Thi tuyển lãnh đạo: Cần có giải pháp để phát huy tối đa công tác tuyển dụng cán bộ

Kinh tế - Ngày đăng : 13:15, 12/05/2020

(BKTO) - Sau 3 năm triển khai, Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” (gọi tắt là Đề án) đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Đề án chưa thu hút đông đảo cán bộ, công chức tham gia; còn có những băn khoăn về mối quan hệ giữa thi tuyển và quy hoạch, cũng như tâm lý ngại thi tuyển của cán bộ, công chức.



Việc thi tuyển đã tạo ra cơ chế tốt hơn để các cơ quan, đơn vị chủ động thu hút cán bộ có năng lực lãnh đạo. Ảnh: Bộ Nội vụ

Xóa bỏ tư duy “sống lâulên lão làng”

Bộ Nội vụ cho biết, sau 3 năm thực hiện Đề án, việc thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan T.Ư và các tỉnh, thành phố đã đạt được những kết quả nhất định. Theo đó, đến nay đã có 12/14 cơ quan T.Ư được chọn thực hiện thí điểm Đề án tổ chức thi tuyển đối với 29 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ và cấp phòng, có 42 ứng viên trúng tuyển; 17/22 địa phương được chọn thực hiện Đề án tổ chức thi tuyển 86 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng, có 368 ứng viên trúng tuyển. Việc đổi mới cách thức tuyển chọn đã góp phần xóa bỏ tư duy “sống lâu lên lão làng”, tạo động lực và nhiệt huyết cho công chức khác tiếp tục cống hiến. Hơn nữa, việc thi tuyển cũng góp phần tăng cường dân chủ và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của cấp ủy trong công tác cán bộ, đổi mới công tác cán bộ, tạo “sân chơi bình đẳng” cho mọi cán bộ thể hiện đạo đức, tài năng và có điều kiện cống hiến trí tuệ, sức lực cho đất nước, dân tộc.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Ban Tổ chức T.Ư) Dương Minh Đức cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Hướng dẫn của Bộ Nội vụ, từ năm 2017 đến nay, Ban đã tổ chức thi tuyển và bổ nhiệm chức danh 3 vụ trưởng, 3 trưởng phòng, 3 Phó Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng. Việc thực hiện thi tuyển lãnh đạo đã trở thành hoạt động thường xuyên, góp phần quan trọng để đổi mới việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý của Ban. Hiện tại, Ban Tổ chức T.Ư đang tiếp tục chuẩn bị tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý ở các cục, vụ, viện. Chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị đi đầu, ông Đức cho biết, việc tổ chức thi tuyển phải thực hiện công khai, minh bạch. Ngoài ý thức của cán bộ, phải có những ràng buộc bằng quy chế. Ví dụ, thành viên hội đồng nào cho điểm cao hoặc thấp hơn 20% điểm trung bình cộng sẽ không được sử dụng; quy định Hội đồng thi được thành lập sát nút kỳ thi để tránh các ứng viên tiếp xúc, tác động.

Còn tại Bộ Giao thông vận tải, việc thi tuyển đã được thực hiện từ trước khi có Đề án. Tính từ tháng 4/2014 - 6/2015, Bộ này đã tổ chức thành công 10 kỳ thi, qua đó đã bổ nhiệm 10 lãnh đạo cấp trưởng qua thi tuyển tại 10 cơ quan đơn vị trực thuộc.

Vẫn còn tâm lý ngại thi tuyển

Đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương được lựa chọn thí điểm thực hiện Đề án đều khẳng định, việc tổ chức thi tuyển lãnh đạo là chủ trương lớn của Đảng trong công tác cán bộ, cần được nhân rộng trong thời gian tới, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Đặc biệt, theo Công văn số 2424/BNV-CCVC ngày 09/5/2017 của Bộ Nội vụ, những trường hợp đã được quy hoạch mà không tham gia thi tuyển sẽ bị loại khỏi quy hoạch, điều này là chưa hợp lý, do đó, cần rà soát lại hướng dẫn này. Ngoài ra, cần quy định rõ hơn về tiêu chuẩn, cơ cấu của hội đồng thi tuyển; rút gọn quy trình thi tuyển; có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo tổ chức thi tuyển nghiêm túc… Về đối tượng tham gia thi tuyển, đang có tình trạng “vừa đóng lại vừa mở, vừa mở nhưng lại vừa đóng”. Vì vậy, cần có giải pháp để thu hút nhiều người tham gia thi nhằm lựa chọn được người tốt nhất vào vị trí lãnh đạo, quản lý.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Giao thông vận tải) Đặng Văn Lâm cho hay, tâm lý của nhiều cán bộ, công chức là ngại thi tuyển vì nếu không đạt thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của họ ở vị trí cũ hoặc công tác quy hoạch sau này, vì vậy, thực tế cho thấy số thí sinh dự thi còn ít.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình băn khoăn về mối quan hệ giữa thi tuyển và quy hoạch, thi tuyển trong quy hoạch hay mở rộng ngoài quy hoạch. Mặt khác, về nội dung và cách thức thi, cần hoàn thiện hệ thống công cụ đánh giá, để các kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo được hiệu quả, tạo cơ hội ngang bằng, tránh tình trạng thi không thực chất vừa tốn kém vừa không giải quyết được vấn đề. “Nhất là tránh thi để hợp thức việc nhắm vào người này, người khác” - ông Bình nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến khác cho rằng, việc thi tuyển đã tạo ra cơ chế tốt hơn để các cơ quan, đơn vị chủ động thu hút cán bộ có năng lực lãnh đạo, trình độ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ; mặt khác, kiểm soát được hoạt động tuyển dụng, tránh tuyển tràn lan, thiếu công bằng, minh bạch hoặc lợi dụng công tác này để thu lợi riêng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp và toàn diện công tác cán bộ; có giải pháp kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa quy hoạch và thi tuyển cạnh tranh, nhằm phát huy tối đa hiệu quả công tác tuyển dụng cán bộ. Đồng thời, thi tuyển cần tạo được đột phá nhưng phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trong quá trình thực hiện để có cách thức nhân rộng phù hợp, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh để tuyển chọn cán bộ có đức, có tài từ nguồn tài nguyên nhân lực rộng lớn của xã hội.

LÊ HÒA