinh tế; mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, kiên quyết đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Đặc biệt, tại kỳ họp này, công tác xây dựng pháp luật được xác định là một nội dung trọng tâm nhằm cụ thể hóa Hiến pháp. Với 3/4 thời gian của kỳ họp dành cho công tác lập pháp, Quốc hội đã xem xét, thông qua 11 dự án Luật, 9 Nghị quyết, trong đó có nhiều dự án Luật quan trọng như Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi), Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật An toàn vệ sinh lao động. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: về cơ bản Quốc hội đã hoàn thành việc xây dựng các đạo luật về tổ chức bộ máy Nhà nước và các tổ chức thuộc hệ thống chính trị theo Hiến pháp mới, với tinh thần tôn trọng Nhà nước pháp quyền, nền dân chủ nhân dân. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành sự quan tâm thích đáng để thảo luận, cho ý kiến đối với 15 dự án Luật khác, nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tư pháp theo quy định của Hiến pháp, định hướng cải cách tư pháp; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường...

Để các quyết định của Quốc hội được thực hiện nghiêm túc, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi, nhiệm vụ quyền hạn của mình tiếp tục triển khai toàn diện các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp mới, các Luật, Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này.

Tăng cường quản trị nền tài chính quốc gia

Trước tình hình thực thi, chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính quốc gia còn nhiều bất cập, tại kỳ họp này việc Quốc hội thông qua dự án Luật KTNN (sửa đổi) và Luật NSNN (sửa đổi) với nhiều sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp được kỳ vọng sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý, tăng cường quản trị nền tài chính quốc gia.

Với địa vị pháp lý đã được quy định trong Hiến pháp - KTNN là một cơ quan do Quốc hội thành lập, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công - Luật KTNN (sửa đổi) đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng ở đâu có tài chính, tài sản công đều phải được kiểm toán. Do đó, trách nhiệm, phạm vi hoạt động của KTNN được mở rộng, nâng cao; trách nhiệm thực thi các kiến nghị, kết luận của KTNN về các sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các cơ quan, đơn vị được kiểm toán được xác định cụ thể... Luật KTNN (sửa đổi) chính là cơ sở pháp lý quan trọng để KTNN thực hiện nhiệm vụ, thể hiện vai trò của mình, góp phần vào việc quản trị, minh bạch hóa nền tài chính quốc gia, đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước trong tình hình mới.

Tinh thần của Hiến pháp cũng được thể hiện đầy đủ trong Luật NSNN (sửa đổi). Theo đó, Luật NSNN (sửa đổi) quy định NSNN được quản lý thống nhất, tập trung dân chủ, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, công bằng; có phân công, phân cấp quản lý; gắn quyền hạn với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Toàn bộ các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán, tổng hợp đầy đủ vào NSNN. Các khoản thu ngân sách thực hiện theo quy định của các luật thuế và chế độ thu theo quy định của pháp luật. Các khoản chi ngân sách chỉ được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao và phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định. Với những quy định trên, khi Luật NSNN (sửa đổi) đi vào cuộc sống sẽ khắc phục một cách cơ bản những bất cập lớn trong quản lý, sử dụng ngân sách hiện nay.

ĐÌNH NGỌC