Giải pháp phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện trong dịch Covid-19

Xã hội - Ngày đăng : 10:37, 21/05/2020

(BKTO)- Ngày 19/5, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến, với chủ đề “Phát triển BHXH tự nguyện trong dịch Covid-19”. Tại buổi giao lưu, các khách mời đã chia sẻ về thực trạng cũng như đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường và ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển đối tượng tham gia BHXH.


                
   

Cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân chính sách BHXH tự nguyện- Ảnh: ST

   

Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện giảm 16 nghìn người

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Ngọc Thanh- Trưởng ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân dân cho biết, hiện nay, hệ thống cơ chế, chính sách về BHXH tự nguyện đã thông thoáng và đầy đủ, bảo đảm hành lang pháp lý và tạo điều kiện tối đa để người dân, người lao động (NLĐ) tham gia BHXH tự nguyện, mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Tuy nhiên, số người tham gia BHXH tự nguyện còn chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 xảy ra, đã và đang ảnh hưởng phần nào đến công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Theo số liệu ước tính của BHXH Việt Nam, đến ngày 30/4, số người tham gia BHXH tự nguyện khoảng 557 nghìn người đang tham gia, giảm 16 nghìn người so với thời điểm hết năm 2019 là 573 nghìn người.

Nhận định về nguyên nhân dẫn đến giảm số người tham gia BHXH tự nguyện trong những tháng đầu năm 2020, bà Đinh Mai Hạnh- Phó Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết, từ đầu năm đến nay, do tác động của dịch bệnh nên số đối tượng phát triển mới không nhiều. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về BHXH tự nguyện cũng không được triển khai đúng tiến độ, cơ quan BHXH và Bưu điện phải thực hiện quy định giãn cách xã hội nên không phối hợp tổ chức được các hội nghị tuyên truyền. Trong khi đó, người tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là lao động tự do, trong thời gian dịch bệnh không có việc làm và thu nhập, nên một số người đã tạm dừng đóng BHXH tự nguyện.

Chia sẻ thực tế địa phương, theo ông Vũ Đức Khiên - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hải Dương, trong 5 tháng đầu năm 2020, tỉnh Hải Dương đã giảm 21.600 lao động tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tăng hơn 770 người. Trong thời điểm dịch Covid-19, BHXH tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền qua số điện thoại của những người đã tham gia để vận động họ tiếp tục tham gia. Tuy nhiên, việc không tổ chức tuyên truyền tại các khu dân cư, các hộ gia đình dẫn đến số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện dù tăng nhưng không nhiều.

Đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách, lợi ích của BHXH tự nguyện

Theo ông Trần Hải Nam- Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đây là thời điểm quan trọng để thực hiện mục tiêu mở rộng độ bao phủ BHXH tự nguyện, dù trong bối cảnh gặp phải thách thức bởi dịch bệnh Covid-19. Nghị quyết số 28/NQ-TW đặt mục tiêu đến năm 2021 đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tuy nhiên, trong quý I và quý II/2020, đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thách thức không nhỏ trong việc thực hiện mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH.

Để hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, ông Trần Hải Nam cho rằng, về ngắn hạn cần tập trung tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ về lợi ích của chính sách là bảo đảm ổn định thu nhập lâu dài cho người dân khi về già. Bên cạnh đó, các địa phương trong khả năng nguồn lực của mình có thể có thêm gói chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn (ngoài gói hỗ trợ của Chính phủ), nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và có điều kiện duy trì tham gia BHXH tự nguyện. Còn về lâu dài, cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về BHXH, hướng tới linh hoạt, đa dạng các chế độ thụ hưởng, để phù hợp với nhu cầu của người dân.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, ông Trần Hải Nam cho biết, trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách ở một số địa phương thì thông tin chính sách về BHXH còn chưa đến được với người dân. Qua khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH thì có hơn 70% người dân khi được hỏi còn chưa được biết đến chính sách, hoặc biết đến chính sách còn chưa đầy đủ, còn có sự nhầm lẫn giữa chính sách BHXH với các sản phẩm bảo hiểm thương mại khác.

Đây chính là những hạn chế dẫn tới khó khăn trong công tác vận động, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong những năm qua. Khi người dân còn chưa hiểu những lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện thì cũng rất khó để vận động, kêu gọi mọi người tham gia. Chính vì vậy, năm 2019, Bộ LĐ- TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1676/QĐ-TTg về Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý lấy tháng 5 hằng năm là tháng vận động triển khai BHXH toàn dân. Đây là dịp để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, thu hút sự chú ý của các tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức của người lao động và xã hội về những lợi ích của BHXH; từ đó tuyên truyền, khuyến khích vận động nhân dân tham gia BHXH hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; động viên và nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chủ động tham gia BHXH cho người lao động.

NGUYÊN AN