Cổ phần hóa DNNN: Phải quyết liệt hơn trong 6 tháng cuối năm
Đầu tư - Ngày đăng : 08:10, 02/07/2015
(BKTO) - Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2015 của Ban chỉ đạo đổi mới và pháttriển DN, khi đánh giá về tình hình cổ phần hóa (CPH), táicơ cấu DNNN 6 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban chỉđạo đổi mới và phát triển DN đã yêu cầuphải quyết liệt hơn trong công tác CPH DNNN bởi đến ngày 23/6 mới CPH được61/289 DN, đạt 21,1% kế hoạch năm.
PVN là một trong những DN thực hiện thoái vốn tốt trong 6 tháng đầu năm 2015. Ảnh: T.S
Trong 6 tháng qua đã thoái vốn được 7.522 tỷ đồng, thu về 11.161 tỷ đồng (bằng 1,48 lần giá trị sổ sách). Trong đó thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư) là 3.368 tỷ đồng, thu về 3.863 tỷ đồng, bằng 1,15 lần giá trị sổ sách, đạt 15% số vốn cần thoái. Phần còn lại thu được từ việc DN bán bớt phần vốn nhà nước tại các DNNN không cần nắm giữ là 4.153 tỷ đồng, thu về 3.863 tỷ đồng, bằng 1,76 lần giá trị sổ sách. Những đơn vị thoái vốn tốt là Viettel, Vinalines, SCIC, VNPT, EVN, Tập đoàn công nghiệp Cao su, PVN, tỉnh Bình Dương.
Nguyên nhân của việc CPH DNNN chậm là do Bộ, ngành, địa phương chưa tập trung cho việc ban hành cơ chế, chính sách theo đúng kế hoạch đề ra, chưa tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, đặc biệt là CPH, thoái vốn nhà nước. Hiện còn 7 dự thảo Nghị định, Quyết định và Đề án (chiếm 63% kế hoạch) liên quan đến CPH chưa được trình Chính phủ ban hành. Bên cạnh đó là nguyên nhân khách quan do khủng hoảng kinh tế thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước tác động đến thị trường tài chính, thị trường chứng khoán và việc bán cổ phần, thoái vốn. Cùng với đó, nhiều DN thuộc diện CPH có quy mô lớn và có nhiều tiềm lực tài chính nên cần thời gian để chuẩn bị, xử lý.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo cảnh báo: “Nếu không quyết liệt, tháo gỡ khó khăn cụ thể thì có khả năng không hoàn thành nhiệm vụ CPH DNNN. Nguyên nhân chủ quan vẫn là trách nhiệm của người đứng đầu khi chưa thực sự quan tâm, xắn tay vào tháo gỡ khó khăn. Trong cái khó chung, nhiều nơi đã làm tốt nhưng có nơi làm chưa tốt, chưa nghiêm. Tôi chưa thấy Bộ nào kỷ luật, xử lý cán bộ không thực hiện nhiệm vụ trên giao về CPH. Vì vậy, các Bộ, ngành, địa phương, các DNNN định kỳ hàng tháng phải báo cáo tiến độ thực hiện về Ban, trong đó nêu cụ thể tình hình, nguyên nhân của việc làm tốt, chưa tốt và chỉ rõ trách nhiệm thuộc về ai”.
Tại Hội nghị, đa số các lãnh đạo DNNN đều khẳng định từ nay tới cuối năm 2015 sẽ hoàn thành mục tiêu CPH, thoái vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành để tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính. Bên cạnh đó, các DNNN cũng nêu những khó khăn trong quá trình thực hiện liên quan tới việc xử lý lao động dôi dư sau khi sắp xếp, tái cơ cấu; việc thực hiện nghĩa vụ đóng tiền sử dụng đất khi thoái vốn tại công ty liên doanh cũng như trách nhiệm của việc thoái vốn dưới mệnh giá...
Ban chỉ đạo đã đề ra các giải pháp trong 6 tháng cuối năm là khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức quản lý và tái cơ cấu DNNN. Các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo trong quý III hoàn thành phê duyệt phương án CPH của 44 DN đã có quyết định công bố giá trị DN và quyết định công bố giá trị của 127 DN để trong quý IV hoàn thành phê duyệt phương án CPH. Nếu thực hiện được tiến độ này thì năm 2015 có thể hoàn thành CPH được từ 200 đến 230 DN. Ban chỉ đạo đề nghị các Bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm thực hiện tái cơ cấu DNNN, theo đó Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu DNNN.
Nằm trong nỗ lực chung này ngày 26/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/9/2015. Một điểm mới đáng chú ý trong Nghị định 60 là Chính phủ cho phép nới lỏng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (nới room) tại các công ty niêm yết, công ty đại chúng cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2015 của Bộ Tài chính ngày 26/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ có thêm nhiều cơ hội thuận lợi, không những tác động tích cực tới thị trường chứng khoán mà còn tăng cơ hội thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường trong nước. Đây là cơ sở cho việc đẩy nhanh hơn nữa quá trình thoái vốn, tái cơ cấu, CPH DNNN.
THÙY ANH