Hậu quả nợ công từ Covid-19

Đối ngoại - Ngày đăng : 14:35, 11/05/2020

(BKTO)- Theo thống kê các nền kinh tế mới nổi đang sở hữu khối nợ hơn 8.400 tỷ USD bằng các loại ngoại tệ. Điều này đang dấy lên một hồi chuông cảnh báo về tình hình nợ công rất đáng lo ngại của các quốc gia này giữa những tác động khủng khiếp của "cơn bão" Covid-19 đến nền kinh tế toàn cầu.


                
   

Cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp năm 2009 - Nguồn: sưu tầm

   

Nguy cơ vỡ nợ với các quốc gia đang phát triển

Mối lo lắng về khả năng trả nợ tại các nền kinh tế đang phát triển không phải câu chuyện mới. Nhưng trong bối cảnh đại dịch, biến động giá dầu hợp lực giáng đòn xuống nền kinh tế, một số quốc gia ở vị thế tài chính yếu hơn đối diện rủi ro vỡ nợ gia tăng.

Đối với các nền kinh tế lớn, bất chấp các gói cứu trợ khổng lồ, suy thoái kinh tế vẫn là bài toán hóc búa chưa có lời giải. Chính vì vậy, phần còn lại của thế giới - những thị trường mới nổi thì tình hình trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều khi đa số các chính phủ thiếu các công cụ và nguồn lực cần thiết

Theo thống kê có ít nhất 102 quốc gia đã đề nghị các khoản vay tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong khi Viện Nghiên cứu tài chính quốc tế (IIF) đang điều phối nhiều cuộc thảo luận nhằm giảm nhẹ áp lực trả nợ cho các quốc gia nghèo nhất.

Các nền kinh tế mới nổi đang sở hữu khối nợ hơn 8.400 tỷ USD bằng các loại ngoại tệ, tương đương 30% GDP của khu vực này. Trong đó, ít nhất 730 tỷ USD nợ sẽ đến hạn trong năm nay. Điều này làm dấy lên lo ngại tình trạng vỡ nợ gia tăng, nhất là khi đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi đang yếu đi so với USD, quỹ dự trữ ngoại hối chịu hao tổn vì tình hình kinh tế xuống dốc, tăng trưởng kinh tế chậm lại trên toàn cầu, kết hợp cùng gánh nặng chăm sóc y tế thời đại dịch và giá dầu thấp.

Một số quốc gia như Argentina, Lebanon và Venezuela phần nào đã quen với bối cảnh khủng hoảng từ trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, tuy nhiên, đại dịch đã khiến ít nhất 15 quốc gia khác bước vào con đường này. Trong khi Ecuador vừa đạt được thỏa thuận hỗ trợ tạm thời từ các chủ nợ trái phiếu thì một số quốc gia khác, bao gồm Zambia, Suriname và Angola chứng kiến lãi suất trái phiếu bằng đồng USD vượt quá 1.000 điểm cơ bản so với trái phiếu Mỹ - ngưỡng được xem là tài sản ở trạng thái có nguy cơ vỡ nợ cao.

Hiện nay, hàng loạt nền kinh tế đang phát triển áp dụng chính sách đóng cửa biên giới, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động xuất khẩu, đe dọa nguồn thu thuế và dòng đầu tư nước ngoài, vốn là những tác nhân rất cần thiết đối với sự phục hồi kinh tế.

Quyết định tạm hoãn thanh toán nợ của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dù được hoan nghênh, song đã bỏ qua những tác động của sự đình trệ kinh tế kéo dài ở các quốc gia phụ thuộc nhiều vào dòng chảy thương mại toàn cầu và thị trường hàng hóa.

Các nước này cũng rất nhạy cảm trước bất kỳ sự gián đoạn dù là nhỏ nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với những lựa chọn hạn chế như vậy, để khôi phục nền kinh tế, nhiều quốc gia không còn giải pháp nào khác là phải vay nợ.

Argentina cũng đang nhiều khả năng trở thành quốc gia đầu tiên vỡ nợ vì tác động của đại dịch Covid-19 nếu không thể thanh toán cho chủ nợ khoản lãi 500 triệu USD trái phiếu kết thúc vào ngày 22/5 tới. Chưa kể đến, chính phủ nước này sẽ cần chạy đua với thời gian để thuyết phục các chủ nợ khác tái cơ cấu khoản nợ trị giá 65 tỷ USD trước ngày 8/5.

Argentina đã đề xuất hoãn thanh toán 3 năm, lùi ngày đáo hạn sang năm 2030 và giảm 62% thanh toán lãi. Hiện 3 trong số các chủ nợ đã từ chối đề xuất này. Theo giới chuyên gia thì khả năng lần thứ 3 vỡ nợ trong vòng 2 thập kỷ của quốc gia này là rất cao.

3 con đường giảm nợ

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trong số 66 thị trường mới nổi trên quy mô toàn cầu, chỉ có Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait và Morocco có sự dung hòa giữa nợ công và nợ nước ngoài thấp, bên cạnh nguồn dự trữ ngoại hối phù hợp. Trong khi đó, các quốc gia còn lại thì không sở hữu những yếu tố đó, khiến họ có nguy cơ không thể cân bằng giữa “thắt lưng buộc bụng” với kích thích kinh tế.

Trên thực tế, mức nợ gia tăng trên quy mô toàn cầu hiện nay từng xảy ra cách đây 75 năm, song các điều kiện phục hồi tại thời điểm đó là rất khác. Mặt khác, từ những bài học sau cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, thế giới đã nhận ra điều gì sẽ xảy ra khi các quốc gia tìm cách rút ngắn thời gian kiểm soát nợ.

Sự gián đoạn hiện tại đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, thương mại và thị trường hàng hóa đồng nghĩa các nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu trong khu vực phải chuẩn bị cho giai đoạn suy giảm kéo dài hoặc tăng trưởng chậm chạp. Các dự báo tăng trưởng trong tương lai dựa trên nhu cầu phục hồi nhanh chóng dường như đã không còn phù hợp khi thế giới dần trở nên thích nghi với tình trạng phong tỏa. Những tác động sẽ không xảy ra ngay tức thì, nhưng trong một thế giới hậu đại dịch, nhiều quốc gia có thể sẽ ưu tiên cho thương mại song phương hơn là đa phương.

Điều này sẽ làm hạn chế nghiêm trọng khả năng và nguồn lực của các chính phủ trong dài hạn, đặc biệt là ở các quốc gia nghèo, để có thể sẵn sàng hành động khi một đại dịch khác xảy ra hoặc khủng hoảng tài chính xuất hiện.

Trong bối cảnh đó, các chính phủ sẽ phải xem xét cẩn trọng giải pháp cân bằng ngân sách và kích thích nền kinh tế, để không lặp lại những sai lầm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008

Đưa ra những giải pháp cho các quốc gia có tỉ lệ nợ công cao, IMF khuyến nghị các nước cần phải giảm tỷ lệ nợ trên GDP để đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Và để giảm bớt gánh nặng về nợ công, các chính phủ phải lựa chọn 1 trong 3 con đường.

Thứ nhất, dùng thuế để trả lại số tiền đã vay. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa việc tăng thuế (sẽ khiến khá nhiều người khổ sở) và cắt giảm chi tiêu (điều cũng sẽ khiến nhiều người cảm thấy khó chịu). Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007-2009, khoản nợ của các nền kinh tế tiên tiến tăng thêm 1/3, nhiều quốc gia đã chọn giảm chi tiêu công như một phần của nền kinh tế. Giai đoạn 2010-2019, tỷ lệ chi tiêu công trên GDP của Mỹ và Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) đã giảm khoảng 3,5%, Anh giảm 6%. Trong khi đó, tỷ lệ thu thuế trên GDP tăng từ 1%-2%. Dường như rất ít có khả năng người dân muốn trả hết nợ do khủng hoảng của Covid-19 gây ra bằng cách quay trở lại thời kỳ “thắt lưng buộc bụng” như vậy.

Lựa chọn thứ hai là vỡ nợ hoặc tái cơ cấu các khoản nợ. Đây có thể là lựa chọn bắt buộc đối với các nền kinh tế mới nổi do không còn lối thoát nào khác. Nếu việc này xảy ra, số người chịu tác động sẽ ở mức đáng kể. Tuy nhiên, những điều như vậy ngày càng hiếm xảy ra ở các nền kinh tế phát triển.

Lựa chọn cuối cùng, các nước có thể chờ đợi, giãn nợ trong khi hy vọng rằng theo thời gian, số nợ này sẽ giảm so với nền kinh tế. Bí quyết để làm điều này là đảm bảo rằng mức kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế thực tế và lạm phát được duy trì ở mức cao hơn lãi suất mà chính phủ phải trả cho khoản nợ của mình. Điều đó cho phép tỷ lệ nợ trên GDP giảm theo thời gian.
NAM SƠN (Tổng hợp)