Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam: Kỳ I :Quản lý tài chính chặt chẽ nhưng hiệu quả kinh doanh không đồng đều
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 15:00, 17/12/2015
(BKTO) - Báo cáo kiểm toán doKTNN phát hành tháng 01/2014. Sau khi thực hiện kiểm toán Tổng Công ty CảngHàng không Việt Nam(TCT) đã nhấn mạnh: “Xét trên khía cạnh trọng yếu, Báo cáo tàichính hợp nhất năm 2012 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, cũng như Báocáo tài chính năm 2012 của công ty mẹ và các công ty con sau khi điều chỉnh sốliệu theo kết quả kiểm toán đã phản ánh trung thực, hợp lý, phù hợp với các chuẩnmực kế toán hiện hành và kết quả hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ với NSNN năm2012”.
Công ty CP Thương mại hàng không Cam Ranh có tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản và vốn chủ sở hữu vào loại cao nhất TCT. Ảnh: T.S
Quản lý tài chính, tài sản chặt chẽ nhưng vẫn còn hạn chế
KTNN đã thực hiện kiểm toán tại công ty mẹ và 3 công ty con của TCT với quy mô, tỷ trọng các chỉ tiêu tài chính chủ yếu được kiểm toán so với tổng thể của đơn vị được kiểm toán như sau: doanh thu và thu nhập chiếm 74,76%, tổng chi phí chiếm 86,07%, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế 99,85%, các khoản phải nộp NSNN 96,49%. Đối với Dự án Nhà ga hành khách Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, KTNN chỉ kiểm toán nguồn vốn đầu tư và tình hình thanh toán Dự án từ khi hình thành đến thời điểm 30/6/2013, về vốn đầu tư thực hiện chỉ kiểm toán 7 gói thầu xây lắp và 7 khoản mục chi phí khác với tổng giá trị 854 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 62,92% tổng vốn đầu tư của toàn Dự án.
Qua kiểm toán, KTNN xác định TCT tổ chức quản lý vốn bằng tiền theo quy định, lập, luân chuyển chứng từ, mở sổ kế toán, ghi chép, theo dõi, quản lý thu, chi tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, cuối năm tài chính tổ chức kiểm kê quỹ (tiền mặt) và xác nhận số dư với các ngân hàng (tiền gửi). Đối với ngoại tệ các loại, đơn vị đã thực hiện ký kết hợp đồng với ngân hàng về dự toán thu chi ngoại tệ, định kỳ hàng tháng quyết toán với ngân hàng và ngân hàng mua lại ngoại tệ còn tồn đọng theo quy định.
Các đơn vị được kiểm toán đã theo dõi các khoản phải thu theo từng đối tượng, thực hiện đôn đốc thu nợ khi đến hạn. Tổng nợ phải thu tại thời điểm cuối năm là hơn 6.600 tỷ đồng, bằng 21,97% tổng tài sản, gồm phải thu ngắn hạn 6.351 tỷ đồng và phải thu dài hạn là 280,47 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải thu khách hàng cuối năm là 825,463 tỷ đồng, được đối chiếu, xác nhận với khách hàng trên 90%; trả trước cho người bán 4.592,528 tỷ đồng. Tổng nợ khó đòi tại thời điểm cuối năm 2012 là hơn 657 tỷ đồng, bằng 9,91% nợ phải thu. Nhìn chung, nợ khó đòi phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh chính năm 2012 ít, các đơn vị đã lập dự phòng nợ khó đòi 585,116 tỷ đồng, bằng 89,04% nợ khó đòi. Tuy nhiên, trong công tác quản lý nợ phải thu, công ty mẹ và 1 công ty con chưa xây dựng và ban hành Quy chế quản lý các khoản nợ phải thu; một số khoản nợ khó đòi có giá trị lớn, có khả năng không thu hồi được; trích lập một số khoản phải thu khó đòi không có đầy đủ hồ sơ theo quy định; chưa hạch toán một số khoản nợ phải thu…
Trong công tác quản lý hàng tồn kho, các đơn vị được kiểm toán đã thực hiện nhập, xuất, theo dõi và quản lý hàng tồn kho theo quy định; cuối tháng có tiến hành kiểm kê hàng tồn kho (chủ yếu là hàng hóa, nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ…). Giá trị hàng tồn kho cuối năm là hơn 525 tỷ đồng, khối lượng tồn kho kém, mất phẩm chất theo đánh giá của các đơn vị là hơn 3 tỷ đồng. Tình hình quản lý tài sản cố định của công ty mẹ và các công ty con cũng được hạch toán, theo dõi chi tiết từng đơn vị tài sản, thực hiện kiểm kê cuối năm. Việc quản lý tài sản, từ mua sắm, ghi nhận, khấu hao, được thực hiện tại Văn phòng công ty mẹ, đặc biệt những tài sản có giá trị lớn. Tại các chi nhánh, các đơn vị phụ thuộc thực hiện tiếp nhận và quản lý, sử dụng và trực tiếp mua sắm một số tài sản cố định có giá trị nhỏ hơn, theo phân cấp. Việc quản lý tài sản cố định tại đơn vị về cơ bản tuân thủ theo nguyên tắc quản lý tài sản cố định do Bộ Tài chính hướng dẫn. Tuy nhiên, TCT chưa xây dựng quy chế quản lý tài sản cố định, đồng thời việc hạch toán tăng tài sản cố định còn một số tồn tại, việc tính toán và trích khấu hao tài sản cố định còn một số sai sót. Qua kiểm toán chọn mẫu một số khoản mục tài sản cố định, KTNN xác định mức khấu hao nhanh vượt khung quy định hơn 68 tỷ đồng nên đã loại trừ khi tính thuế Thu nhập DN và hạch toán tài sản thuế thu nhập hoãn lại với khoản trích khấu hao vượt mức quy định này.
Một số hoạt động kinh doanh không hiệu quả
Năm 2012, hoạt động của công ty mẹ và các công ty con thuộc TCT tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chủ yếu như khai thác dịch vụ hàng không tại các sân bay hoặc các hoạt động có liên quan đến lĩnh vực vận tải hàng không. Doanh thu thuần đạt được từ hoạt động cung cấp dịch vụ, bán hàng hóa đạt 8.010,5 tỷ đồng, tăng 13,73% so với năm 2011; tổng chi phí 7.822 tỷ đồng, tăng 12,32% so với năm 2011. Tổng lợi nhuận hoạt động kinh doanh trước thuế của công ty mẹ và công ty con theo Báo cáo tài chính hợp nhất đạt 2.023 tỷ đồng, tăng 77,03% so với năm 2011. Nhìn chung, hoạt động kinh doanh của TCT tăng trưởng ổn định, công ty mẹ và các công ty con đều kinh doanh hiệu quả, mức tăng lợi nhuận so với năm 2011.
Đồng thời, KTNN xác định, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu thuần của hoạt động kinh doanh sau khi điều chỉnh theo kết quả kiểm toán là 25,56%, tăng 8,98% so với năm 2011; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản là 6,7%, tăng 1,58% so với năm 2011; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu là 13,67%, tăng 4,44% so với năm 2011.
Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh do công ty mẹ và các công ty con thực hiện (không bao gồm lợi nhuận từ đầu tư ra ngoài DN), tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản là 6,48%. Trong các đơn vị được kiểm toán, Công ty CP Thương mại hàng không Cam Ranh có tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản và vốn chủ sở hữu đạt tới 34,16% và 46,91%; Công ty CP Vận tải hàng không Miền Nam là đơn vị có tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu thấp (0,62%), tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản và vốn chủ sở hữu thấp, chỉ 1,41% và 1,93%. Qua kiểm toán, KTNN đã chỉ ra một số hoạt động kinh doanh không hiệu quả tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (hoạt động kinh doanh xăng dầu, kinh doanh bia). Đáng lưu ý, KTNN nhấn mạnh hầu hết hoạt động kinh doanh chính tại Công ty CP Vận tải hàng không miền Nam đều lỗ với tổng số lỗ hơn 2,7 tỷ đồng.
(Kỳ sau đăng tiếp)
HỒNG THOAN