3 bước đối với điều hành kinh tế

Đối nội - Ngày đăng : 08:55, 06/05/2020

(BKTO) - Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020 diễn ra tối 05/5, trước câu hỏi của phóng viên về kịch bản phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã trả lời chi tiết về vấn đề này.


                
   

Thứ trưởng Trần Quốc Phương trả lời báo chí tại Họp báo - Ảnh: baodautu.vn

   

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì cùng các Bộ, ngành xây dựng kịch bản phục hồi nền kinh tế. Khi dịch Covid-19 xảy ra, Bộ đã chủ động, phối hợp cùng với các Bộ ngành, tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những định hướng, giải pháp. Cụ thể, Bộ đã kiến nghị 3 bước đối với điều hành nền kinh tế:

Bước thứ nhất, lúc Covid-19 đang diễn ra, ưu tiên chống dịch là chủ yếu, việc phát triển kinh tế lúc này là cầm cự và giảm thiểu tối đa các thiệt hại do dịch gây ra. “Khi chúng ta điều hành nền kinh tế trong trung và dài hạn, việc giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất cũng có nghĩa là tạo điều kiện cho phục hồi sau này nhanh và tốt hơn” - ông Phương cho hay.

Bước thứ hai, sau khi nguy cơ và tác động của dịch Covid-19 giảm đi nhiều như hiện nay nhờ sự chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống dịch và các Bộ, ngành, chúng ta sẽ phục hồi dần dần. Bộ cũng đã báo cáo và tham mưu Chính phủ sẽ mở lại dần các hoạt động kinh tế.

Đối với các mảng thị trường, trước tiên phục hồi trong nước; đối với thị trường nước ngoài, hiện nay, mặc dù Covid-19 ở nước ta có khả năng kết thúc sớm nhưng các nước trên thế giới vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, nền kinh tế nước ta chưa thể mở hoàn toàn mà vẫn phải kết hợp giữa phòng chống dịch với phát triển kinh tế.

Ông Phương lý giải: Ở đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng trạng thái bình thường mới, có nghĩa là xây dựng các kịch bản, chính sách phát triển kinh tế trong bối cảnh Covid-19 vẫn tồn tại, đặc biệt xung quanh nước ta. Chính vì vậy, mỗi chính sách đề ra cần phải kết hợp cả 2 mục tiêu là phòng chống dịch và phát triển kinh tế.

Chẳng hạn, chính sách đặc biệt trong ngành vận tải hàng không, nếu có chuyến bay quốc tế nào đó đến Việt Nam thì đây là vấn đề kinh tế, nhưng khi đến Việt Nam, khách trên chuyến bay đó sẽ phải thực hiện cách ly cũng như kiểm soát dịch bệnh, đó là mục tiêu phòng chống dịch bệnh. Như vậy, an toàn cho chúng ta nhưng có hạn chế là không nhộn nhịp và đông khách như trước. Bên cạnh đó, các giải pháp phòng chống ở trong nước, các quy định về giãn cách, cách ly cũng ảnh hưởng đến một số ngành, lĩnh vực có hoạt động tụ tập đông người hay phải tiếp xúc gần.

Bước thứ ba, sau này, khi tình hình dịch bệnh có sự chuyển biến tốt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có những quy định mới nhằm nới dần các yêu cầu về phòng chống dịch, lúc đó, các ngành sẽ mở lại hoạt động.

Tuy nhiên, ông Phương cũng lưu ý khâu thị trường, nhất là ngành dịch vụ, du lịch, nếu không có khách thì dẫu mở lại cũng chưa hoạt động được ngay, kéo theo một số ngành khác như: vận tải, lưu trú, ăn uống… phụ thuộc hoàn toàn vào khách.

Đối với thế giới hiện nay, nền kinh tế nào kết thúc dịch sớm nhất sẽ thành công. Do vậy, trong định hướng xây dựng kịch bản này, Bộ sẽ chú trọng nghiên cứu việc nắm bắt cơ hội để thúc đẩy kinh tế trong nước, tất nhiên, điều đó sẽ đòi hỏi thay đổi nhiều vào cơ cấu của nền kinh tế nói chung cũng như định hướng và cơ cấu của từng DN, sản phẩm để đón nhận cơ hội này.

Theo ông Phương, cơ hội này có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, đặc biệt các tập đoàn kinh tế lớn đang hết sức cân nhắc trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, trong đó, Đông Nam Á là một trong những địa bàn được tính đến đầu tiên và Việt Nam nằm trong số đó.

Tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng thông tin về Dự thảo Nghị quyết một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN do tác động của dịch Covid-19.

HỒNG NHUNG