Xây dựng, hoàn thiện nguyên tắc bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025

Đối nội - Ngày đăng : 08:10, 18/05/2020

(BKTO) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025 là cần thiết, phù hợp với căn cứ pháp lý và tình hình thực tiễn, đáp ứng được đòi hỏi khách quan của công tác lập kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025.



Số lượng chương trình mục tiêu quá nhiều đã tạo áp lực cân đối NSNN. Ảnh: TTXVN

Hoàn thiện chính sáchphù hợp với thực tiễn

Thực hiện Luật Đầu tư công, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015 về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020. Bộ KH&ĐT đánh giá, sau 5 năm thực hiện, Nghị quyết đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phân bổ và sử dụng vốn đầu tư công nguồn NSNN, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chống thất thoát, lãng phí, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công. Cùng với đó, việc áp dụng các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 đã góp phần thúc đẩy cơ cấu lại đầu tư và cơ cấu lại các ngành, vùng lãnh thổ; cơ bản đảm bảo tương quan hợp lý giữa phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội, giữa các ngành, lĩnh vực, các địa phương, vùng miền núi, biên giới, hải đảo và các vùng khó khăn khác.

Tuy nhiên, ông Đỗ Thành Trung - Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT) - cho biết, việc thực hiện Nghị quyết 1023 còn một số hạn chế, như việc phân loại ngành, lĩnh vực đầu tư gồm 20 ngành, lĩnh vực và 21 chương trình mục tiêu nhưng vẫn chưa cụ thể hóa hết các nội dung của từng lĩnh vực. Số lượng chương trình mục tiêu quá nhiều tạo áp lực cân đối NSNN. Khi lựa chọn các dự án đầu tư khởi công mới để đưa vào kế hoạch, các cấp, các ngành gặp khó khăn do chưa có phương pháp mang tính khoa học để đánh giá, so sánh mức độ cần thiết, tính hiệu quả giữa các dự án và khả năng triển khai của từng dự án nên việc lựa chọn dự án chưa thực sự tối ưu.

Hơn nữa, việc phân bổ tổng nguồn đầu tư phát triển của cả nước, đặc biệt là nguồn ngân sách T.Ư trong 5 năm cho các Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương chưa theo thông lệ quốc tế, chưa xác định chi tiêu cơ sở và chi tiêu mới; việc không quy định nguyên tắc bố trí vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài dẫn tới lúng túng trong thực hiện…

Trong bối cảnh đó, một bước tiến mới đạt được là việc ban hành Luật Đầu tư công năm 2019, trong đó, Điều 51 quy định nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho chương trình, dự án phải tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn được cấp có thẩm quyền quyết định. Đồng thời, theo khoản 1, Điều 60 Luật Đầu tư công, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội cho ý kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vào tháng 10/2020.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, để có căn cứ cho các Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, phục vụ cho công tác tổng hợp, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn của quốc gia, yêu cầu đặt ra là phải sớm ban hành nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025.

Đưa ra nhiều quy định,tiêu chí rõ ràng

Là đầu mối được giao xây dựng Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025, đến nay, Bộ KH&ĐT đã hoàn chỉnh Dự thảo, trong đó thống nhất phân loại 13 ngành, lĩnh vực theo quy định của Luật NSNN, kết hợp với lồng ghép các lĩnh vực, chương trình quy định trước đây cùng các quy định chuyển tiếp nhằm bảo đảm quá trình đầu tư được liên tục.

Dự thảo cũng quy định 10 nguyên tắc chung về phân bổ vốn đầu tư nguồn NSNN bám sát quy định của Luật Đầu tư công, phù hợp với mục tiêu, định hướng đầu tư giai đoạn 2021-2025. Đối với việc phân bổ vốn ngân sách T.Ư (phần vốn trong nước), Dự thảo Nghị quyết quy định dành tối đa không quá 30% tổng số vốn ngân sách T.Ư để bổ sung có mục tiêu cho địa phương; 70% vốn còn lại được phân bổ cho các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách T.Ư.

Việc phân bổ ngân sách T.Ư cho từng Bộ, cơ quan T.Ư, địa phương thực hiện theo nguyên tắc phân bổ đủ số chỉ tiêu cơ sở cho các dự án thuộc danh mục của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025; thu hồi vốn ứng trước của các dự án đầu tư công được cấp có thẩm quyền quyết định hoãn thu hồi trong giai đoạn 2016-2020. Phân bổ số chi tiêu mới trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển của các Bộ, cơ quan T.Ư. Riêng đối với các địa phương, việc phân bổ số chi tiêu mới dựa trên 5 tiêu chí, định mức tính điểm (dân số, trình độ phát triển, diện tích, đơn vị hành chính cấp huyện và các tiêu chí bổ sung).

Đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, Dự thảo Nghị quyết quy định nguyên tắc bố trí đủ vốn theo dự án, đúng cam kết với các nhà tài trợ, phù hợp với tiến độ thực hiện dự án và dành nguồn để xử lý kịp thời các dự án phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Đối với vốn cân đối ngân sách địa phương, Dự thảo Nghị quyết quy định lấy phương án phân bổ năm 2021 của Kế hoạch tài chính NSNN 3 năm giai đoạn 2020-2022 làm căn cứ xác định tỷ lệ điều tiết về ngân sách T.Ư và số bổ sung từ ngân sách T.Ư cho các địa phương giai đoạn 2021-2025. Theo đó, vốn ngân sách địa phương các năm sau được tính dựa trên tốc độ tăng trưởng bình quân vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương đối với những địa phương nhận bổ sung cân đối.

PHÚC KHANG