Chính phủ đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng năm 2020

Đối nội - Ngày đăng : 17:31, 15/05/2020

(BKTO)- Trên cơ sở dự báo tình hình, rà soát và tính toán các cân đối lớn, ước khả năng thực hiện, Chính phủ đưa ra dự kiến hai kịch bản tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020; trong đó, Chính phủ đề xuất giảm chỉ tiêu tăng GDP năm 2020 từ 6,8% xuống 4,5%, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%.


                
   

Toàn cảnh Phiên họp- Ảnh:quochoi.vn

   

Nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19

Sáng 15/5, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2019; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và NSNN năm 2020.

Trình bày báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, bước vào năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lây lan nhanh tới các quốc gia trên thế giới. Đây là một dịch bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng toàn cầu, tác động đến mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội và hành vi, thói quen sinh hoạt của người dân trên toàn thế giới.

Đến nay, tình hình dịch Covid-19 trong nước cơ bản được khống chế, chưa có trường hợp tử vong. Các giải pháp ứng phó của Việt Nam trước tình hình dịch bệnh thời gian qua được quốc tế đánh giá là kịp thời, nhanh, quyết liệt và hiệu quả.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, kết quả phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2020 cho thấy nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. Quý I/2020, tăng trưởng GDP đạt thấp, trong đó tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều bị tác động và giảm. Nhiều lao động bị cắt giảm, mất việc làm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm qua, tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng.

Đáng lưu ý, sang tháng 4, một số ngành sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bắt đầu có mức tăng trưởng âm. Số DN thành lập mới giảm lần đầu tiên trong giai đoạn 2015-2020; số DN đăng ký tạm dừng hoạt động trong ngắn hạn tăng mạnh. Hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều giảm, trong đó một số ngành, lĩnh vực đình trệ hoặc đóng băng, gần như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh như các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải (nhất là vận tải hàng không), ăn uống, lưu trú, vui chơi, giải trí…

Dự kiến hai kịch bản tăng trưởng cho năm 2020

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận, dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng cũng là cơ hội cho những nền kinh tế, tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra. Bên cạnh việc tiếp tục theo dõi chặt chẽ, phân tích, tổng hợp, đánh giá về tình hình và những ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế, tới từng ngành, lĩnh vực, địa phương, khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã, người lao động, các đối tượng xã hội để đưa ra các giải pháp ứng phó hiệu quả và kịp thời cần nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng,…
                
   

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Phiên họp- Ảnh:quochoi.vn

   
Trên cơ sở dự báo tình hình, rà soát và tính toán các cân đối lớn, ước khả năng thực hiện, Chính phủ xây dựng hai kịch bản dự kiến về tăng trưởng của Việt Nam năm 2020.

Kịch bản được xây dựng với 2 giả định. Một là, Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020, không thay đổi dự toán chi đầu tư phát triển, giải ngân tối đa vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020.

Hai là, tình hình diễn biến, khả năng khống chế dịch bệnh, nới lỏng và thực hiện các hoạt động kinh tế của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng đối với Việt Nam (Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Theo kịch bản 1, thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý III/2020, theo đó dự kiến GDP tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,5-2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,7-7,9%, khu vực dịch vụ ước tăng 2,8-3,6%.

Còn theo kịch bản 2, thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý IV/2020, theo đó dự kiến GDP tăng khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,1-2,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,8-6,7%, khu vực dịch vụ ước tăng 1,8-2,8%.

Nhấn mạnh những tác động và phạm vi ảnh hưởng nặng nề, mạnh mẽ của dịch Covid-19 hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đây, Chính phủ cho rằng, yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan.
         
Dự kiến những chỉ tiêu cần điều chỉnh là: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%), nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn; trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%.
   
   Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 khoảng 4% (trước đây là dưới 4%). Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%)
   
   Tổng số thu NSNN giảm 163 nghìn tỷ đồng so với dự toán được giao; bội chi NSNN bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra); tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu đề ra).


Không vội trong điều chỉnh chỉ tiêu

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, từ tình hình thực tế của nền kinh tế hiện nay, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn. Đồng thời đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở đó nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh những nội dung, chỉ tiêu thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đồng thời đề ra các phương án, giải pháp cụ thể, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới, chú trọng các chỉ tiêu như CPI, thu, chi, bội chi NSNN, các chỉ số nợ công, nợ Chính phủ, trả nợ Chính phủ.

Thảo luận tại Phiên họp, đa số ý kiến trong UBTVQH cũng cho rằng, việc điều chỉnh chỉ tiêu theo dự kiến của Chính phủ cần cân nhắc thận trọng và có đánh giá một cách toàn diện để đảm bảo căn cứ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương vừa qua nhấn mạnh phấn đấu nỗ lực để thực hiện đạt mức cao nhất chứ chưa “bật đèn xanh” cho điều chỉnh chỉ tiêu. Còn nếu điều chỉnh thì phải làm theo quy trình và xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
                
   

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp- Ảnh:quochoi.vn

   

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng không nên vội vàng điều chỉnh chỉ tiêu mà trước hết cần báo cáo về khả năng không đạt chỉ tiêu với Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, cần cân nhắc kỹ thêm vì mục tiêu là thúc đẩy sản xuất kinh doanh đạt mức cao nhất có thể. Còn điều chỉnh thế nào Chính phủ cần đánh giá cân nhắc, lựa chọn những chỉ tiêu cần thiết để đề xuất điều chỉnh và phải có tờ trình, đưa ra phân tích cụ thể.

Kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát, dự báo đánh giá tình hình năm 2020 môt cách sát nhất và có thể xây dựng kịch bản thứ 3 với tình hình dịch bệnh có thể kéo dài sang năm 2021, kéo theo kinh tế gặp nhiều khó khăn. Theo đó tăng trưởng của Việt Nam chỉ khoảng 3%, kéo theo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn gặp khó khăn.

Đối với đề xuất của Chính phủ về điều chỉnh chỉ tiêu, UBTVQH thống nhất cho rằng, chưa đủ căn cứ pháp lý để xin ý kiến Quốc hội về điều chỉnh chỉ tiêu. Vì vậy, UBTVQH đề nghị, tại Kỳ họp thứ 9, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội một số nguyên tắc về điều hành; nếu có biến động thì sẽ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 10, để đảm bảo linh hoạt, chặt chẽ./.

Đ. KHOA