Đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân
Đối nội - Ngày đăng : 21:20, 12/05/2020
(BKTO) - Sáng 12/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 28 theo hình thức trực tuyến. Tại Phiên họp, Ủy ban Pháp luật đã tiến hành thẩm tra dự án Luật Cư trú (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Phiên họp- Ảnh:quochoi.vn |
Việc sửa đổi Luật Cư trú nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân liên quan đến quản lý cư trú theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản hóa giấy tờ, giảm thời gian, chi phí; xóa bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà cho người dân. Qua đó bảo đảm tốt hơn nữa việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân; đồng thời tăng cường quản lý cư trú, quản lý dân cư, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới.
Đặc biệt, Luật sửa đổi sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú để vừa quản lý chặt chẽ dân cư, vừa góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ cho công dân và từng bước thực hiện Chính phủ điện tử.
Theo đó, Dự thảo Luật đã bỏ các quy định về: sổ hộ khẩu, sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu tại Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013). Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định khác có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Ngoài ra, Dự thảo Luật còn quy định về các nội dung liên quan đến quyền tự do cư trú của công dân; nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú; bảo đảm điều kiện thực hiện quyền tự do cư trú và hoạt động quản lý cư trú; trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú…
Thảo luận tại Phiên họp, đa số ý kiến tán thành về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cư trúđể tiếp tục thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do cư trú của công dân.
Các đại biểu cũng cơ bản nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tán thành việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác đăng ký, quản lý cư trú.
Theo các đại biểu, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, thay đổi phương thức quản lý cư trú bằng công nghệ thông tin là hoàn toàn phù hợp với lộ trình đã xác định trong quá trình ban hành chính sách, quy định liên quan đến quản lý hộ tịch, căn cước công dân, trong đó Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư là nền tảng, kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung phát biểu ý tại Phiên họp- Ảnh:quochoi.vn |
Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị, cần rà soát các điều kiện bảo đảm việc thực hiện phương thức quản lý dân cư mới này, nhất là trong việc xác lập số định danh cá nhân, xây dựng và đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đúng tiến độ… để không gây xáo trộn trong cung cấp các dịch vụ công cho người dân.
Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, xử lý các thủ tục hành chính được quy định ở các văn bản dưới luật có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để tạo sự đồng bộ, không ảnh hưởng đến tính khả thi khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Đa số các ý kiến cũng tán thành việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc trung ương, vì các điều kiện nhập cư mang tính hành chính này chỉ giúp hạn chế được việc nhập khẩu, chứ không hạn chế được việc nhập cư. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc thận trọng khi bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương nhằm tránh nguy cơ nhập cư tự do, gây áp lực quá tải đối với hạ tầng, giao thông và phức tạp về an ninh, trật tự tại các thành phố lớn.
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại Phiên họp thẩm tra, tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, hoàn chỉnh hồ sơ Dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 tới.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số chính sách đặc thù khác.
Đ. KHOA