Đại dịch Covid-19 và sự suy yếu của chủ nghĩa đa phương

Đối ngoại - Ngày đăng : 16:56, 20/05/2020

(BKTO) - Thế giới đã chứng kiến rất nhiều thay đổi do đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Cuộc khủng hoảng y tế quy mô toàn cầu này không chỉ làm đảo lộn cuộc sống của người dân, khiến giới DN điêu đứng mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai nền chính trị, kinh tế toàn cầu trước bối cảnh chủ nghĩa đa phương tỏ ra yếu thế trước sự lấn áp từ chủ nghĩa đơn phương.


                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm

   

Sự rạn nứt từ các tổ chức đa phương

Chủ nghĩa đa phương là một trong những khái niệm góp phần định hình các mối quan hệ quốc tế từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Là hình thức hợp tác sâu rộng giữa nhiều quốc gia dân tộc, dựa trên các giá trị cốt lõi của sự bình đẳng, tự nguyện, cùng có lợi, cam kết vì mục đích chung, chủ nghĩa đa phương được đánh giá là mô hình quan hệ quốc tế đem lại lợi ích to lớn cho tất cả các bên, góp phần làm nên một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chủ nghĩa đa phương đối mặt với nhiều thách thức do tác động của chính trị cường quyền, chủ nghĩa dân túy, suy giảm cam kết chính trị, chủ nghĩa thực dụng… Đại dịch toàn cầu Covid-19 lại một lần nữa cho thấy tinh thần đa phương phần nào đã bị xói mòn.

Trước sự tàn phá của Covid-19, thế giới trông chờ các tổ chức đa phương nhanh chóng đưa ra những giải pháp mang tính quốc tế, nhằm giúp các quốc gia thành viên có chiến lược thống nhất, cùng nhau hạn chế sự lây lan của virus và giảm thiểu hậu quả của dịch bệnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các nước đã đơn phương thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ người dân, trong khi không ít liên minh và tổ chức quốc tế tỏ ra lúng túng, chậm trễ, thậm chí có dấu hiệu rạn nứt.

Có thể thấy rõ nhất điều này khi nhìn vào Liên minh châu Âu (EU), nơi các nước thành viên đã đơn phương đóng cửa biên giới, đình chỉ hoạt động đi lại và vận tải khi dịch bùng phát ở Italy mà không có sự phối hợp. Nói cách khác là không có một phản ứng chung. EU còn bị chỉ trích đã “bỏ rơi” Italy vào thời khắc sinh tử khi nước này phải oằn mình chống chọi với đại dịch. Italy đã trải qua một tháng 3 kinh hoàng khi số người nhiễm và tử vong do Covid-19 tăng chóng mặt, trong khi các bệnh viện thiếu thốn trang thiết bị y tế trầm trọng. Bất chấp lời kêu gọi của Italy, không một thành viên EU nào gửi viện trợ, thậm chí một số nước còn ngăn chặn việc xuất khẩu thiết bị y tế và thuốc men. Từng là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết và thịnh vượng chung, Covid-19 một lần nữa phơi bày sự chia rẽ của EU, vốn đã chịu nhiều sức ép từ sự kiện Brexit.

Chủ nghĩa đa phương không chỉ rạn nứt ở châu Âu mà đã xuất hiện ở nhiều cơ chế hợp tác khác ngay trong lúc thế giới cần đoàn kết nhất. Tại hội nghị trực tuyến hồi tháng 3 vừa qua, Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) đã không thể ra tuyên bố chung về đối phó Covid-19 do bất đồng giữa các thành viên. Một phần của bất đồng xuất phát từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/3 đơn phương công bố quyết định ngừng mọi hoạt động đi lại từ châu Âu (trừ Anh) tới Mỹ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch, quyết định bị EU phản đối vì không được tham vấn và không có sự phối hợp. Điều này không chỉ gây chia rẽ khi các nước lần lượt đưa ra tuyên bố riêng mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện cam kết mà G7 đưa ra về triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ lao động, DN và tăng trưởng kinh tế.

Một thể chế đa phương khác, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), mặc dù ra tuyên bố chung với các cam kết hợp tác, song nội dung sau đó bị đánh giá là chung chung và mơ hồ. G20 cam kết “làm mọi việc có thể” để giảm thiểu đối đa hậu quả do đại dịch gây ra, song không nói rõ chiến lược cụ thể. G20 cũng không thể nhất trí về đề nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tăng gấp đôi viện trợ khẩn cấp nhằm hỗ trợ các nước nghèo ứng phó Covid-19.

Giữa cuộc khủng hoảng, dư luận dồn sự chú ý về Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhưng tổ chức này lại bị chỉ trích là chậm chạp và kém hiệu quả trong vai trò điều phối nỗ lực chung ứng phó với đại dịch. Trong khi đó, Mỹ tuyên bố tạm dừng tài trợ cho WHO cũng như không tham gia sáng kiến chống Covid-19 toàn cầu của WHO vì cho rằng tổ chức này “đã thất bại trong chính nhiệm vụ cơ bản của mình”. Giống như việc rút khỏi các thỏa thuận quốc tế trước đây, hành động lần này của Mỹ là thách thức lớn đối với chủ nghĩa đa phương toàn cầu.

Ngoài ra, việc các nước đơn phương đóng cửa và hạn chế xuất khẩu để bảo vệ mình trước dịch bệnh cũng làm dấy lên lo ngại về sự gia tăng rào cản kinh tế và chủ nghĩa bảo hộ. Điều này đặt ra bài toán hóc búa cho Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong việc duy trì một hệ thống thương mại đa phương hoạt động hiệu quả.

Vai trò WTO bị lung lay

Đã có một thời thế giới vang dội những khúc hoan ca vinh danh toàn cầu hóa, mà biểu tượng là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay Liên minh châu Âu (EU). Thập niên vừa kết thúc, toàn cầu hóa vẫn tiếp tục trong một số cấu trúc, song đến giữa thập niên đã thấy hụt hơi.

Trước đó hai thập niên là thời kỳ hoàng kim của niềm tin vào những tập hợp chính trị và kinh tế mới - các cộng đồng khu vực từ EU đến ASEAN. Mới năm 2017 thôi, gần hết châu Á - Thái Bình Dương còn nức lòng trước viễn cảnh tự do thương mại toàn khu vực nhờ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đùng một cái, giấc mơ TPP chấm dứt, và ngay sau đó là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Đại dịch Covid-19 xảy ra và người ta kỳ vọng về việc các nước sẽ gắn kết chặt chẽ và sâu rộng hơn để khôi phục sau đại dịch. Tuy nhiên, cách các tổ chức đa phương ứng phó vớiCovid-19 thời kỳ đầu không khỏi làm dấy lên nghi ngại đại dịch sẽ là tác nhân khiến chủ nghĩa đa phương phải đối mặt thêm nhiều sóng gió.

Điều này thể hiện ở việc vai trò của WTO - biểu tượng của chủ nghĩa đa phương đã dần bị lung lay.Kể từ khi đi vào hoạt động ngày 1/1/1995, với sứ mệnh tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại tự do và công bằng, WTO đã thiết lập những tiêu chuẩn và quy tắc chi phối các hiệp định thương mại quốc tế và được coi là trung gian hòa giải tranh chấp thương mại, đưa các nước ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết mâu thuẫn, thu hẹp bất đồng, qua đó thúc đẩy các chuẩn mực dựa trên quy tắc vì lợi ích chung. Sau 25 năm hoạt động, WTO đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên một sân chơi thương mại công bằng cho các nước thành viên.

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Mỹ - quốc gia có ảnh hưởng lớn trong WTO - ngày càng ủng hộ chủ nghĩa đơn phương. Ông Trump không tin tưởng vào các tổ chức đa phương nói chung và WTO nói riêng.

Ông cho rằng các thỏa thuận trong khuôn khổ WTO gây cản trở chủ quyền của Mỹ; rằng Mỹ gánh vác quá nhiều các gánh nặng tài trợ và trong trường hợp của WTO, tổ chức này đã nghiêng “sân chơi” về phía các đối thủ cạnh tranh với Mỹ. Tổng thống Trump không ít lần bày tỏ sự thất vọng về WTO và đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi tổ chức này.

Việc Mỹ ngăn chặn WTO bổ nhiệm thẩm phán mới cho tòa phúc thẩm WTO đã chính thức châm ngòi cho cuộc khủng hoảng hiện tại của WTO. Kể từ ngày 11/12/2019, cơ quan phúc thẩm WTO - cơ quan có thẩm quyền xét xử cao nhất để giải quyết các tranh chấp thương mại toàn cầu - đã rơi vào tình trạng tê liệt, vì chỉ còn một thẩm phán, trong khi quy định về tranh chấp thương mại cần tối thiểu 3 thẩm phán để duy trì hoạt động.

WTO vì thế sẽ không thể hoàn thành được nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp thương mại, dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm là xu hướng các nước tự đơn phương đáp trả lẫn nhau. Sự bế tắc giữa Mỹ và các thành viên WTO khác cũng đang làm tê liệt WTO. Châu Âu ủng hộ một tòa án thương mại toàn cầu, trong khi Washington muốn có cơ chế trọng tài đặc biệt cho mỗi tranh chấp.

Theo Thời báo Phố Wall, WTO hiện đang phải đối mặt với ba vấn đề căn bản. Thứ nhất, thể chế này đã không hoạt động hiệu quả để giải quyết các tranh chấp cũng như nỗ lực cải tổ. Kể từ khi thành lập năm 1995, WTO chưa có bất kỳ một vòng đàm phán thương mại toàn diện mới nào, một phần bởi các quy tắc của WTO đòi hỏi sự đồng thuận để thông qua các thỏa thuận. Ngoài ra, WTO cũng thất bại trong việc giải quyết các hành xử thương mại bất công.

Thứ hai, các quy tắc WTO không bao hàm các lĩnh vực thương mại số, các dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới và nhiều dịch vụ như hàng không thương mại. Những quy tắc này đã không giải quyết được vấn đề trợ cấp của các nước đang phát triển.

Thứ ba, Mỹ đã luôn cho rằng cơ quan phúc thẩm WTO đã hoạt động vượt quá thẩm quyền của mình. Đó là giải quyết các trường hợp cụ thể bằng cách sử dụng các quy tắc được thương lượng bởi các quốc gia thành viên.

Giữa những trùng vây khó khăn,Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo - ngườinắm vai trò quan trọng trong quan hệ hợp tác thương mại quốc tế ngày 14/5 vừa qua lại bất ngờ thông báo sẽ từ chức vào ngày 31/8 tới, sớm hơn một năm so với kế hoạch. Việc ông Roberto Azevedo từ chức sẽ để lại một khoảng trống ở vị trí lãnh đạo và càng làm tăng thêm những bất ổn thương mại toàn cầu.

Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ nếu WTO bị “xóa sổ” thì thế giới sẽ quay trở lại thời kỳ “lý lẽ thuộc về kẻ mạnh” trong quan hệ thương mại quốc tế. Do đó, nhu cầu cải cách WTO ngày càng trở nên cấp thiết để cho phép tổ chức này vẫn là nhân tố chủ chốt trong hệ thống đa phương trong cuộc chiến "sống còn" với chủ nghĩa đơn phương đang dần chiếm ưu thế.
NAM SƠN(Tổng hợp)