Lối thoát nào cho ngành du lịch
Đối ngoại - Ngày đăng : 08:49, 15/05/2020
(BKTO)- Sự vắng vẻ tại các điểm du lịch đang diễn ra trên toàn cầu. Khi các hạn chế của chính phủ được thiết kế để ngăn chặn đại dịch Covid-19 đã khiến hàng tỷ người phải ở nhà và đẩy ngành du lịch và lữ hành quốc tế rơi vào bế tắc.
Các quốc gia châu Âu đang mất khoảng 1 tỷ euro doanh thu từ du lịch mỗi tháng - Nguồn: sưu tầm |
Thiệt hại nặng nề vì đại dịch
Những biện pháp cách ly đang ảnh hưởng đến mọi thứ, từ các doanh nghiệp nhỏ đến các tập đoàn lớn như Marriott International (MAR) và Carnival Corporation (CCL)... Ngay cả một số hãng hàng không lớn nhất toàn cầu cũng đang tìm kiếm sự cứu trợ của chính phủ để tồn tại.
Du lịch chiếm khoảng 10% GDP toàn cầu và một trong top 10 ngành nghề sử dụng lao động. Theo thống kê có tới một phần ba trong tổng số lao động của ngành du lịch (tương đương hơn 100 triệu người) và khoảng 2,7 nghìn tỷ đô la có thể gặp rủi ro do cuộc khủng hoảng từ đại dịch Covid-19.
Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn thu du lịch sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thống kê đưa ra tại Hội nghị Thương mại Liên Hợp Quốc cho biết trung bình nếu giảm 25% thu nhập từ du lịch sẽ làm giảm 7% GDP, đối với các quốc gia nhỏ mà du lịch chiếm tỉ trọng lớn như Maldives và Seychelles con số này có thể lên tới 16% .
Tình hình cũng rất nghiêm trọng ở châu Âu, nơi thu hút một nửa lượng khách du lịch quốc tế trên thế giới. Nghị viện châu Âu ước tính rằng ngành du lịch của khối đang mất khoảng 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD) doanh thu mỗi tháng, một đòn giáng mạnh vào 27 triệu lao động EU có việc làm liên quan với ngành này.
Đánh giá về mức độ nghiêm trọng của vấn đề này, Isabel Oliver - Bộ trưởng Bộ Du lịch Tây Ban Nha cho biết: Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực du lịch sâu sắc hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng trước đó. Ngành du lịch là một trong những ngành đầu tiên phải chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng và sẽ là một trong ngành cuối cùng phục hồi.
Việc mở lại các doanh nghiệp và khởi động lại các nhà máy hiện nay đã đủ khó, nhưng việc phục hồi ngành du lịch càng khó hơn. Việc này sẽ đòi hỏi phải nới lỏng kiểm soát biên giới, hợp tác quốc tế và nhất là phải có du khách. Ủy ban châu Âu mới đây đã tiết lộ một gói hướng dẫn nhằm giúp các nước EU hồi sinh ngành du lịch, nhưng họ thừa nhận rằng việc này chứa đựng nhiều rủi ro.
Đánh giá về vấn đề này John Holland-Kaye - CEO của London's Heathrow - sân bay lớn nhất ở châu Âu, cho biết: Vấn đề quan trọng là xây dựng niềm tin giữa các quốc gia rằng an toàn khi mở lại biên giới mà không có nguy cơ tái nhiễm và xây dựng niềm tin với công chúng rằng nó an toàn để đến.
Các hãng hàng không giữ chìa khóa
Nhưng các hãng hàng không đã thu hẹp quy mô, cắt xén đội tàu và cắt giảm hàng ngàn việc làm.Các sân bay và khách sạn đang cố gắng thu hút khách du lịch quay lại bằng kiểm tra sức khỏe và các giao thức an toàn được tăng cường, việc này sẽ đội thêm nhiều chi phí tại thời điểm tài chính của các công ty này bị ảnh hưởng vì sự sụp đổ trong du lịch. Nhưng các biện pháp như vậy là cần thiết để khôi phục niềm tin trước khi vắc-xin Covid-19 được phổ biến rộng rãi.
Đánh giá về vấn đề này, Giám đốc điều hành của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới - ông Gloria Guevara khẳng định: Phần quan trọng nhất là các hãng hàng không.
Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới đang làm việc với các chính phủ và các tổ chức du lịch để thống nhất về cáctiêu chuẩn kiểm tra sức khỏe và các quy trình an toàn khác. những tiêu chuẩn này nhiều khả năng sẽ được ban hành hướng dẫn cho ngành khách sạn trong tuần này với hướng dẫn cho các sân bay để làm theo.
Ryanair ( RYAAY ) - hãng hàng không chuyên chở hàng triệu khách du lịch khắp châu Âu mỗi năm, vừa qua cũng đã công bố các biện pháp y tế mới sẽ được thực hiện trên máy bay như một phần trong kế hoạch khôi phục 40% các chuyến bay bắt đầu vào ngày 1 tháng 7. Đây được cho là một nhiệm vụ khó khăn mà các hãng hàng không phải đối mặt khi họ tìm cách tiếp tục bay.
"Một sự phục hồi nhanh chóng và hiệu quả của nhành du lịch sẽ chỉ xảy ra nếu các chính phủ trên thế giới đồng ý với một bộ giao thức y tế chung do khu vực tư nhân phát triển. Giám đốc Guevara nhận định. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngay cả khi điều đó xảy ra, lượng khách du lịch quốc tế được dự đoán sẽ gần như không có trong năm nay.
Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc ước tính mức giảm tới 80% lượng du khách so với năm 2019, tùy thuộc vào thời gian hạn chế đi lại còn tồn tại. Để so sánh, con số này là 0,4% trong đại dịch SARS năm 2003 và giảm 4% trong năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Rõ ràng đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà du lịch quốc tế phải đối mặt kể từ khi các hồ sơ dữ liệu được bắt đầu (năm 1950).
Du lịch nội địa mang đến tia hy vọng
Tuy nhiên, có một số dấu hiệu ban đầu cho thấy du lịch nội địa đang dần trở lại ở một số quốc gia, mặc dù còn quá sớm để gọi phục hồi.
Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các hạn chế đi lại vào tháng 3. Điều này đã khiến hơn 30% công suất hàng không nội địa đã phục hồi kể từ ngày 1 tháng 3. Sự hồi phục được cho là một dấu hiệu tích cực cho sự phục hồi du lịch đường ngắn. Các chuyên gia cho rằng, khi một số hạn chế du lịch giảm bớt, thị trường nội địa sẽ là thị trường quay trở lại đầu tiên. Tuy nhiên,việc hủy chuyến bay vẫn tăng và sự phục hồi đã dần chững lại ở thị trường nội địa Trung Quốc, cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn.
Tập đoàn Marriott cũng cho biết: Công suất phòng tại các khách sạn của họ ở thị trường Trung Quốc đạt 25% trong tháng Tư, tăng từ mức dưới 10% vào giữa tháng Hai. Meituan Dianping - một ứng dụng cho phép người tiêu dùng mua sắm, đặt món ăn và đặt chuyến đi, ghi nhận chi tiêu gia tăng cho các điểm du lịch địa phương, và một khách sạn đón khách và đặt giường và bữa sáng vào tháng trước.
Tuy nhiên, một số địa điểm du lịch ở Trung Quốc đã buộc phải đóng cửa ngay sau khi mở cửa trở lại do lượng khách đổ về. Nước này hiện đang gia hạn các hạn chế ở một số khu vực sau khi các trường hợp nhiễm virut mới được báo cáo ở hai thành phố.
Ở những nơi khác, một số quốc gia cũng đã có sự gia tăng các đặt phòng trong nước như Đan Mạch và Hà Lan... Nhưng điều đó không có nghĩa là sự phục hồi hoàn toàn sẽ sớm đạt được và kinh nghiệm của Trung Quốc có thể khiến các quốc gia khác mở cửa trở lại với sự thận trọng hơn nữa.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế cũng dự báo để khoảng cách chuyến bay trung bình phục hồi đến mức năm 2019 trong ít nhất năm năm tới là điều rất khó.
NAM SƠN (Theo CNN)