Tăng cường đào tạo tại các KTNN chuyên ngành, khu vực

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 15:20, 17/12/2015

(BKTO) - Thời gian qua và sắp tới, đặc biệt là năm 2015-2016, KTNN rất chú trọngđến công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm tăng cường năng lực, phẩm chất, tínhchuyên nghiệp của đội ngũ công chức, kiểm toán viên nhà nước. Hưởng ứng chủtrương này, bên cạnh những hoạt động đào tạo trọng tâm quy mô toàn ngành, nhiềuđơn vị trực thuộc KTNN đã tích cực, chủ động triển khai nhiều chương trình đàotạo riêng mang lại hiệu quả cao.




Nhiều đơn vị trực thuộc KTNN đã tích cực, chủ động triển khai chương trình đào tạo riêng mang lại hiệu quả cao. Ảnh: ĐỖ TRÍ


Tự đào tạo nâng caochất lượng nguồn nhân lực

Theo lãnh đạo KTNN chuyên ngành II, hàng năm, đơn vị luôn xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo hướng dẫn, yêu cầu của ngành và tổ chức thực hiện theo kế hoạch. Kế hoạch đào tạo được đơn vị xây dựng thường tập trung vào các nội dung: tập huấn chuyên đề về mục tiêu, nội dung trọng tâm kiểm toán theo từng năm, kinh nghiệm về một số sai sót thường gặp trong kiểm toán tài chính, tài sản công của các Bộ, ngành; chính sách, chế độ mới của Nhà nước về các nội dung được kiểm toán; tập huấn về hệ thống Chuẩn mực KTNN; Chỉ thị của Tổng Kiểm toán Nhà nước về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ và nâng cao chất lượng kiểm toán… Ngoài ra, đối với một số Đoàn kiểm toán chuyên đề có những nội dung mới thì trước khi triển khai Kế hoạch kiểm toán, KTNN chuyên ngành II thường mời một số chuyên gia của các Bộ, ngành đến tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên trong Đoàn nhằm giúp các kiểm toán viên có kiến thức, kinh nghiệm và cách xác định trọng tâm kiểm toán phù hợp.

Đại diện KTNN chuyên ngành III cho biết: Song song với việc cử cán bộ, công chức, kiểm toán viên tham gia các lớp đào tạo do ngành tổ chức, đơn vị cũng tự tổ chức nhiều lớp đào tạo cho các kiểm toán viên. Hình thức đào tạo này mang lại tác động tích cực trong việc trau dồi kiến thức, kinh nghiệm cho kiểm toán viên, trang bị kỹ năng nhất định cho kiểm toán viên trong quá trình kiểm toán. Đáng chú ý, bên cạnh những nội dung đào tạo tương tự như nhiều đơn vị khác giúp cho kiểm toán viên kịp thời nắm bắt được mục tiêu, nội dung trọng tâm kiểm toán hàng năm; cơ chế chính sách mới…, KTNN chuyên ngành III còn tổ chức các lớp trao đổi về kiểm toán hoạt động, tọa đàm về kiểm soát chất lượng kiểm toán, tọa đàm trao đổi nhật ký kiểm toán điện tử.

Tại KTNN chuyên ngành VI, hàng năm, đơn vị thường tổ chức từ 10 đến 12 lớp bồi dưỡng, đào tạo, cập nhật kiến thức trong nội bộ. Hoặc tại KTNN chuyên ngành VII, mỗi năm đơn vị cũng tổ chức từ 15 đến 16 lớp tập huấn, trao đổi nghiệp vụ. Hơn nữa, tính đến giữa năm 2015, đơn vị đã chủ động hợp tác với Công ty Kiểm toán Deloitte triển khai 4 khóa đào tạo giúp kiểm toán viên tăng cường kỹ năng kiểm toán chuyên nghiệp và nâng cao kiến thức trong kiểm toán lĩnh vực công nghệ thông tin. Đặc biệt, đơn vị đã thành lập được 30 nhóm nghiên cứu chuyên sâu cho từng nghiệp vụ kiểm toán cụ thể của lĩnh vực tài chính ngân hàng để tiến tới xây dựng bộ sách cẩm nang hướng dẫn tác nghiệp kiểm toán cụ thể đến từng nghiệp vụ. Còn tại KTNN khu vực I, mỗi năm đơn vị cũng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ khoảng 10 chuyên đề trong 15 ngày. Sau các đợt đào tạo, bồi dưỡng, đơn vị áp dụng các hình thức kiểm tra, đưa ra các tình huống để kiểm toán viên đưa ra hình thức xử lý. Từ năm 2012 đến nay, mỗi năm KTNN khu vực XI triển khai từ 5-6 lớp tự đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ với các chuyên đề khác nhau cho khoảng trên 1.000 lượt người tham gia … Qua công tác tự đào tạo, bồi dưỡng, các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực đã nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực nghiệp vụ thực tiễn cho cán bộ, công chức làm công tác kiểm toán. Nhiều cán bộ đã có bước tiến vững chắc, tự tin trong thực thi nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tập trung xây dựngchương trình đào tạo hiệu quả

Chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, lãnh đạo KTNN chuyên ngành VI nhấn mạnh, để xây dựng được chương trình đào tạo của đơn vị hiệu quả, cần phải yêu cầu các phòng nghiệp vụ xây dựng nội dung chương trình đào tạo có gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn, rút ngắn thời gian học lý thuyết, tăng cường thời lượng thực hành nhằm bổ sung kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho các kiểm toán viên.

Còn theo KTNN chuyên ngành III, trong công tác xây dựng nội dung, chương trình các lớp tập huấn, bên cạnh việc căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, còn phải tính đến đặc thù của đơn vị. Chẳng hạn, với đơn vị có đặc thù là nhiều kiểm toán viên trẻ, nội dung chương trình đào tạo cần hệ thống hóa kiến thức, kỹ năng phù hợp với thực tiễn hoạt động kiểm toán của đơn vị, trang bị những kiến thức nền tảng cho đội ngũ kiểm toán viên, tạo điều kiện cho các kiểm toán viên mới tiếp cận nhanh chóng nghiệp vụ chuyên môn.

Một vấn đề quan trọng, tác động trực tiếp đến chất lượng đào tạo tại các đơn vị chính là nguồn giảng viên. Trên thực tế, các đơn vị thường lựa chọn, mời giảng viên là các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan đến nhiệm vụ kiểm toán. Các báo cáo viên tham gia tập huấn, đào tạo cũng đều là lãnh đạo từ cấp Phòng trở lên, có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn vững, nhiệt huyết và nắm bắt được trình độ, kỹ năng của kiểm toán viên nên kết cấu bài giảng đưa ra phù hợp với nhu cầu. Yếu tố nữa giúp nâng cao hiệu quả của hoạt động tự tổ chức đào tạo là việc chủ động bố trí thời gian, tổ chức chương trình, thời lượng đào tạo hợp lý tại từng đơn vị.

Định hướng cho năm 2016, đại diện của các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực nhấn mạnh trọng tâm vào việc đảm bảo thời gian cho công tác chuẩn bị và thẩm định bài giảng trước khi triển khai thực hiện; đẩy nhanh việc xây dựng kế hoạch đào tạo của từng chuyên đề, lĩnh vực và phân công báo cáo viên. Đồng thời chú trọng việc mở rộng nguồn giảng viên chất lượng cao để có thể truyền đạt đến các kiểm toán viên những kiến thức chuẩn xác nhất, có căn cứ lập luận, bằng chứng xác thực và có tầm nhìn toàn diện hơn về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng.

HỒNG THOAN