Nghệ thuật sân khấu tìm cách mới tiếp cận khán giả
Xã hội - Ngày đăng : 18:05, 21/05/2020
(BKTO) - Giữa lúc dịch Covid- 19 lan rộng, buộc cộng đồng phải giãn cách, nghệ thuật là sự kết nối và nguồn cổ vũ tinh thần to lớn đối với rất nhiều người. Đã có nhiều hình thức biểu diễn làm phong phú thêm cho hoạt động phổ biến, quảng bá nhằm phục vụ công chúng yêu nghệ thuật.
Cảnh trong vở “Bạch đàn liễu” của sân khấu Lực Team sẽ ra mắt khán giả đầu tháng 6 tới |
Đưa nhà hát đến nhà bạn
Thông tin vở ballet kinh điển “Người đẹp ngủ trong rừng” của Nhà hát Bolshoi danh tiếng hàng đầu nước Nga “công diễn” hoàn toàn miễn phí trên YouTube với 900.000 người xem, khiến đạo diễn, NSƯT Trần Lực ngưỡng mộ. Hiện đang là ông chủ của sân khấu Lực Team (đạo diễn Trần Lực và nhóm các nghệ sĩ trẻ), những vở diễn sân khấu theo hình thức ước lệ biểu hiện được chính NSƯT Trần Lực dàn dựng qua các vở “Quẫn”, “Nữ ca sĩ hói đầu”, “Cơn ghen của Lọ Lem”… trong hai năm trở lại đây đã góp thêm làn gió mới cho sân khấu nước nhà. Khán giả ủng hộ, các vở diễn của Lực Team đều bán được vé, có lợi nhuận.
Nhưng theo lời chia sẻ của nghệ sĩ Trần Lực, sức truyền thông, quảng bá của sân khấu Việt Nam chưa nhiều, chưa thuận lợi, bởi chi phí dành cho hạng mục này chưa được chú trọng ở các nhà hát, cũng như tính phổ biến cho các vở diễn sân khấu chưa có sức lan tỏa. Thế nên khi thông tin Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch-VHTTDL) đang tìm cách hỗ trợ các nhà hát, nghệ sĩ bằng giải pháp mở “Nhà hát online”, đạo diễn Trần Lực rất tán thành: “Tôi rất mong muốn vở diễn của Lực Team khi phát trên nền tảng số mà có hàng trăm nghìn người xem. Có thể công diễn hoàn toàn miễn phí, chúng tôi không thu được lợi nhuận, nhưng ít ra vở diễn được quảng bá, tuyên truyền. Người xem không xem hôm nay có thể xem được vào hôm khác. Ngoài khán giả trong nước thì người Việt ở nước ngoài, khán giả quốc tế có thể xem”.
“Đưa nhà hát đến nhà bạn. Một hình thức biểu diễn cho sân khấu trên nền tảng số, công nghệ. Chúng tôi rất ủng hộ và mong chờ giải pháp này được triển khai thật nhanh”, NSND Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam hào hứng. Theo NSND Thanh Ngoan, sau thời gian phòng, chống dịch Covid-19, kéo khán giả ra khỏi nhà để đến sân khấu xem vở diễn, ít nhất phải trong 1-2 tháng tới. Nhiệm vụ của các đơn vị nghệ thuật vẫn hoàn thành với việc dàn dựng vở diễn, tập luyện kịch mục. Nhưng nếu chỉ cứ tập mà không diễn, khán giả không tiếp cận thì nghệ sĩ, diễn viên cũng rất nản. Việc đưa ra giải pháp nhà hát online, chí ít nghệ sĩ cũng được lên sân khấu, được làm nghề. Mặt khác cũng là giải pháp để các nhà hát được đặt hàng dàn dựng vở, được đầu tư kinh phí, bảo đảm đời sống cho anh chị em nghệ sĩ giữ nhiệt huyết với nghề.
Hiến kế cho hoạt động biểu diễn
NSND Thanh Ngoan hiến kế, truyền hình có các khung “giờ vàng” phim Việt thì nhà hát online cũng cần có chiến lược cụ thể cho từng loại hình sân khấu, chương trình ca múa nhạc, xiếc, múa… Chẳng hạn có khung “giờ vàng” tương tác, đối thoại với các nghệ sĩ tên tuổi của cải lương, chèo, múa; khung giờ cho các vở diễn kinh điển của các loại hình nghệ thuật. Tức là khi đã đưa lên nhà hát online thì các kịch mục, vở diễn, tiểu phẩm, chân dung nghệ sĩ, diễn viên... phải có sự đầu tư dàn dựng công phu từ không gian cho đến âm thanh, mỹ thuật; các nhà hát bảo đảm chất lượng của các vở diễn phải tốt mới mong thu hút được khán giả.
Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn cho biết: “Trong thời buổi công nghệ, các vlog hay clip rất phát triển, chúng ta đang có dữ liệu nhưng cần xem xét có đủ điều kiện để phát hay không. Trên YouTube, các sản phẩm có thời lượng rất ngắn, các loại hình sân khấu, nghệ thuật biểu diễn của chúng ta khó tiếp cận đối tượng trẻ nên cần cân nhắc đến đối tượng và làm thì làm như thế nào, phân biệt đối tượng khán giả và thời lượng phát như thế nào. Vì nếu phát một vở dài thì rất khó để thu hút người xem”.
Chia sẻ với những khó khăn của các nhà hát trong thời gian qua do chịu ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, ông Tạ Duy Đông - Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng đã có chủ trương hỗ trợ các nhà hát trong thời gian tới. Cục Nghệ thuật biểu diễn và Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ VHTTDL) đang nghiên cứu cơ chế tăng cường đặt hàng, đặc biệt là đối với các nhà hát truyền thống, chú trọng các tác phẩm lớn, có giá trị nghệ thuật cao. Nghiên cứu phương thức xây dựng nhà hát online là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Nếu đơn vị quản lý nhà nước, cụ thể là Cục Nghệ thuật biểu diễn có một kênh riêng để quản lý, giới thiệu các loại hình nghệ thuật đến công chúng thì đó là một việc làm cần thiết và hữu ích trong thời đại công nghệ số như hiện nay.
Tuy nhiên, nhà hát online chỉ là một giải pháp mở, phù hợp với thời điểm mà khán giả đang có tâm lý e ngại chưa muốn đi xem biểu diễn trực tiếp. Vấn đề mấu chốt là phải làm sao kéo được khán giả đến rạp. Lãnh đạo một số nhà hát cho rằng, nên chăng, Bộ VHTTDL có thể tài trợ một số buổi diễn cho các nhà hát theo hình thức trước đây mà bộ đã làm, đó là tổ chức chuỗi các chương trình nghệ thuật, tác phẩm đạt chất lượng cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Giờ đây, thay vì ở Nhà hát Lớn thì các nhà hát có thể diễn ngay tại rạp của mình, nếu nhà hát nào chưa có rạp thì được hỗ trợ địa điểm biểu diễn. Rạp hát vừa có cơ hội được đỏ đèn, nghệ sĩ có cơ hội biểu diễn và khán giả sẽ có cơ hội để trở lại với thói quen thưởng thức nghệ thuật trực tiếp.
Theo qdnd.vn