Quan ngại về triển vọng kinh tế thế giới

Đối ngoại - Ngày đăng : 08:49, 15/05/2020

(BKTO)- Báo cáo giữa năm của Liên Hiệp Quốc đã đưa ra những dự báo kém lạc quan về triển vọng của nền kinh tế thế giới giữa đại dịch Covid-19.


                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm

   

Xóa bỏ tất cả thành tựu đạt được trong 4 năm qua

Liên Hợp Quốc ngày 13/5 dự báo đại dịch Covid-19 sẽ làm kinh tế thế giới giảm 3,2% trong năm 2020, mức suy giảm lớn nhất kể từ cuộc đại suy thoái trong những năm 1930, và tình hình có thể tồi tệ hơn nếu làn sóng lây nhiễm thứ hai bùng phát.

Báo cáo giữa năm của Liên Hợp Quốc cho rằng đại dịch Covid-19 được cho là sẽ làm giảm sản lượng kinh tế toàn cầu gần 8.500 tỷ USD trong hai năm tới, xóa bỏ tất các các thành tựu đạt được trong bốn năm qua.

Phát biểu trong buổi họp báo công bố báo cáo, nhà kinh tế trưởng của Liên Hợp Quốc- Elliott Harris cho biết triển vọng kinh tế toàn cầu đã thay đổi đáng kể khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trong bối cảnh hoạt động kinh tế bị hạn chế trên diện rộng và bất ổn gia tăng, nền kinh tế toàn cầu đã thực sự chững lại trong quý II năm 2020. Hồi tháng Một, Liên Hợp Quốc dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 2,5% năm 2020.

Trong báo cáo,Liên Hợp Quốc cho biết gần 90% nền kinh tế thế giới đã bị phong tỏa, phá hủy chuỗi cung ứng, làm giảm nhu cầu tiêu thụ và khiến hàng triệu người mất việc làm.

Còn về Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới của Liên Hợp Quốc đánh giá dịch Covid-19 cũng sẽ "làm gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng", ước tính 34,3 triệu người có thể rơi vào tình trạng cực nghèo trong năm 2020, 56% trong số này là tại châu Phi.

Báo cáo trên cũng đánh giá có thêm khoảng 130 triệu người có thể rơi vào tình trạng cực nghèo vào năm 2030, là "cú đánh mạnh" đối với các nỗ lực trên toàn cầu để giảm tình trạng cực nghèo vào cuối thập niên này.

Liên Hợp Quốc cho biết nền kinh tế toàn cầu có thể giảm 4,9% trong năm 2020 nếu làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai bùng phát và các biện pháp phong tỏa tiếp tục bị kéo dài sang quý III năm 2020. Thương mại thế giới được dự báo giảm 15% trong năm 2020 do sự sụt giảm mạnh trong nhu cầu toàn cầu và gián đoạn các chuỗi nguồn cung thế giới.

Các nền kinh tế lớn tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn

Các nền kinh tế lớn tiếp tục trải qua những ngày tháng tồi tệ, khi những thống kê cho thấy nền kinh tế các quốc gia này đang hứng chịu những thiệt hại nặng nề.

Cho đến nay, đại dịch viêm đường hô hấp Covid-19 đã khiến khoảng 2,7 triệu người dân Australia bị mất việc hoặc phải giảm giờ làm (chiếm 1/5 tổng số lao động của nước này). Chỉ riêng trong tháng 4/2020, đã có gần 600.000 lao động trở thành người thất nghiệp.

Số liệu mới nhất của Cục Thống kê Australia về lực lượng lao động cho thấy số người lao động Australia bị mất việc làm trong tháng 4/2020 là 594.300 người, tương đương 6,2% (tỷ lệ thất nghiệp trong tháng trước đó là 5,2%). Đây là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất kể từ tháng 9/2015, song vẫn thấp hơn mức 8,3% mà nhiều chuyên gia đã dự báo.

Sau khi công bố số liệu trên, Thủ tướng Scott Morrison cho rằng giờ đang là thời điểm khó khăn nhất đối với đất nước Australia.

Đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Bộ Tài chính Mỹ ngày 13/5 cho biết thâm hụt ngân sách của nước này đã tăng lên mức kỷ lục 1.935 tỷ USD trong 12 tháng tính đến hết tháng 4/2020, do chính phủ phải tăng chi và cắt giảm thuế để đối phó với sự suy giảm kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh và nguồn thu giảm.

Theo số liệu của Bộ Tài chính nước này cho biết chi tiêu của chính phủ đã tăng lên 5.200 tỷ USD, trong khi nguồn thu quốc gia giảm xuống chỉ còn 3.260 tỷ USD. Riêng trong tháng 4 vừa qua, chính Mỹ đã chi tới 979,7 tỷ USD cho các khoản cứu trợ doanh nghiệp và hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong khi đó, nguồn thu cùng thời kỳ này chỉ còn khoảng 241,8 tỷ USD, giảm tới 55% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ sẽ tăng lên tới 3.700 tỷ USD khi tài khóa hiện nay kết thúc vào ngày 30/9 tới.

Trước đó hồi tháng 3, Quốc hội Mỹ đã thông qua các gói cứu trợ lên tới 3.000 tỷ USD để tăng chi tiêu, hỗ trợ giảm thuế và thực thi các biện pháp kích thích khác nhằm đối phó với dịch Covid-19 cũng như các tác động kinh tế do đại dịch gây ra.

Theo một cuộc khảo sát hàng tháng của tờ Phố Wall, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ dự kiến sẽ lên tới 17% trong tháng 6, khi mà nền kinh tế cảm nhận rõ hơn những tác động từ nỗ lực kiềm chế Covid-19 hiện nay.

Nhiều nhà kinh tế Mỹ dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ giảm khoảng 6,6% trong năm nay, sâu hơn nhiều so với mức dự báo giảm 4,9% đưa ra trong cuộc khảo sát hồi tháng trước.
NAM SƠN (Tổng hợp)