Tiến tới thị trường phát điện cạnh tranh: Chặng đường còn dài

Đầu tư - Ngày đăng : 07:45, 09/07/2015

(BKTO) - Tại Hội thảo xây dựngthể chế thị trường năng lượng cạnh tranh ở Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Cung - Việntrưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, tuy lộ trình xâydựng thị trường phát điện cạnh tranh đã kết thúc (năm 2014), nhưng Việt Nam vẫnchưa thực sự có được thị trường phát điện cạnh tranh. Chung nhận định này, nhiềuchuyên gia nhấn mạnh rằng sự thành công của cải cách phụ thuộc rất nhiều vào mứcđộ và tốc độ cải cách thể chế.



Nếu tách chức năng buôn bán điện và truyền tải điện thì thị trường năng lượng cạnh tranh mới vận hành được. Ảnh: T.K
Cùng góp phần lý giải nhận định trên, ông Nguyễn Văn Vịnh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) cho rằng, từ những năm 1990-2000, chúng ta đã bàn rất nhiều về giá điện và thực tế cho thấy chúng ta gặp phải vấn đề lớn về mặt thể chế khi quy định các chức năng truyền tải và thu phí thuộc cùng một đầu mối, nhà buôn bán điện đồng thời là nhà vận hành. Những quy định này đã không tạo nên áp lực cạnh tranh, phải thay đổi. Nếu tách chức năng buôn bán điện và truyền tải điện thì thị trường năng lượng cạnh tranh mới vận hành được. Khi đó, vai trò của Nhà nước là giữ ổn định giá trần như thế nào để đảm bảo ổn định toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội…

Nhiều ý kiến chuyên gia tại Hội thảo cũng phân tích thêm: Trong quá trình tiến tới thị trường phát điện cạnh tranh, chúng ta đã thành lập 3 đơn vị đầu mối là Công ty Mua bán điện (đơn vị mua buôn duy nhất); Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia (đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện); Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (cung cấp dịch vụ truyền tải điện). Tuy nhiên hiện nay cả 3 đơn vị đầu mối này đều vẫn trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chứ chưa được tách biệt thành các đơn vị độc lập.

Thừa nhận rằng mức độ cạnh tranh của thị trường phát điện Việt Nam là thấp, đại diện của Viện Năng lượng (Bộ Công thương) đã nêu ra 3 lý do. Thứ nhất là trong thị trường phát điện cạnh tranh, Cục Điều tiết điện lực đặt điều kiện công suất từ 30MW trở lên mới được tham gia đấu giá nên mới chỉ có khoảng 50% số lượng các nhà máy điện đủ điều kiện, vì thế mức độ cạnh tranh không cao (ngoại trừ những nhà máy thủy điện lớn và những dự án BOT có lợi thế do được ký hợp đồng dài hạn). Thứ hai là về cơ cấu, nhiều chức năng của thị trường vẫn nằm trong EVN. Thứ ba là về thỏa thuận mua bán điện, trước chỉ có hợp đồng mua bán với nhà máy có công suất trên 30MW, hiện nay mới có hợp đồng mua bán với nhà máy có công suất thấp dưới 30MW.

Tại Hội thảo, bên cạnh khuyến nghị cần phải tách bạch rõ ràng vị trí, vai trò, chức năng của các đơn vị mua buôn, vận hành, truyền tải để có được thị trường phát điện cạnh tranh thì ý kiến chung nhất nữa được các chuyên gia đưa ra là: “Vấn đề quan trọng nhất là giá cả và chất lượng cung cấp dịch vụ, làm sao để nhà sản xuất đến được với người tiêu dùng”.

Theo Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, giá điện ở thời điểm năm 2000 là hợp lý và rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án điện. Nhưng sau đó do lạm phát tăng cao, đồng tiền Việt Nam mất giá nên khi tính toán lợi nhuận đầu tư theo USD thì giá điện không còn hấp dẫn nữa. Ngành điện lý giải rằng do giá điện thấp nên không đủ hấp dẫn nhà đầu tư, vì thế đề xuất tăng giá điện, dồn thêm gánh nặng lên người dân. Trong tình hình hiện nay, vấn đề cần xới lại là phải có quy chế và cách tính giá điện cho hợp lý. Đồng tình với cách tính giá điện lũy tiến nhưng theo TS. Lê Đăng Doanh cần căn cứ vào nhu cầu thực của người dân, đồng thời tính đến năng lực cạnh tranh của các DN.

Đặc biệt, cần phải đặt giá điện trong bối cảnh năm 2016: giá cả các mặt hàng của Việt Nam phải cạnh tranh với các nước ASEAN để có điều chỉnh phù hợp, nếu không viễn cảnh của năm 2016 sẽ là một viễn cảnh phức tạp. Nếu không, ngành điện có thể đảm bảo lợi ích của mình nhưng sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế, chẳng hạn như ngành thép - một ngành tiêu thụ điện năng rất lớn - hiện nay đã không thể cạnh tranh được với thép ngoại nhập.

Liên quan đến việc xây dựng biểu giá điện, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng nhiệm vụ này có thể giao cho Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật - nơi có nhiều thành viên am hiểu về lĩnh vực điện và hoạt động nằm ngoài lợi ích của EVN - xây dựng, chứ không nên để EVN vừa là nhà sản xuất, vừa xây dựng biểu giá bán điện. Đồng thời nên huy động vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cùng tham gia giám sát.

Để giải quyết những vấn đề nêu trên ở tầm vĩ mô, các chuyên gia cũng chỉ rõ, mấu chốt cơ bản hiện nay là thể chế. Hiện nay, Bộ Công thương vừa là người đồng sở hữu, vừa đảm nhiệm vai trò quản lý Nhà nước. Cho nên, cần phải tách chức năng giám sát, điều tiết ra khỏi Bộ Công thương, thành lập ra một cơ quan giám sát, điều tiết độc lập. Đồng thời cũng cần tách chức năng chủ sở hữu ra khỏi Bộ Công thương, chuyển cho một đơn vị khác để Bộ Công thương chỉ thuần túy làm chức năng quản lý Nhà nước. Việc giám sát và điều tiết độc quyền về điện lực cũng không nên giao cho Cục Quản lý cạnh tranh mà nên giao cho một cơ quan khác - có thể trực thuộc Quốc hội hoặc hoạt động theo luật, tạo thành mô hình tương tự như một số nền kinh tế thị trường khác.

HỒNG THOAN