Nông nghiệp phải “tăng tốc” trong 6 tháng cuối năm

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:10, 09/07/2015

(BKTO) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn(NN&PTNT) cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2015 của ngànhnày ước đạt 14,42 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2014. Điều này đặt gánh nặnglên 6 tháng cuối năm, khi ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 32 tỷUSD trong năm 2015.


Thủy sản là 1 trong 5 mặt hàng bị giảm cả về giá và kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2015 Ảnh: T.S
Thủy sản là 1 trong 5 mặt hàng bị giảm cả về giá và kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2015. Ảnh: T.S
Gần một nửa số mặt hàng xuất khẩu giảm về giá và kim ngạch

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2015 đạt 2,36% - mức này cao hơn năm 2013 (đạt 2,14%), nhưng thấp hơn so với 2014 (đạt 2,9%); giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 489 nghìn tỷ đồng, tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2014. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 14,42 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2014. Giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp 6 tháng ước đạt 11,36 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm cùng kỳ năm 2014. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 3,05 tỷ USD, giảm 32,1% so với cùng kỳ. Có 5/12 mặt hàng bị giảm cả về giá và kim ngạch xuất khẩu là: chè, cao su, gạo, cà phê và thủy sản.

Trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thì trồng trọt có tốc độ tăng trưởng thấp nhất với 1,08% (6 tháng đầu năm 2014 là 2,8%), trong khi lĩnh vực này chiếm tỷ trọng cao nhất (50,7%) nên đã kéo tốc độ tăng toàn ngành xuống thấp. Nguyên nhân là do những tháng đầu năm, trồng trọt bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình thời tiết cực đoan, bất thường như mùa đông ấm ở miền Bắc, hạn hán gay gắt xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Theo ước tính, diện tích gieo cấy lúa Đông Xuân cả nước đạt 3,112 triệu ha, giảm 4,3 nghìn ha so với năm 2014, sản lượng ước đạt 20,7 triệu tấn, giảm 153 nghìn tấn (giảm 0,7%). Từ những khó khăn này, khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm ước đạt 3,055 triệu tấn với giá trị 1,318 tỷ USD, giảm 6,2% về khối lượng và giảm 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá gạo bình quân 5 tháng đầu năm đạt 435,18 USD/tấn, giảm 3,78% so với cùng kỳ.

Bên cạnh mặt hàng gạo, cà phê là mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm mạnh nhất. Cụ thể, khối lượng xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm chỉ đạt 687 ngàn tấn, giảm 35,8% về khối lượng và 35,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, chè cũng là mặt hàng có sự sụt giảm. 6 tháng đầu năm, khối lượng xuất khẩu chè ước đạt 54 nghìn tấn với giá trị đạt 90 triệu USD, giảm 6,7% về khối lượng và 4,1% về giá trị so với cùng kỳ 2014.

Cùng khó khăn như các mặt hàng nông sản, giá trị xuất khẩu thuỷ sản 6 tháng đầu năm cũng giảm 16% so với cùng kỳ năm 2014. Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 19,33% tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đã giảm 29,07% so với cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc cũng giảm đáng kể với mức giảm lần lượt là 11,89% và 4,99%.

"Tăng tốc" trong 6 tháng cuối năm

Trước sự sụt giảm về xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản trong 6 tháng đầu năm 2015, Bộ NN&PTNT đã phối hợp các Bộ, ngành liên quan, các hiệp hội và DN tổ chức nhiều hội nghị, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước. Tại buổi họp báo kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2015 của ngành nông nghiệp tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát thừa nhận, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp trong 6 tháng cuối năm là rất lớn, toàn ngành phải “tăng tốc” mới hoàn thành mục tiêu đề ra. Bởi theo tính toán của Bộ trưởng Cao Đức Phát. Giá trị gia tăng sản xuất toàn ngành 6 tháng đầu năm nay là 2,4% tương đương khoảng 12 nghìn tỷ đồng, nên những tháng cuối năm toàn ngành phải làm ra thêm 22 nghìn tỷ đồng thì nông nghiệp mới tăng trưởng với giá trị tổng sản lượng là 3,4% và giá trị gia tăng xấp xỉ 3% như mong đợi của Chính phủ.

Để hoàn thành mục tiêu này, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các đơn vị cần rà soát lại chuỗi giá trị đối với sản phẩm có thị trường, có thể mở rộng sản xuất, hỗ trợ nông dân và DN đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục thực hiện các giải pháp để duy trì, mở rộng thị trường, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đồng thời thực hiện đồng bộ các biện pháp tạo thuận lợi cho các DN đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Đối với lúa gạo, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân sản xuất giống lúa có chất lượng cao, theo dõi diễn biến thị trường thế giới, hướng dẫn sản xuất vụ lúa Thu Đông với quy mô lớn hơn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, Bộ đã thành lập một tổ công tác đặc biệt, có nhiệm vụ rà soát các loại phí, lệ phí, đơn giản hóa, cắt bỏ những thủ tục hành chính rườm rà. Với những nỗ lực của toàn ngành, hy vọng xuất khẩu nông sản sẽ có những khởi sắc trong 6 tháng cuối năm, hoàn thành mục tiêu đề ra cho năm 2015.

THANH TÙNG