Dự thảo Luật PPP: Quy định chặt chẽ, minh bạch hơn về dự án BT
Đối nội - Ngày đăng : 16:05, 18/05/2020
(BKTO) - Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hợp đồng theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) theo hướng chặt chẽ, minh bạch hơn, nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc phát sinh trong thời gian qua.
Những hạn chế trong thực hiện dự án BT thời gian qua có thể dẫn đến thất thoát lớn về nguồn lực đất đai tại các địa phương. Ảnh: P.Tuân
Nguy cơ thất thoát nguồn lực đất đai
Thảo luận về Dự thảo Luật PPP tại Kỳ họp thứ 8, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị dừng việc triển khai mới các dự án áp dụng loại hợp đồng BT, không quy định trong Luật PPP về loại hợp đồng BT vì không hoàn toàn đúng bản chất của dự án PPP. Từ thực tiễn triển khai các dự án BT thời gian qua cũng cho thấy, hợp đồng theo hình thức BT đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc như: xác định chưa chính xác giá trị công trình BT, giá trị quỹ đất gây thất thoát lớn, chưa bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án… đồng thời cũng không gắn trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc bảo trì dài hạn, hỗ trợ tổ chức, đơn vị vận hành công trình.
Những bất cập và nguy cơ thất thoát trong các dự án BT cũng đã được KTNN phát hiện qua kiểm toán các dự án BT triển khai thời gian qua. Dẫn chứng một số sai sót điển hình, ThS. Lê Minh Nam - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - cho biết: Việc lập dự án, thiết kế dự toán do nhà đầu tư lập, phê duyệt và thực hiện dẫn đến “vừa đá bóng vừa thổi còi” thường làm tăng chi phí đầu tư gây lãng phí, thất thoát. Việc giao đất đã giải phóng mặt bằng thanh toán dự án BT không thông qua hình thức đấu giá là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở của việc “xin cho” tạo ra thất thoát NSNN. Phần lớn các dự án BT được giao đất trước khi hoàn thành công trình BT, có đơn giá đất tại thời điểm giao đất thấp hơn nhiều so với đơn giá đất tại thời điểm bàn giao công trình dẫn đến việc thanh toán không đảm bảo nguyên tắc ngang giá, làm lợi cho nhà đầu tư, gây thiệt hại cho NSNN. Về phương án tài chính, thực chất gần như toàn bộ dự án (khoảng 85%) là vốn của Nhà nước hoặc là vốn của Nhà nước đi vay với mức lãi suất cao hơn lãi suất Nhà nước huy động để đầu tư thực hiện dự án. Điều này cho thấy, việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho NSNN. Giá đất được tính toán của các khu đất thanh toán hợp đồng BT thường thấp hơn giá thị trường do không thông qua đấu giá, hơn nữa, mỗi địa phương, đơn vị áp dụng một phương pháp tính giá khác nhau gây thất thoát NSNN.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, trong bối cảnh chưa xem xét sửa đổi, bổ sung quy định tại Luật Đất đai và quy định tại một số luật liên quan một cách phù hợp thì những hạn chế, bất cập trong thực hiện dự án BT có thể dẫn đến thất thoát lớn về nguồn lực đất đai tại các địa phương.
Quy định chặt chẽ để xử lýcác vấn đề tiêu cực
Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua, BT là một trong những phương thức thực hiện chủ yếu trong các phương thức PPP và hiện vẫn còn nhiều dự án đang triển khai. Vì vậy, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục triển khai dự án theo hình thức hợp đồng BT nhưng cần quy định chặt chẽ và minh bạch, bảo đảm xử lý được các vấn đề tiêu cực xảy ra thời gian vừa qua.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật PPP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 44 đã sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến dự án BT theo phương thức mới theo hướng chặt chẽ hơn, tạo lập cơ sở pháp lý thống nhất để điều chỉnh dự án BT nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc phát sinh trong thời gian qua và bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về NSNN. Theo đó, Dự thảo Luật bổ sung quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo pháp luật về đầu tư công trở lên có sử dụng quỹ đất để thanh toán; bổ sung quy định về dự kiến phương thức thanh toán cho nhà đầu tư đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; quy định về dự kiến sử dụng tài sản công, quyền khai thác, kinh doanh công trình, dịch vụ để thanh toán cho nhà đầu tư. Đặc biệt, Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về sơ tuyển, đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư; quy định trách nhiệm của nhà đầu tư sau khi chuyển giao công trình vẫn phải chịu trách nhiệm bảo trì dài hạn, hỗ trợ tổ chức, đơn vị vận hành công trình...
Cùng với đó, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các luật liên quan nhằm minh bạch hơn nữa trong quản lý và xử lý các vấn đề tiêu cực trong triển khai thực hiện dự án BT. Cụ thể, cần rà soát quy định pháp luật về trình tự, thủ tục sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án theo phương thức BT; đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật PPP và sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản, quy định đấu thầu đồng thời dự án BT và đấu thầu (hoặc đấu giá) “quỹ đất, trụ sở làm việc” thanh toán dự án BT để lựa chọn đồng thời nhà đầu tư dự án BT và nhà đầu tư “dự án khác”; đơn vị trúng thầu là đơn vị có hiệu số giữa giá đấu giá tài sản, trừ đi giá bỏ thầu thực hiện dự án cao nhất…
Đ. KHOA