Tăng trưởng tín dụng: “Lượng” phải gắn liền với “chất”
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 08:05, 02/07/2015
(BKTO) - Tăng trưởng tín dụng là điểm nhấn trong bức tranh tiềntệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm. Do đó, việc hoàn thành, thậm chívượt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 13% đến 15% vào cuối năm nay củangành Ngân hàng là “trong tầm tay”. Tuy nhiên, để tăng trưởng tín dụng thực sựkhởi sắc, yêu cầu đặt ra đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) trong những thángcuối năm 2015 là mở rộng tín dụng phải đi đôi với đảm bảo an toàn, chất lượng.
Tăng trưởng tín dụng đang có những chuyển biến tích cực và là tín hiệu vui đối với nền kinh tế. Ảnh: THANH HẢI
Nói tăng trưởng tín dụng là điểm nhấn trong bức tranh tiền tệ và hoạt động của ngân hàng 6 tháng đầu năm 2015 là bởi ngay từ quý I, tín dụng đã có mức tăng trưởng dương, thoát khỏi xu hướng tăng trưởng âm của cùng kỳ 3 năm trước và tiến gần hơn tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra.
Theo báo cáo của NHNN, đến ngày 18/6/2015, tín dụng đối với nền kinh tế tăng hơn 6% so với cuối năm 2014. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là 5 lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, dư nợ ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến ngày 30/6/2015 tăng 7,7% so với cuối năm 2014; với bốn lĩnh vực còn lại, 3 tháng đầu năm 2015, dư nợ cho vay trong công nghiệp ưu tiên phát triển tăng 0,2%, DN nhỏ và vừa tăng 1,9%, xuất khẩu tăng 3,9%, DN ứng dụng công nghệ cao tăng hơn 24% so với cuối năm 2014.
Ngoài ra, tính đến tháng 5/2015, dư nợ tín dụng ở lĩnh vực bất động sản cũng đã tăng 10,9%, chiếm tỷ trọng 8,3% toàn hệ thống, cao hơn so với mức 7,9% của cùng kỳ năm ngoái. Việc tín dụng “chảy” vào các dự án xây dựng thời gian qua đã góp phần tăng sức cầu, giải phóng hàng tồn kho trên thị trường bất động sản.
Số liệu trên cho thấy điều hành chính sách tín dụng của NHNN đã đi đúng hướng. Nhiều chính sách đã được ban hành trong 6 tháng qua giúp DN tiếp cận nguồn vốn và tạo đà tăng trưởng tín dụng. Điển hình là việc NHNN trình Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP (thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP). Theo đó, các tổ chức đầu mối (DN, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) tham gia mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được TCTD cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa lên đến 80% giá trị dự án, phương án sản xuất, kinh doanh.
Nghị định còn nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, chủ trang trại, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã... lên gấp 1,5 đến 2 lần so với quy định hiện nay; ưu tiên cho vay không có tài sản bảo đảm đối với một số lĩnh vực đặc thù, có nhu cầu vốn lớn cao hơn các lĩnh vực khác.
Với những chuyển biến tích cực của nền kinh tế, nhiều chuyên gia cho rằng, khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 13% đến 15% trong năm nay là khả thi, thậm chí nhiều ngân hàng được kỳ vọng sẽ vượt lên mức tăng trưởng này.
Tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo hài hòa các mục tiêu
Tăng trưởng tín dụng đang có những chuyển biến tích cực và là tín hiệu vui đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, để tín dụng thực sự khởi sắc, góp phần làm lành mạnh hệ thống ngân hàng, yêu cầu đặt ra đối với các TCTD là phải cân bằng 2 yếu tố “lượng” và “chất” khi mở rộng hoạt động cho vay. Nói như Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, chúng ta phải đảm bảo hài hòa các mục tiêu vừa tăng dư nợ tín dụng để tạo động lực phát triển kinh tế, vừa đảm bảo cho vay theo chuẩn và theo quy trình cũng như đảm bảo tính hiệu quả của tổng đầu tư xã hội. Do đó, các ngân hàng trong quá trình tìm kiếm khách hàng cần phải kiểm soát tốt rủi ro đạo đức và rủi ro nghiệp vụ.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cũng cho rằng: Tăng trưởng tín dụng một mặt phải đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, một mặt phải kiểm soát được nợ xấu trong ngưỡng cho phép. Nếu tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá thì dễ dẫn đến phát sinh nợ xấu sau này và làm ảnh hưởng tới hoạt động của toàn hệ thống.
Rõ ràng, đảm bảo tín dụng tăng đúng hướng là yêu cầu đặt ra đối với ngành Ngân hàng trong những tháng cuối năm 2015, nhất là việc kiểm soát rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản. Bài học về việc tín dụng chảy nhiều vào bất động sản dẫn đến nợ xấu tăng cao trong quá khứ vẫn còn đó. Vì vậy, dù đã có cơ chế bảo lãnh các dự án bất động sản để góp phần kiểm soát rủi ro tín dụng theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản (có hiệu lực từ ngày 01/7/2015) và Thông tư 07/2015/TT-NHNN, song các TCTD không nên chủ quan.
Ngay tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng đã nhấn mạnh: “Một trong những nhiệm vụ mà chúng ta phải quan tâm là kiểm soát việc tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, làm sao để tăng trưởng trong lĩnh vực này thực sự lành mạnh, không gây ra hiện tượng đầu cơ, từ đó không tạo nên áp lực lạm phát trong những năm tiếp theo”.
Quyết tâm điều hành các giải pháp khơi thông tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế mà NHNN đặt ra trong 6 tháng cuối năm 2015 còn được thể hiện rõ qua “tuyên bố” của Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Tăng trưởng tín dụng trong năm nay có thể đạt 17%, cao hơn mục tiêu đặt ra nhưng chỉ các TCTD quyết liệt trong xử lý nợ xấu mới được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
NGỌC MAI